Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tại sao nhãn hiệu lại liên quan tới sự thành công của doanh nghiệp nhỏ và vừa của bạn?

TẠI SAO NHÃN HIỆU LẠI LIÊN QUAN TỚI SỰ THÀNH CÔNG CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA BẠN?

Các nhãn hiệu của bạn, về nhiều mặt, là diện mạo doanh nghiệp của bạn. Chúng cho phép khách hàng phân biệt được sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn với sản phẩm hoặc dịch vụ của đối thủ cạnh tranh của bạn, tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của bạn có khả năng để bán ra thị trường một cách tốt hơn hàng hóa hoặc dịch vụ của mình. Nhưng nhãn hiệu không chỉ được sử dụng như dấu hiệu nhận dạng. Chúng còn được xem là sự đảm bảo về chất lượng trước sau như một. Một khách hàng nếu đã hài lòng với chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn sẽ tiếp tục mua nó dựa vào chất lượng mong đợi nhờ vào nhãn hiệu đã biết. Vì vậy, bạn nên chú tâm tới việc lựa chọn và thiết kế một nhãn hiệu phù hợp, bảo vệ nó, sử dụng nó một cách thận trọng trong quảng cáo và ngăn chặn những người khác sử dụng bất hợp pháp hoặc làm sai lệch nhãn hiệu đó.

Khi lựa chọn nhãn hiệu, bạn nên tìm hiểu xem liệu có hay không nhãn hiệu đã có trước hoặc các nhãn hiệu tương tự đã được đăng ký bởi các doanh nghiệp khác cho các loại hàng hóa/ dịch vụ và các thị trường mà bạn quan tâm. Loại thông tin này có được bằng việc tiến hành tra cứu nhãn hiệu. Làm công việc này sớm là điều rất quan trọng để tránh những xung đột không cần thiết với các doanh nghiệp khác và tránh hao tốn nguồn lực.

Một khi bạn đã tra cứu cơ sở dữ liệu nhãn hiệu cho những nhãn hiệu xung đột, bạn nên suy nghĩ về cách tốt nhất để bảo vệ nó. Để biết làm thế nào đăng ký nhãn hiệu của bạn, xin tham khảo phần "Một số đặc điểm chung của thủ tục đăng ký nhãn hiệu".

Về tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu của bạn ở các thị trường xuất khẩu, xin tham khảo phần "Sử dụng thương hiệu và kiểu dáng để đưa ra thị trường ở nước ngoài các sản phẩm và dịch vụ" và "Bảo hộ các quyền SHTT của doanh nghiệp vừa và nhỏ của bạn ở nước ngoài".

XÂY DỰNG HOẶC LỰA CHỌN NHÃN HIỆU


Xây dựng hoặc lựa chọn nhãn hiệu không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Thực tế có những công ty đặc biệt với dịch vụ chính là tìm kiếm hoặc phát triển nhãn hiệu phù hợp với nhu cầu của bạn. Trong khi không hề có những quy tắc cứng-và-nhanh cho một nhãn hiệu thành công, thì có một số hướng dẫn rất hữu ích. Trước tiên, bạn nên chắc chắn rằng nhãn hiệu mà bạn đưa ra đáp ứng các yêu cầu pháp lý cho việc đăng ký nhãn hiệu. Trước hết, nhãn hiệu của bạn phải đủ tính phân biệt để có thể được bảo hộ và có thể được đăng ký với cơ quan nhãn hiệu quốc gia hoặc nước ngoài. Tính phân biệt cố hữu sẽ càng làm cho khách hàng dễ nhận ra nhãn hiệu đó. Ngoài ra, trong số các tiêu chí được sử dụng chung cho việc xây dựng, thiết kế hoặc lựa chọn nhãn hiệu, bạn có thể muốn xem xét những yếu tố sau:

    Dấu hiệu phải dễ đọc, dễ đánh vần, phát âm và dễ nhớ bằng tất cả các thứ tiếng có liên quan.

    Không mang nghĩa đối lập theo tiếng lóng hoặc ý nghĩa không mong muốn.

