Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Câu hỏi 213. Cần gửi cho cơ quan thực thi những tài liệu nào khi tố cáo, yêu cầu xử lý hành vi vi phạm, xâm phạm về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Hồ sơ tố cáo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Đơn tố cáo có các nội dung: Tên tổ chức, cá nhân tố cáo, địa chỉ liên hệ; tên tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp  bị tố cáo (trường hợp biết rõ đối tượng sở hữu công nghiệp bị vi phạm, hoặc địa chỉ ghi trên hàng hoá có yếu tố vi phạm); nội dung vi phạm, các tài liệu, văn bằng về sở hữu công nghiệp là bản sao có công chứng (nếu tổ chức, cá nhân tố cáo là chủ văn bằng), xác định chủ thể, đối tượng, phạm vi, nội dung quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ và có liên quan đến vụ việc vi phạm; các chứng cứ (bao bì sản phẩm,  hàng hoá  chứa đựng yếu tố vi phạm, ảnh chụp, tờ rơi quảng cáo…) để chứng minh có hành vi vi phạm.

Trường hợp tố cáo thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp cần có giấy uỷ quyền hợp pháp trong đó có nội dung uỷ quyền bảo vệ quyền  sở hữu công nghiệp trước cơ quan có thẩm quyền; Kết quả giám định (nếu đã giám định); yêu cầu, đề nghị bao gồm đề nghị xử phạt vi phạm hành chính (ghi rõ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ tách ra để giải quyết sau bằng thủ tục tố tụng dân sự tại Toà án), các nội dung giải trình, các đề nghị về các biện pháp xử lý thích hợp khác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mình; các cam kết về nguồn gốc hàng hoá khi đề nghị tịch thu hàng hoá vi phạm.

Người tố cáo chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo và các chứng cứ đã cung cấp. Trường hợp sau khi thẩm tra, xác minh cơ quan có thẩm quyền kết luận không đúng sự thật, tổ chức, cá nhân bị tố cáo không có hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp  thì người tố cáo  phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho người bị tố cáo và người có liên quan. Trường hợp cố ý có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tuỳ theo mức độ.

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ (và người có thẩm quyền khác tiếp nhận đơn) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn (ngày làm việc) sẽ trả lời cho tổ chức, cá nhân có đơn việc có thụ lý đơn hay không. Trường hợp thụ lý thì có yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ khác không. Trường hợp không thụ lý, trả lại đơn, hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền khác cũng nêu rõ lý do.

( theo Bộ khoa học và công nghệ )