Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 2: "Quyền lực đen"

"Siêu đại gia" từ đòn bẩy tài chính

Một "cá mập" đất Hà thành cho biết, số lượng các đại gia chứng khoán có tiền mặt lên tới trăm tỉ đồng rất ít. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ lại có quyền mua bán cổ phiếu với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng là nhờ đòn bẩy tài chính. Theo nhà đầu tư (NĐT) này, tại nhiều công ty chứng khoán (CTCK), khi thị trường đang tăng điểm, mức độ đòn bẩy phổ biến đối với khách VIP là 70% (có 3 đồng tiền mặt được mua 7 đồng chứng khoán). Tại một số CTCK có nguồn tài chính dồi dào (đặc biệt là một vài CTCK ngân hàng), mức độ đòn bẩy đối với khách VIP có thể lên tới 80% (có 2 đồng tiền mặt được mua tới 8 đồng chứng khoán), thậm chí lên tới 90% (có 1 đồng được mua tới 9 đồng). "Đòn bẩy tài chính mới là nhân tố tạo ra các "siêu đại gia" chứ tiền mặt không thì không thể", NĐT nói trên khẳng định.

 
Một CTCK lớn với lượng khách VIP rất dồi dào từng tuyên bố tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch để đảm bảo sự công bằng giữa các NĐT như không cho bán T+1, T+2, T+3. Tuy nhiên, sau khi thị phần bị sụt giảm thê thảm, nhiều khách VIP bỏ sang các CTCK có chính sách "cởi mở" hơn, công ty này cũng đã thay đổi và cho phép khách VIP bán T+ để cạnh tranh. Phó tổng giám đốc một CTCK có trụ sở chính tại TP.HCM kết luận, tuân thủ quy định trong giao dịch chứng khoán thì: "Làm thật ăn cháo, láo nháo mới có cơm".

Còn phó tổng giám đốc một CTCK lớn có trụ sở tại Hà Nội thì nói: "Nếu muốn kéo khách VIP mà lại cứ khư khư ôm việc tuân thủ quy định và triết lý công bằng giữa các NĐT thì chẳng khác nào... chờ sung. Nhưng mà cứ cho bán T+ loạn xạ, đòn bẩy tài chính thì cao ngất như một số CTCK đang làm thì thị trường loạn quá".
 

Đối với các "cá mập" thuộc diện đặc biệt, một vài CTCK còn cho phép họ mua cổ phiếu trong hạn mức nhất định mà không cần có tiền trong tài khoản. Một số trường hợp NĐT được mua bán rồi thanh toán tiền chênh lệch với CTCK chứ không cần phải nộp đủ tiền mua như các NĐT khác. Ngoài việc được hỗ trợ tài chính ở mức rất lớn, các "cá mập" còn được hưởng các "đặc quyền" như có nhân viên môi giới, nhân viên nhận lệnh và 1-2 kế toán phục vụ riêng. Đối với nhiều cổ phiếu "hot", các "cá mập" này luôn được ưu tiên nhập lệnh đầu tiên (chủ yếu là sàn Hà Nội). Vì vậy, họ luôn mua được các cổ phiếu "hot" mà các khách hàng thường rất khó có thể mua.

Một trong các ưu đãi đặc biệt mà các "cá mập" được hưởng là bán T+1, T+2, T+3 (mua phiên trước, bán phiên sau; bán sau 2 phiên hoặc sau 3 phiên tính từ khi mua vào) trong khi các NĐT thông thường thì phải T+4 (phiên thứ 4 kể từ ngày mua) mới có thể bán được chứng khoán. Đây chính là lý do khiến cho "cá mập" có khả năng "rút nhanh" hơn các NĐT khác khi thị trường có thay đổi đột ngột. Ưu đãi này cực kỳ quan trọng trong bối cảnh chứng khoán lình xình bởi khi đó, thị trường chỉ tăng được 1 hoặc 2 phiên rồi lại giảm thì chỉ có các "cá mập" chứng khoán mới có cơ hội tận hưởng lợi thế tăng giá (nhờ được bán T+1 và T+2).       

Công nghệ "bắn tin" làm giá cổ phiếu

Quyền lực của các "cá mập" còn được khuếch đại và tăng cường thông qua hệ thống truyền tin bắt đầu từ các môi giới chứng khoán VIP (qua tin nhắn trên điện thoại di động, chat Yahoo, Google hoặc Skype).

Các thông tin làm giá của các "cá mập" ban đầu là thuộc diện rỉ tai nhau để cùng "đánh hội đồng". Nhưng thực tế, các thông tin này bị rò rỉ tới các NĐT khác từ các môi giới VIP, bản thân các môi giới này cũng đánh theo "cá mập" và cũng thắng lớn khi thị trường tăng điểm nên các tin tức rỉ tai này trở thành tin "hot" được săn lùng trên thị trường. Khi phát hiện ra điều này, chính các "cá mập" cùng với các môi giới VIP đã "bắt tay" để tạo ra một "công nghệ" bắn tin "làm giá" cổ phiếu, khiến cho việc làm giá diễn ra nhanh, mạnh hơn nhờ sự hưởng ứng của nhiều NĐT nhỏ khác.

Vào thời điểm khoảng tháng 8-9.2009, các môi giới VIP tại nhiều CTCK thường truyền tin nhau rất nhanh về một loại cổ phiếu nào đó sẽ “được” làm giá. Sau vài ngày kể từ khi tin được phát đi, giá của cổ phiếu bị đồn đại đó tăng rất mạnh và kèm theo đó là các thông tin tốt về các dự án mà công ty đó ký được hoặc đang triển khai. Có thời điểm những thông tin rỉ tai kiểu này "hot" tới mức không ít NĐT quan tâm đến nó nhiều hơn là các thông tin chính thức về tình hình sản xuất kinh doanh của chính công ty đó.

Khi được hỏi vì sao vẫn thích chơi cổ phiếu theo tin "làm giá" dù biết là rất rủi ro, một NĐT tên N.V.T tại Hà Nội cho biết, mua cổ phiếu theo tư vấn nghiêm chỉnh khác nào mua trái phiếu chính phủ; trong khi đó giá cổ phiếu khác cứ tăng ầm ầm. Chơi theo "cá mập" có nguy hiểm nhưng lãi to.

(Tác giả: Hoàng Ly // Báo Thanh Niên )

  • Thế giới "cá mập" chứng khoán
  • Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 2: "Quyền lực đen"
  • Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 3: Bị "xẻ thịt"
  • Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 4: Cần một “bàn tay sắt”!
  • Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài cuối: Cần một sân chơi bình đẳng
  • Niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ: Cần bao nhiêu tiền ?
  • Repo chứng khoán là gì?
  • Chứng khoán có thể chuyển đổi
  • Giới thiệu về Cổ phiếu
  • Sử dụng các hệ số để phân tích
  • Khái quát về thị trường chứng khoán
  • Thị trường sơ cấp
  • Giới thiệu trái phiếu
  • Các công cụ phái sinh
  • Phát hành CK lần đầu ra công chúng (IPO).