    Phù hợp với các thị trường xuất khẩu mà không mang nghĩa đối lập trong ngôn ngữ nước ngoài, đặc biệt nếu bạn có dự định thương mại hóa sản phẩm ở nước ngoài.

    Không tạo ra sự nhầm lẫn về bản chất của sản phẩm.

    Có thể thích ứng được với tất cả các phương tiện quảng cáo.

Nhãn hiệu theo lựa chọn của bạn có thể sẽ rơi vào một trong số các trường hợp sau:

Các từ tự đặt (hoặc các từ "kỳ cục"): Đây là những từ được sáng tạo ra mà không có bất kỳ ý nghĩa thực nào trong bất kỳ thứ tiếng nào (ví dụ Kodak hoặc Exxon). Các từ tự đặt có lợi thế là dễ được bảo hộ vì chúng có nhiều khả năng được coi là phân biệt. Tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, người tiêu dùng có thể khó khăn hơn trong việc ghi nhớ chúng, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn trong quảng cáo về sản phẩm.

Các nhãn hiệu tùy ý là các nhãn hiệu bao gồm các từ có nghĩa thực trong một ngôn ngữ nhất định. Tuy nhiên, nghĩa của từ này không liên quan gì tới bản thân sản phẩm hoặc chất lượng của nó (ví dụ Apple (Quả táo) cho máy tính). Như trong trường hợp của các từ tự đặt, trong khi mức độ và độ dễ dàng để  được bảo hộ thường cao thì lại không có mối liên hệ trực tiếp giữa nhãn hiệu và sản phẩm vì vậy đòi hỏi khả năng tiếp thị cao hơn để tạo ra được mối liên hệ như vậy trong tiềm thức của người tiêu dùng.

Nhãn hiệu mang tính gợi ý là những nhãn hiệu ám chỉ tới một hoặc một số thuộc tính của sản phẩm. Yêu cầu đăng ký nhãn hiệu mang tính gợi ý dẫn tới một thực tế là chúng sẽ đóng vai trò như một hình thức quảng cáo và có thể tạo ra một sự liên hệ trực tiếp trong tiềm thức người tiêu dùng giữa nhãn hiệu, chất lượng mong muốn và sản phẩm. Tuy nhiên, một nguy cơ liên quan là một số tài phán có thể cho rằng nhãn hiệu mang tính chất gợi ý sẽ quá mang tính chất mô tả hoặc không đủ tính phân biệt để đáp ứng điều kiện bảo hộ nhãn hiệu.

THỰC HIỆN TRA CỨU NHÃN HIỆU

Như bước đầu tiên để bảo vệ nhãn hiệu, bạn nên tiến hành tra cứu nhãn hiệu để đảm bảo rằng nhãn hiệu được xem xét không đang bị sử dụng bởi doanh nghiệp khác ở (những) thị trường mục tiêu. Cơ quan nhãn hiệu ở nhiều nước cho đăng ký nhãn hiệu mà không cần so sánh chúng với các đăng ký nhãn hiệu đang tồn tại và các đơn được nhận sớm hơn, mà để cho các đối thủ cạnh tranh trong tương lai của bạn đưa ra thông báo phản đối khi nhãn hiệu hoặc đơn được công bố/đăng ký. Vì vậy, có được đăng ký nhãn hiệu ở một số quốc gia nào đó không đảm bảo rằng nhãn hiệu đó sẽ không xâm phạm các quyền của người khác. Do đó, điều quan trọng, và luôn có thể thực hiện, là tiến hành tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia trước khi sử dụng một nhãn hiệu cho hoạt động xuất khẩu của bạn.

Việc tra cứu nhãn hiệu có thể được tiến hành thông qua cơ sở dữ liệu trực tuyến (mặc dù rất ít quốc gia hiện nay có cung cấp dịch vụ này), các hãng luật chuyên ngành, hoặc trên sổ đăng bạ nhãn hiệu quốc gia. Quan trọng là phải nhớ rằng khi các nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu của bạn có thể dễ được xác định, thì những nhãn hiệu tương tự tới mức gây nhầm lẫn mà xung đột với nhãn hiệu của bạn sẽ khó phát hiện hơn nhiều. Dựa vào kinh nghiệm các vụ việc, một lời khuyên là nên sử dụng các dịch vụ của những luật sư hoặc đại diện có thẩm quyền để tra cứu nhãn hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của bạn.

