Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?

TS. Trịnh Tiến Dũng, nguyên trợ lý Giám đốc Quốc gia - Trưởng ban Cải cách khu vực công UNDP Việt Nam cho rằng, nếu tính đủ cả nợ doanh nghiệp nhà nước thì mức nợ công hiện nay đã vượt quá trần nguy hiểm rất nhiều.

nợ công việt anm khủng khiếp đến mức nào
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhấn mạnh “vay để trả nợ là không an toàn” và Quốc hội đồng ý nâng mức bội chi là để đầu tư chứ không phải để trả nợ

 Mức độ chênh vênh của con số nợ công Việt Nam đang là thách thức ngay cả với cơ quan kiểm toán.

Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, trong phiên họp tháng 4/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng nêu thực tế: “Do đặc điểm tổ chức quản lý và công tác kế toán, lập báo cáo thông tin về nợ công phân tán, Kiểm toán Nhà nước không đủ cơ sở xác nhận số liệu nợ công năm 2012”.

Song, nguy cơ thực sự của nợ công Việt Nam không nằm ở các con số, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tại tham luận ở hội thảo về nợ công vừa diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua, Viện trưởng Thiên đã chỉ ra ba điểm được coi là nguy cơ thực tiễn của nợ công.

Thứ nhất là tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ chứ không phải vay để bán đi sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ. Vay để trực tiếp trả nợ luôn, ông Thiên nhấn mạnh.

Cơ cấu nợ, theo ông Thiên là nguy cơ thứ hai. Bởi nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn. Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn rất ngắn, kỳ hạn ngắn thì áp lực trả nợ tăng nhanh. Tổng số nợ của Việt Nam không quá lớn nhưng tỷ trọng nợ ngắn hạn quá cao nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao, vị chuyên gia này phân tích.

Điểm thứ ba chứa đựng nguy cơ, theo Viện trưởng Thiên chính là năng lực trả nợ. Những con số liên quan theo ông Thiên là đã thực sự đáng báo động, khi nghĩa vụ trả nợ năm 2014 đã vượt qua vạch đỏ (25% tổng thu ngân sách).

“Sang năm con số này chắc lên 30% hoặc hơn, đây thực sự là một nguy cơ báo động mà chúng ta không thể coi thường”, ông Thiên cảnh báo.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh rằng khủng hoảng nợ công hay không tùy thuộc ở tổng số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách nhà nước.

Năm 2013, chỉ số này của Việt Nam là 22,3% và chắc chắc chắn sẽ tăng nhanh trong các năm tới, khi vượt trên mức 25% thì bắt đầu giai đoạn báo động và vượt 30% là mất an toàn, ông Lịch góp thêm lời cảnh báo.

Khả năng huy động và trả nợ khó khăn cũng là điều từng được Chính phủ thừa nhận tại một bản báo cáo phát hành vào tháng Tư năm nay.

Và, dưới phân tích của không ít chuyên gia thì các khó khăn đã tiệm cận mức rủi ro.

Theo TS. Trần Du Lịch, tình trạng vay để đảo nợ đang ngày càng lớn. Năm 2014 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là 208.883 tỷ đồng, thì phần cân đối ngân sách chỉ có 118.750 tỷ đồng, phải vay để trả nợ khoảng 90.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng dần trong các năm sau và đây chính là rủi ro đáng lo ngại.

Vay để đảo nợ cũng là lo lắng của nhiều vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm khác khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ở kỳ họp giữa năm vừa qua.

Tại đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh “vay để trả nợ là không an toàn” và Quốc hội đồng ý nâng mức bội chi là để đầu tư chứ không phải để trả nợ. 

Trở lại câu hỏi về nguy cơ thực sự của nợ công, tại hội thảo khoa học "Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015" do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức vào tháng 12/2013, một phần câu trả lời cũng đã được đưa ra.

Khi đó, Giám đốc Học viện, TS. Đào Hùng và TS. Trịnh Quang Anh đã đặc biệt lưu ý với áp lực phát hành trái phiếu chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn (tổng hai năm 2014-15 là khoảng 320 nghìn tỉ đồng, dự đoán sẽ phát hành tập trung trong năm 2014), nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn là có khả năng, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng.

Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo về vấn đề mà theo ông là khá nghiêm trọng, cần phải tính toán kỹ, đó là nghĩa vụ trả nợ công của ngân sách dự kiến đến 2016 sẽ vượt 30%, là vượt ngưỡng an toàn. 

TS. Trịnh Tiến Dũng, nguyên trợ lý Giám đốc Quốc gia - Trưởng ban Cải cách khu vực công UNDP Việt Nam cho rằng, nếu tính đủ cả nợ doanh nghiệp nhà nước thì mức nợ công hiện nay đã vượt quá trần nguy hiểm rất nhiều.

Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam cũng là nhận định của hai chuyên gia trẻ Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh. 

Chênh vênh như nợ công Việt Nam

Trong khi nỗi lo về nợ công ngày một chất chồng thì kiểm toán chuyên đề về nợ công vẫn mới chỉ nằm trong dự kiến.

