Các dự án cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang được dự báo là gặp nhiều khó khăn về nguồn điện để hoạt động. Việc lập quy hoạch nguồn điện cung cấp cho các cảng biển đang đặt ra rất cấp thiết. Trong ảnh: Dự án cảng Posco (khu công nghiệp Phú Mỹ 2, huyện Tân Thành) phải sử dụng chung nguồn điện với “người anh em”- Dự án Nhà máy thép Posco. |
Việc nhiều dự án đầu tư cảng biển “đổ bộ” vào Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian qua cho thấy tiềm năng và lợi thế của vùng đất năng động ven biển này đã và đang được phát huy. Thế nhưng, nếu không có sự chủ động đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, trong đó quan trọng là nguồn cung cấp điện, thì các cảng biển sẽ lâm vào tình trạng khó hoạt động.
“CÂU” ĐIỆN NHỜ
Cảng SP-PSA, KCN Phú Mỹ I có vốn đầu tư đăng ký 240 triệu USD, lộ trình xây dựng từ năm 2006 đến năm 2009. Theo đúng lộ trình, cảng SP-PSA đang ở giai đoạn hoàn thành và chạy thử, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II năm nay. Tuy cảng xây dựng gần xong nhưng chưa biết tìm đâu ra điện để sử dụng. Theo đúng phương án cấp điện, cảng SP-PSA sẽ được cấp điện theo tuyến đường 965 (đường liên cảng), nhưng đến thời điểm này tuyến đường 965 vẫn chưa xây dựng xong. Vì vậy, chủ đầu tư phải kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ để được “câu nhờ” đường điện đi ngang qua phần đất của dự án nhà máy thép của Công ty TNHH Posco Việt Nam, nhằm sớm đưa cảng vào vận hành đúng thời gian dự kiến. Ngày 9-3-2009 vừa qua, Điện lực BR-VT đã hoàn thành nhánh rẽ 22kV cấp điện cho cảng SP-PSA theo lộ tuyến này.
Không chỉ riêng dự án cảng SP- PSA gặp rắc rối do nguồn cấp điện mà hàng loạt các cảng biển thuộc khu vực Phú Mỹ, những cảng dự kiến nhận điện từ tuyến cấp điện theo đường 965 cũng chung tình trạng. Việc phải tự tìm cách câu điện nhờ như SP-PSA rất có thể phải lặp lại ở các dự án khác vì những cảng biển này đều đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong 1, 2 năm tới. Trong khi đó, dự án đường 965 được chia thành nhiều gói thầu, phần lớn các gói thầu đều gặp khó khăn, có gói thầu đang được UBND tỉnh yêu cầu chấm dứt hoạt động. Vì vậy, đường 965 chưa biết sẽ hoàn thành vào năm nào. Đường không xong thì điện cũng không thể kéo tuyến. Không có điện sử dụng thì cảng có hoàn thành cũng không thể vận hành thử, chưa nói đến vận hành chính thức. Đây là bài toán khó cho các chủ đầu tư dự án cảng biển hiện nay.
CẦN SỚM QUY HOẠCH VIỆC CUNG CẤP ĐIỆN
Để giải quyết khó khăn trong việc cấp điện cho hệ thống cảng trong khu vực đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép Sở Công thương đang xây dựng quy hoạch cấp điện cho các cảng biển. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở cho biết: Một cảng thì có thể tạm thời đi nhờ đường điện, chứ hàng loạt cảng thì không thể giải quyết theo cách này. Chính vì vậy rất cần một quy hoạch chi tiết, cụ thể về việc cung cấp điện cho các cảng biển, trên cơ sở đó ngành điện có kế hoạch chủ động đầu tư trạm điện, lưới điện phục vụ cho hệ thống các cảng biển được thuận lợi. Sau khi làm việc với các sở, ngành để nắm tình hình về các cảng biển, Sở Công thương đãõ báo cáo UBND tỉnh để sớm thực hiện quy hoạch.
Theo thống nhất giữa Điện lực BR-VT với cảng SP-PSA, tổng công suất theo yêu cầu đến năm 2014 của cảng sẽ là 10 MVA. Một số cảng biển khác dự kiến hoàn thành năm 2009 cũng có nhu cầu phụ tải khá lớn, như cảng quốc tế Cái Mép CMIT 20 MVA, cảng Quốc tế Sài Gòn – Thị Vải 12 MVA, cảng SSIT 10 MVA… Thêm vào đó, theo chủ trương của Chính phủ việc di dời hệ thống cảng biển từ TP. Hồ Chí Minh về BR-VT cũng đang được xúc tiến, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện năng của khu vực cảng biển càng tăng mạnh. Các dự án cảng trên địa bàn tỉnh cũng đang nhanh chóng triển khai xây dựng. Do vậy, việc sớm quy hoạch cung cấp điện cho các cảng biển ngay bây giờ là cần thiết để các cảng biển có thể vận hành theo đúng lộ trình đề ra.
( Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com