Vì hầu hết các nhãn hiệu (ngoại trừ "nhãn hiệu nổi tiếng") chỉ bảo hộ những hàng hóa hoặc dịch vụ mà chúng được đăng ký cũng như những hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự với hàng hóa đã đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu đã được đăng ký của bạn có thể sẽ được người khác sử dụng một cách hợp pháp để bán sản phẩm hoặc dịch vụ không liên quan đến những sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp vừa và nhỏ của bạn.
 
BẢO HỘ BÍ MẬT KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA BẠN


Bí mật kinh doanh là gì?

Nói theo nghĩa rộng, một thông tin kinh doanh bí mật bất kỳ mà tạo cho một doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh đều có thể được coi là bí mật kinh doanh. Bí mật kinh doanh bao gồm các bí mật về công nghiệp hoặc sản xuất và bí mật thương mại. Việc sử dụng trái phép thông tin này bởi những người khác không phải là chủ sở hữu đều bị coi là thực tiễn không lành mạnh và xâm phạm bí mật kinh doanh. Phụ thuộc vào hệ thống pháp luật, việc bảo hộ bí mật kinh doanh tạo nên một phần của khái niệm chung của bảo hộ chống lại việc cạnh tranh không lành mạnh hoặc được dựa trên những điều khoản đặc biệt hoặc luật án lệ về bảo hộ thông tin bí mật.

Đối tượng của bí mật kinh doanh thường được xác định trong phạm vi rộng và bao gồm các phương pháp bán hàng, các phương pháp phân phối, các hồ sơ khách hàng, các chiến lược quảng cáo, các danh sách các nhà cung cấp và khách hàng, các quy trình sản xuất. Trong khi việc xác định cuối cùng xem thông tin nào tạo nên một bí mật kinh doanh sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng trường hợp cá nhân cụ thể, thì một cách rõ ràng rằng thực tiễn không lành mạnh của thông tin bí mật bao gồm tình báo công nghiệp hoặc thương mại, vi phạm hợp đồng và vi phạm lòng tin.

BÍ MẬT KINH DOANH ĐƯỢC BẢO HỘ NHƯ THẾ NÀO?

Trái với sáng chế, bí mật kinh doanh được bảo hộ không cần phải đăng ký, có nghĩa là bí mật kinh doanh được bảo hộ mà không cần bất cứ hình thức mang tính thủ tục nào. Bởi vậy, một bí mật kinh doanh có thể được bảo hộ vô thời hạn. Với những lý do này, việc bảo hộ bí mật kinh doanh có vẻ như đặc biệt hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, có một số điều kiện để một thông tin được coi là bí mật kinh doanh. Thỏa mãn các điều kiện này có thể sẽ thấy khó và tốn kém hơn so với việc nhìn nhận ban đầu. Trong khi các điều kiện này khác nhau ở các quốc gia, thì có một số tiêu chuẩn chung được đề cập tới trong Điều 39 Hiệp định TRIPS:

    Thông tin phải là bí mật (có nghĩa là không được biết đến một cách chung, hoặc sẵn có để có thể tiếp cận, với nhóm người thường xuyên xử lý loại thông tin được nói tới).

    Phải có giá trị thương mại vì nó là một bí mật.

    Phải là đối tượng để người nắm giữ hợp pháp thông tin đó giữ bí mật bằng những biện pháp hợp lý (ví dụ thông qua các hợp đồng bảo mật).

