Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Câu hỏi 155. Thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp?

Trả lời:

1. Theo quy định, thời hạn để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong xử phạt về sở hữu công nghiệp là 10 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Thời hạn này là 30 ngày làm việc trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, cần giám định. Trong trường hợp cần tiếp tục xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn 30 ngày làm việc, người có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng trực tiếp của mình. Thủ trưởng trực tiếp sẽ ra quyết định gia hạn bằng văn bản thêm 30 ngày. Cụ thể là, nếu Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ sẽ ký quyết định xử phạt thì báo cáo Giám đốc Sở.  Nếu Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định xử phạt thì báo cáo Bộ trưởng. Trường hợp, Thanh tra viên thì báo cáo Chánh Thanh tra. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính khác (Điều 56 Pháp lệnh XLVPHC, Điều 21 Nghị định 134/2003/NĐ-CP).

2. Những trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp nhưng không được ra quyết định xử phạt:

Nếu quá thời hạn trên 10 ngày trong trường hợp vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh.

Đã hết thời hạn 30 ngày mà không xin gia hạn hoặc đã xin gia hạn nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép.

Đã hết thời hạn cấp có thẩm quyền cho phép (quá 60 ngày kể từ ngày lập biên bảnvi phạm hành chính).

Người có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp trong các trường hợp quá thời hạn nêu trên. Tuy nhiên, có thể ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp không thể loại bỏ yếu tố vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khoẻ và áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

Trường hợp có sự tranh chấp về chủ thể quyền, về khả năng bảo hộ, về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thi cũng tạm dừng, chưa quyết định xử phạt, yêu cầu các bên tranh chấp giải quyết tại Cục Sở hữu trí tuệ. (Điều 22 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)

Trường hợp chủ thể quyền yêu cầu xử lý, nhưng sau đó rút đơn cũng không xử lý, trừ trường hợp hàng hoá là giả mạo về sở hữu công nghiệp (Điều 27.5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Điều 22 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)

( theo Bộ khoa học và công nghệ )