Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau - Kỳ 14: Chuẩn bị sân bay “độc nhất vô nhị” trên thế giới

Một cán bộ tham mưu sau khi thị sát xong sân bay đất nện để hạ cánh máy bay đã thốt lên: "Chỉ một việc, dám cất cánh và hạ cánh ở sân bay này, cũng đủ để tuyên dương anh hùng rồi".

Lời kể của Đại tá Lê Xuân Dị - thời điểm đó là Đại đội phó - giúp chúng ta hiểu hơn về những chuẩn bị cho cuộc đánh biển táo bạo, mưu trí và dũng cảm phi thường của phi công Việt Nam.

"Cùng với việc huấn luyện đội ngũ phi công, Binh chủng tăng cường nghiên cứu địch và quyết định chọn khu vực tổ chức trận đánh là vùng biển từ Quảng Bình đến Vĩnh Linh, vì khu vực này địch thường xuyên hoạt động gần, đặc biệt khi mang bom thì khả năng mang dầu có hạn. Vì vậy phải chuyển máy bay từ Sân bay Kép vào trực chiến ở Sân bay khu vực Quảng Bình.  

  Tái hiện cảnh MIG 17 ném bom chiến hạm Mỹ.Ảnh: THANH QUANG chụp lại

Sân bay Đồng Hới là sân bay duy nhất của khu vực này, nhưng nằm gần biển, địch luôn luôn đánh phá và khó giữ bí mật an toàn cho máy bay ta khi bố trí ở đây. Ta chủ trương xây dựng sân bay mới (Sân bay Gát) tại một thung lũng phía Tây Quảng Bình. Đây là sân bay dã chiến có kích thước hẹp, địch sẽ bị bất ngờ.

Mọi công việc chuẩn bị được tiến hành từ tháng 11/1971. Sau 5 tháng ta đã cơ bản hoàn thành. Bộ Tư lệnh Binh chủng giao nhiệm vụ cho Sở chỉ huy tiền phương binh chủng đóng ở Quảng Bình, do đồng chí Phó Tư lệnh Nguyễn Phúc Trạch trực tiếp chỉ huy có nhiệm vụ thường xuyên nghiên cứu nắm tình hình địch, quyết định thời cơ đưa máy bay vào và trực tiếp chiến đấu. Binh chủng cũng triển khai tổ chức thêm 3 đài chỉ huy khác để chỉ huy và hướng dẫn trực tiếp cho phi công chiến đấu" (Theo Báo An Ninh Thế Giới ngày 27/3/2003 của tác giả Trần Xuân Mão trong chuyên mục "Lật lại những hồ sơ mật").

Lời kể của Đại tá Lê Xuân Dị - thời điểm đó là Đại đội phó - một trong những người quan trọng trực tiếp tham gia giúp chúng ta hình dung rõ hơn về những khó khăn và nỗ lực phi thường của các chiến sĩ không quân ở sân bay dã chiến "kỳ lạ" này: "Hôm ấy, tôi vừa huấn luyện ném bom xong thì nhận được lệnh tối lên Hà Nội ngay để nhận nhiệm vụ. Trung đoàn trưởng hỏi ngay khi vừa gặp: "Anh Dị chọn ai trong trận đánh sắp tới?".

Đây là trận đánh được đánh giá là rất khó. Vì thế theo chủ trương của trên, phải chọn người giỏi, đi vào trước để trinh sát, nghiên cứu địch tình và nắm quy luật pháo kích của tàu giặc".

"Không quân Việt Nam chưa đánh mục tiêu di động ở biển bao giờ. Lần đầu vào đánh thế nào, tốc độ tàu là 20 hải lý, phải tính toán tốc độ bay sao cho đúng. Pháo địch bắn nhiều cũng lo. Nếu rủi ro ngoài biển thì sao, có được không? Bao nhiêu tình huống được đặt ra, có nhiều tình huống vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Mục đích tổ chức trận đánh là để tàu chiến địch dãn xa bờ biển của ta, làm chúng không đánh phá đường tiếp tế chi viện cho miền Nam. Vì thế, chúng tôi xác định, nếu không hạ được tàu chiến cũng cho chúng thấy sức mạnh của không quân Việt Nam mà khiếp vía!

Chúng tôi đi quan sát sân bay đất nện. Sân bay là một đoạn của đường 15 (đường đất đỏ), được nới rộng bằng cách lu, đầm, cải tiến để làm sân bay, chỉ sử dụng được một thời gian ngắn trong mùa khô (mùa mưa không sử dụng được). Làm xong đến đâu thì che luôn đến đó. Sau đó máy bay cơ động vào, ngụy trang che giấu ngay.

Đây là loại sân bay phản lực có một không hai trên thế giới với đường băng bằng đất đỏ. Không có bất cứ một vật gì hay thiết bị gì phục vụ cho việc cất và hạ cánh.

Tôi và Bảy đến giữa đoạn đường băng nhìn ra hai đầu. Một bài toán hóc búa được đặt ra: có cất cánh và hạ cánh an toàn ở sân bay này không? Nếu có một trục trặc nhỏ của máy bay thì xử lý thế nào? Tốc độ cất cánh ra sao? Ước lượng hướng và tầm hạ cánh thế nào? Lúc nào thì kéo bằng "chạm chân" tại đâu để dừng lại được cuối đường băng? Dừng xong thì rẽ vào đâu để chiếc thứ hai hạ cánh? Giấu máy bay ở chỗ nào để máy bay trinh sát của Mỹ không phát hiện? Chúng tôi tự hạ cánh mà không có sự trợ giúp của người chỉ huy liệu có bảo đảm hạ cánh chính xác không?

Khi bay, nếu cất cánh chiếc trước, chiếc sau thì bụi rất dữ, phải mất chừng 30 phút sau thì chiếc thứ 2 mới cất cánh được. Vì vậy 2 chiếc phải cất cánh song song và so le.

Một cán bộ tham mưu sau khi thị sát xong đã thốt lên: "Chỉ một việc, dám cất cánh và hạ cánh ở sân bay này, cũng đủ để tuyên dương anh hùng rồi".

Mặc dù gặp nhiều trở ngại là thế nhưng đến ngày 10/4/1972 toàn bộ cán bộ chỉ huy - kỹ thuật và phương tiện chiến đấu cùng bom đạn đã được chuyển vào vị trí tập kết an toàn./.

(Theo Đoàn Phương Nam // Baocamau)