Ví dụ

Một doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển một quy trình để sản xuất sản phẩm của mình cho phép sản xuất ra hàng hóa với phương thức hiệu quả hơn về mặt chi phí. Quy trình này tạo cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ của mình. Do vậy, doanh nghiệp này đã đánh giá bí quyết kỹ thuật của mình như một bí mật kinh doanh và không muốn để đối thủ cạnh tranh biết được nó. Phải đảm bảo rằng chỉ một số lượng hạn chế người biết về bí mật này, và những người được biết này phải nhận thức rằng đó là bí mật. Khi giao dịch với các bên thứ ba hoặc chuyển giao quyền sử dụng bí quyết kỹ thuật của mình, doanh nghiệp ký các hợp đồng bảo mật để đảm bảo rằng tất cả các bên biết thông tin đó là bí mật. Trong trường hợp này, việc chiếm đoạt thông tin bởi một đối thủ cạnh tranh hoặc của bên thứ ba bất kỳ đều bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA ĐƯỢC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA BẠN ÁP DỤNG

Các bí mật kinh doanh được sử dụng một cách rộng rãi bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như hoàn toàn dựa vào bí mật kinh doanh để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình (mặc dù trong nhiều trường hợp họ có thể thậm chí không nhận thức rằng bí mật kinh doanh được bảo hộ về mặt pháp lý). Vì vậy, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật kinh doanh của mình một cách hữu hiệu. Điều này bao gồm:

    Thứ nhất, xem xét bí mật đó có khả năng bảo hộ theo sáng chế hay không, và nếu có thì việc bảo hộ theo sáng chế có tốt hơn không.

    Thứ hai, chắc chắn rằng một số lượng người có hạn biết về bí mật đó và tất cả những người này đều phải nhận biết đó là thông tin mật.

    Thứ ba, có các thỏa thuận về bảo mật trong các hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo pháp luật của nhiều nước, người lao động phải chịu trách nhiệm bảo mật với người sử dụng lao động thậm chí ngay khi không có các hợp đồng này. Trách nhiệm giữ bí mật của người sử dụng lao động thường được duy trì, ít nhất là trong một thời hạn xác định, thậm chí cả sau khi người làm lao động đã thôi việc.

    Thứ tư, ký các hợp đồng bảo mật với các đối tác kinh doanh bất kể khi nào phải bộc lộ thông tin mật.

SÁNG CHẾ HAY BÍ MẬT KINH DOANH?

Về cơ bản, bí mật kinh doanh gồm hai loại. Thứ nhất, bí mật kinh doanh liên quan tới các sáng chế hoặc quy trình sản xuất mà không đáp ứng được các điều kiện cấp patent và vì vậy, chỉ có thể được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh. Loại này có thể là trường hợp của các danh sách khách hàng hoặc các quy trình sản xuất không đủ tính sáng tạo để được cấp patent (mặc dù chúng có thể có khả năng bảo hộ dưới dạng mẫu hữu ích). Mặt khác, các bí mật kinh doanh có thể liên quan tới những sáng chế đủ điều kiện để cấp patent và do vậy có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế. Trong trường hợp sau, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đối mặt với một lựa chọn: xin cấp Bằng độc quyền cho sáng chế hoặc giữ như một bí mật kinh doanh.

Một số ưu điểm của bí mật kinh doanh:

Việc bảo hộ bí mật kinh doanh có ưu điểm là không bị hạn chế về mặt thời gian (sáng chế thường được kéo dài đến 20 năm). Nó sẽ còn được kéo dài tới chừng nào bí mật đó còn chưa bị bộc lộ ra công chúng.

Bí mật kinh doanh không đòi hỏi chi phí đăng ký (mặc dù có thể phải bỏ chi phí cao hơn để bảo mật thông tin đó).

Bí mật kinh doanh phát sinh hiệu lực ngay lập tức.

Việc bảo hộ bí mật kinh doanh không đòi hỏi phải tuân theo những hình thức như bộc lộ thông tin cho cơ quan chính phủ.

Tuy nhiên, có một số bất lợi cụ thể trong việc bảo hộ thông tin kinh doanh bí mật như một bí mật kinh doanh, đặc biệt khi thông tin đáp ứng các tiêu chuẩn để có khả năng được cấp patent.

Nếu bí mật được thể hiện dưới dạng một sản phẩm mang tính chất đổi mới, thì những người khác có thể kiểm tra, mổ xẻ và phân tích nó (tức là “phân tích ngược” nó) và phát hiện bí mật, và sau đó sẽ có quyền sử dụng nó. Việc bảo hộ bí mật kinh doanh một sáng chế thực chất không tạo độc quyền để loại trừ bên thứ ba khỏi việc sử dụng thương mại nó. Chỉ có sáng chế hoặc mẫu hữu ích có thể có dạng bảo hộ này.