Kiểm toán Nhà nước, tại cuộc họp báo cuối tuần qua đã đưa ra một số thông tin không mới nhưng vẫn rất thời sự về nợ công.

Cơ quan này cho rằng Bộ Tài chính đã tổng hợp thừa/thiếu một số khoản vay/nợ. Đây cũng là vấn đề được Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ phiên họp tháng 4 năm nay.

Kết quả kiểm toán cho thấy, nợ công đến 31/12/2012 giảm 1.632,6 tỷ đồng so với báo cáo của Bộ Tài chính.

Dù không quá lớn, lại thể hiện sự giảm đi nhưng con số này dường như đã làm cho mức độ tin cậy về số liệu của nợ công vốn đã mong manh lại càng thêm chênh vênh.

Nhất là khi chính đại diện Kiểm toán Nhà nước nói ở cuộc họp báo rằng kiểm toán nợ công là một vấn đề còn rất mới và mới chỉ được kiểm toán lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách nhà nước dẫn đến kết quả còn hạn chế. 

Và một quy trình để kiểm toán riêng biệt về nợ công mới đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng.

Điều này, đương nhiên khó có thể là tin vui, khi mà dự đoán nợ công sẽ là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia trong năm 2014 của một vị chuyên gia vào ngày cuối cùng của năm 2013 trên VnEconomy đã trở thành hiện thực.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, tụ họp trong một hội thảo về nợ công do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia từ trẻ tuổi đến cao niên lại đưa thêm nhiều cảnh báo về nguy cơ của nợ công Việt Nam.

Vẫn nằm trong ngưỡng an toàn là khẳng định đã quá quen thuộc, không chỉ từ Bộ Tài chính mà từ Chính phủ về nợ công. Cơ sở được xem là khá vững chắc cho khẳng định này là tổng số dư nợ công đến ngày 31/12/2013 ở mức 1.913 nghìn tỷ đồng, bằng 53,4% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức 1.488 tỷ nghìn đồng, bằng 41,5% GDP. Mà giới hạn cho phép là nợ công dưới 65% GDP, nợ Chính phủ dưới 55% GDP.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, các con số nói trên chưa bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ chi phí quản lý và cấp bù lãi suất đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, nợ xây dựng cơ bản, nợ quỹ bảo hiểm xã hội, nợ chi ứng trước của ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư chưa bố trí được nguồn.

Mặt khác, theo TS.Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính), số tuyệt đối về nợ công, nợ nước ngoài và nợ chính phủ là bao nhiêu, tốc độ tăng hàng năm như thế nào cũng không được công bố đầy đủ.

Ông Vũ Đình Ánh dẫn con số tuyệt đối về nợ công của Việt Nam từ đồng hồ nợ công thế giới (The global debt clock - GDC) cho biết đến cuối tháng 3/2014, mỗi người Việt Nam hiện đang gánh khoản nợ trung bình 887,51 USD (gần 20 triệu đồng).

Cũng theo GDC, quy mô nợ công của Việt Nam tăng liên tục: năm 2012 tăng 8,6%, đến 2013 tăng 12,6% và dự kiến 2014 tăng 11,2% nhưng tỷ lệ nợ công lại giảm từ 50,6% GDP năm 2012 xuống 49,3% GDP năm 2013 và dự kiến còn 48% GDP năm 2014 do tốc độc tăng GDP danh nghĩa cao hơn so với tốc độ tăng quy mô nợ. 

Chỉ tính từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2014, theo GDC, nợ công của Việt Nam đã tăng thêm 9,887 tỷ USD, trung bình tăng gần 700 triệu USD/tháng và tăng thêm gần 100 USD/người.

TS. Trịnh Tiến Dũng, nguyên trợ lý Giám đốc Quốc gia - Trưởng ban Cải cách khu vực công UNDP Việt Nam cũng đưa ra hai con số rất khác nhau về nợ công của Việt Nam.

Đó là, nợ công Việt Nam theo định nghĩa của Luật Quản lý nợ công (gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) thì chiếm 54,4% GDP. Còn nếu theo định nghĩa quốc tế thì nợ công của Việt Nam đã lên đến 106% GDP.

Nêu tính  toán của các chuyên gia, TS. Lê Đăng Doanh cho biết nếu bổ sung nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước thì nợ công sẽ lên đến 100 -105% GDP.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, trong bản tham luận về nợ công mới đây trích nhận định của TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright: “Nếu tính cả nợ tiềm ẩn của doanh nghiệp nhà nước thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam có thể trên 100% GDP, vượt xa ngưỡng nợ công 65% GDP được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến đến năm 2020”.

Như thế, tự thân sự chênh vênh của các con số về nợ công đã chứa đựng đầy những “đáng ngờ”, nhưng theo nhiều chuyên gia thì sự “đáng sợ”của nợ công lại không nằm ở các con số.

Vậy, nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu? VnEconomy xin tiếp tục đề cập trong bài viết sau. 

 

Nguyên Hà // Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!