Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cắt giảm đầu tư công, không “đầu voi đuôi chuột”

Ngày 8/3 tới, 9 đoàn do Bộ KHĐT chủ trì sẽ bắt đầu đi kiểm tra đầu tư công tại các địa phương, tập đoàn. Lạm phát rình rập, chuyện cắt giảm đầu tư công lại trở nên nóng bỏng. Nhưng năm nay, liệu câu chuyện này có trở thành “đầu voi đuôi chuột”?

Chuyện giảm đầu tư công không còn là sáng kiến. Nó đã được nhắc đến đậm nét nhất là năm 2008, khi lạm phát tăng nhưng rồi, kết quả của việc cắt giảm đầu tư công lại không được nhắc tới nhiều như lúc khởi động. Nói cách khác, nó đã bị "chìm xuồng"!

Hiệu quả thấp nhìn từ những con số

Chủ trì đề án về nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế, Bộ KHĐT báo cáo tới Chính phủ hôm 28/12/2010, đã cho hay, 65% tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện nay là nhờ vào lượng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất lao động chỉ đóng góp khoảng 25% và đang có xu hướng giảm. Điều này đã cho thấy, hiệu quả đầu tư thấp. Nói cách khác, Việt Nam luôn cần một lượng vốn đầu tư ngày càng lớn để có được một đơn vị tăng trưởng. Thêm vào đó, những chi phí đầu vào liên tục gia tăng, như năng lượng, nhiên liệu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong một đơn vị sản lượng cũng rất thấp.

Nghiên cứu mới đây của ông Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho thấy, vốn đầu tư công luôn phình to ra theo các năm. 10 năm qua, qui mô vốn đầu tư công tăng tới 3,2 lần, trung bình mỗi năm tăng 13,9%. Năm 2008, lạm phát, mặc dù Chính phủ đã rốt ráo rà soát, cắt giảm đầu tư công thì tổng vốn đầu tư công vẫn chỉ thấp hơn một chút so với năm 2007. Để rồi năm 2009, nguồn vốn này là tăng vọt lên nhờ chủ trương kích cầu đầu tư như thể "bù lại sự cắt giảm ít ỏi".

Cũng khá đồng nhất với nghiên cứu trên, thống kê của Bộ KHĐT cũng cho thấy một biểu đồ tỷ trọng đầu tư Nhà nước trong tổng đầu tư xã hội trong 16 năm qua tăng thì nhiều mà giảm thì hầu như không đáng kể.

Đáng tiếc rằng, tỷ trọng lớn đó lại gắn với 5 điểm yếu kém đến mức phổ biến "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" như chậm tiến độ, dàn trải và dư thừa công suất, đầu tư để giữ đất đầu cơ, đầu tư không đồng bộ hoặc tệ hơn cả là làm dở dang, nửa vời.

Chưa hết, đồng vốn của Nhà nước lại phân tán trong hầu hết các ngành kinh tế, kể cả các ngành mà khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm phát triển như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ kinh doanh tài sản, thương mại, tiêu dùng...

Năm 2008, khi ra Quyết định 390 liên quan đầu tư công, Thủ tướng cũng đã chỉ rõ những điều bất hợp lý như dự án không trong qui hoạch, không đủ thủ tục nhưng vẫn được duyệt, dự án chưa giải phóng mặt bằng vẫn bố trí vốn...

Bộ KHĐT cũng cho rằng, chính vì hiệu quả đầu tư Nhà nước thấp nên đã khiến cho những nỗ lực của Chính phủ trong nhiều năm qua để thúc đẩy tăng trưởng như là nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng tín dụng... rốt cục, không đạt mong muốn. Ngược lại, nỗ lực đó mang tới "tác dụng phụ" còn nguy hiểm hơn là lạm phát và suy yếu cân đối vĩ mô, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Điều đáng nói là, tất cả những nguyên nhân trực tiếp trên đã kéo dài nhiều năm, đã được nói đến từ lâu  nhưng đến nay, chưa khắc phục nhiều.

Luồng vốn đầu tư công đi sai hướng?

Nhìn lại quá trình 10 năm qua, ông Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam so sánh rằng, Chính phủ Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn nhất trong số các các nước trong khu vực, khi chi ra tới 1/3 ngân sách cho phát triển. Trong khi mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra lượng tiền đầu tư công bằng khoảng 17-20% GDP thì tại các nước trong khu vực chỉ dưới 5%, như Trung Quốc là 3,5%, Indonesia 1,6%...