Một khi bí mật bị công bố, thì bất kỳ người nào cũng có thể tiếp cận và sử dụng nó một cách tùy ý.

Một bí mật kinh doanh khó thực thi hơn một sáng chế. Mức độ bảo hộ dành cho bí mật kinh doanh khác nhau một cách đáng kể theo các nước, nhưng nói chung là yếu, đặc biệt khi so với bảo hộ dành cho sáng chế.

Một bí mật kinh doanh có thể được cấp patent cho một người nào đó tự phát triển thông tin liên quan bằng các cách thức hợp pháp.

NHỮNG TÌNH HUỐNG MÀ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA BẠN CÓ THỂ HƯỞNG LỢI TỪ BẢO HỘ BÍ MẬT KINH DOANH

Trong khi một quyết định sẽ phải được đưa ra trên cơ sở của từng vụ việc, trong những trường hợp sau đây nên thực hiện bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh:

Khi bí mật không có khả năng được cấp patent.

Khi rất có khả năng thông tin có thể được giữ bí mật trong thời hạn đáng kể. Nếu thông tin bí mật tạo bởi sáng chế có khả năng được cấp patent, việc bảo hộ bí mật kinh doanh chỉ thích hợp nếu  bí mật đó có thể giữ được trên 20 năm (thời hạn bảo hộ dành cho một sáng chế) và nếu những người khác không thể đến được sáng chế tương tự bằng cách thức hợp pháp.

Khi bí mật kinh doanh không được xem là có giá trị lớn tương xứng với một patent (mặc dù mẫu hữu ích có thể là một sự lựa chọn tốt ở những nước có bảo hộ đối với mẫu hữu ích).

Khi bí mật liên quan đến quy trình sản xuất hơn là sản phẩm, vì các sản phẩm sẽ có khả năng bị phân tích ngược hơn.

Khi bạn đã nộp đơn để xin cấp patent và chờ được cấp patent.

Tuy nhiên, điều quan trọng phải ghi nhớ rằng bảo hộ bí mật kinh doanh thường yếu ở hầu hết các nước, rằng điều kiện và phạm vi bảo hộ của nó có thể khác nhau đáng kể theo các nước phụ thuộc vào các cơ chế pháp luật hiện hành và luật án lệ, và rằng các tòa án có thể yêu cầu những nỗ lực đáng kể và tốn kém để duy trì bí mật. Việc bảo hộ sáng chế hay mẫu hữu ích, bất kể ở nơi nào có thể, sẽ cung cấp sự bảo hộ mạnh hơn nhiều.
 


 

( Tài liệu của: Bộ phận doanh nghiệp vừa nhỏ - Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO - http://www.wipo.int/sme)

  • Tại sao sở hữu trí tuệ liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ của bạn?
  • Bạn chuyển sáng chế thành các tài sản sinh lợi nhuận cho SME của bạn như thế nào?
  • Tại sao sở hữu trí tuệ lại có tính quyết định đối với việc tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ SME của bạn?
  • Doanh nghiệp của bạn có thể sử dụng tài sản trí tuệ để đầu tư không?
  • Sở hữu trí tuệ có thể nâng cao cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của bạn như thế nào?
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ của bạn có đạt được và duy trì sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
  • Bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp SME của bạn ở nước ngoài
  • Tại sao nhãn hiệu lại liên quan tới sự thành công của doanh nghiệp nhỏ và vừa của bạn?
  • Doanh nghiệp của bạn được hưởng lợi gì từ quyền tác giả /Bản quyền?
  • Bảo hộ các kết quả cải tiến dưới hình thức mẫu hữu ích
  • Sử dụng thông tin Patent vì lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)
  • Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, một bộ phận thiết yếu trong chiến lược kinh doanh của SME
  • Các SME cần phải làm gì để giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ?
  • Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý có lợi như thế nào đối với các SME?
  • Phụ lục: Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan