Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Câu hỏi 114. Một hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có thể vừa bị xử phạt vi phạm hành chính, vừa bị áp dụng biện pháp hình sự và dân sự không?

Trả lời: Một hành vi xâm phạm quyền sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hay hình sự là tuỳ thuộc tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm quyền đó.

Pháp luật quy định một hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính (áp dụng biện pháp hành chính) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (áp dụng biện pháp hình sự). Như vậy một hành vi xâm phạm quyền chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp hình sự (Điều 3.2.b Nghị định 134/2003/NĐ-CP).

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh cuả pháp luật dân sự. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, hành vi xâm phạm quyền được xem xét không chỉ bằng pháp luật dân sự. Trong trường hợp chủ sở hữu công nghiệp yêu cầu thì hành vi xâm phạm quyền được xử  lý bằng pháp luật hành chính.

Một số hành vi xâm phạm quyển sở hữu công nghiệp có ảnh hưởng tới trật tự quản lý kinh tế, trật tự xã hội, nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng bị xử lý bằng pháp luật hành chính.

Tuy nhiên, một hành vi xâm phạm quyền đã bị xử phạt vi phạm hành  chính (đã bị áp dụng biện pháp hành chính), hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị áp dụng biện pháp hình sự) vẫn có thể bị áp dụng biện pháp dân sự để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu quyền, trong một số trưòng hợp là bồi thường cho tổ chức, cá nhân khác bị thiệt hại (Điều 4.1 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).

( theo Bộ khoa học và công nghệ )