Một câu hỏi đặt ra là, luồng vốn đầu tư công liệu có đi đúng hướng? Đã có ý kiến cho rằng, phải chăng đầu tư công kém hiệu quả là do vốn này dùng nhiều cho phát triển hạ tầng, thời gian hoàn vốn thấp, hoặc do đầu tư vào vùng khó khăn, vùng sâu xa, công ích. Tuy nhiên, chính cơ quan giám sát là Bộ KHĐT cũng không đồng tình với nhận xét này vì, không thể đánh đồng việc phát triển vùng kinh tế xã hội khó khăn với việc đầu tư kém hiệu quả. Nói cho cùng, đã đàu tư thì phải tính tới hiệu quả và đó là thước đo đầu tiên cho mọi quyết sách đầu tư. 10 năm qua, trong khi tỷ trọng đầu tư các ngành không thay đổi nhiều thì hệ số ICOR của khu vực Nhà nước lại tăng lên nhanh chóng.

Chuyên gia của Viện kinh tế Việt Nam cho hay, vốn đầu tư của Nhà nước bỏ vào những ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, chế tạo máy móc, dụng cụ y tế, hóa chất, công nghệ cao lại thấp, trong khi đó, Nhà nước lại dường như đang ưu tiên đầu tư cho ngành khai mỏ như khai thác quặng bô xít, than, như ngành đóng tàu thủy, hay như đường sắt cao tốc chỉ để chở hành khách, chứ không chở hàng... Có vẻ như, nguyên tắc ưu tiên phát triển các ngành thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa đã không được thực thi trong chính sách đầu tư công 10 năm qua.

Ông cho rằng, thay vì thúc đẩy tăng trưởng, trong nhiều trường hợp thì chính đầu tư công đã lấn át cơ hội đầu tư của tư nhân và kéo lùi sự tăng trưởng vì đồng vốn đi không đúng hướng và lãng phí.

Cần có ràng buộc trách nhiệm với vốn công

10 năm qua, câu chuyện đầu tư công kém hiệu quả luôn được nói tới như một việc cấp bách, bức thiết... Hàng chục văn bản về vấn đề này đã được phê duyệt ban hành nhưng thực tế kết quả lại mờ nhạt. Vì lẽ đó, Chính phủ cần tạo một sức ép để đồng vốn Nhà nước thực sự được sử dụng có hiệu quả!

Bình luận về "hiệu quả của cắt giảm đầu tư công", TS. Lê Đăng Doanh nói: "Vấn đề cơ bản này lại được đề cấp quá nhiều lần rồi. Mỗi lần, lại có chuyện cử các đoàn đi xem xét, sau đó, về tính toán sẽ cắt bao nhiêu... Nhưng qua đợt cao điểm, mọi chuyện lại đâu vào đó.  Sau các cuộc rà soát, người ta vẫn thấy, năm sau, lại thấy đầu tư vẫn tăng vọt lên và hiệu quả thì vẫn bị đánh giá là kém. Dường như, bằng cách này hay cách khác, bệnh đầu tư công vẫn không "bãi bỏ" được."

Ông Doanh cho rằng, vấn đề bây giờ là Chính phủ phải tìm đến cải cách những căn nguyên dẫn đến bệnh bùng phát đầu tư vô lối này. Đó là việc siết chặt kỷ luật đầu tư, lập một qui chế chặt chẽ về trách nhiệm của những người "chủ trì sử dụng vốn đầu tư công".Trên cơ sở đó, Nhà nước phải kiến tạo một cơ chế để bản thân các doanh nghiệp Nhà nước phải hết sức thận trọng trong việc đầu tư mà lâu dài, không  cần một đợt rà soát cắt giảm theo cơ chế hành chính hiện nay.

"Tôi e là, nếu không thay đổi được cơ chế giám sát đầu tư thì sẽ khó mà tạo động lực thay đổi "hiệu quả đầu tư". Việc cắt giảm bằng mệnh lệnh hành chính chỉ có thể tác dụng tích cực nhất thời  và khó mà đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng đề ra. Hơn hết, vấn đề đầu tư công phải công bố công khai, minh bạch để toàn dân, các cơ quan dân cử giám sát", ông Lê Đăng Doanh nói.

Chỉ khi giải quyết được tận gốc vấn đề "đầu tư công" thì khi đó, giá điện, giá than hay giá xăng có tăng lên, cũng sẽ không đến mức tác động quá mạnh, đẩy mặt bằng giá lên như hiện nay.

(VEF)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Giảm lãi suất ngay lập tức là không khả thi
  • Chiến lược giá thời lạm phát
  • Thực trạng găm giữ USD
  • “Bấm huyệt” tỷ giá trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát
  • Vì sao đồng tiền Việt Nam tăng giá?
  • "Siết" ngoại tệ, giảm lãi suất
  • Cần hiểu đúng về “mở cửa thị trường”
  • Đau đầu chuyện lãi suất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com