Tình trạng ngoại tệ căng thẳng, gây ra những tác động lớn đến thị trường tài chính - tiền tệ thời gian qua cho thấy có những “lỗ hổng” trong các chính sách, biện pháp quản lý.
Ngay sau khi Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ ban hành có hiệu lực, các bộ ngành liên quan đã triển khai nhiệm vụ của mình. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một trong những đơn vị liên tục triển khai các buổi làm việc để có những giải pháp kịp thời, hiệu quả để ổn tình hình tài chính - tiền tệ quốc gia. Thông tin từ các buổi làm việc này đã cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: tình hình USD hóa, găm ngoại tệ ngày càng lớn.
Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, cũng đã cho biết số dư tài khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỷ USD. Và chỉ mới ngày hôm qua (28.2), trong buổi làm việc với các ngân hàng phía Nam, Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn nhận định mặc dù các ngân hàng kêu rằng NHNN phải bán USD để bình ổn thị trường nhưng chính các ngân hàng lại đang găm giữ USD, không chịu bán lại cho NHNN.
Hiện tại, một ngân hàng thương mại được mua và nắm giữ 30% vốn tự có bằng ngọai tệ, tức trạng thái dương cho phép cao nhất là 30%. Như vậy, ngân hàng có vốn 1.000 tỷ đồng thì có thể nắm giữ khoảng 15 - 20 triệu USD, còn ngân hàng nào có vốn tự có 10.000 tỷ đồng thì có thể giữ đến 300 - 400 triệu USD. Chỉ cần 10 ngân hàng như vậy thì đã có thể giữ đến 2 - 3 tỷ USD… Điều nguy hiểm hơn là đã và đang có hiện tượng các ngân hàng có dư ngoại tệ đi gửi ở các ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn. Đây chính là hành vi găm giữ USD, khiến thị trường tiền tệ càng phức tạp.
Cũng vì thực trạng USD hóa, găm giữ USD ngày càng lớn, nên NHNN đã “phát đi mệnh lệnh” yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng. Và nếu các đơn vị này “chấp hành nghiêm túc” yêu cầu thì các ngân hàng mỗi năm mua vào có thể từ 5 - 6 tỷ USD. Đây là con số không nhỏ để bình ổn thị trường tiền tệ trong nước.
Qua những con số nêu trên, phần nào cho thấy được một thực trạng nguồn ngoại tệ không thực sự khan hiếm. Nhưng để cho tình trạng ngoại tệ căng thẳng, gây ra những tác động lớn đến thị trường tài chính - tiền tệ như thời gian qua cho thấy có những “lỗ hổng” trong các chính sách, biện pháp quản lý. Nói như ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, việc gây ra bất ổn vĩ mô như hiện nay, nhìn lại thời gian qua có thể thấy rằng, cả chính sách tiền tệ, tài khóa đều “có lỗi”.
Đã có “lỗi” tất nhiên phải sửa chữa. Và thực sự đã có những giải pháp để “sửa chữa”. Cụ thể như xây dựng đề án chống thực trạng USD hóa, yêu cầu tập đoàn - tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ, kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm những ngân hàng vi phạm các chính sách của NHNN, trong đó có việc đầu cơ ngoại tệ… Tuy nhiên các giải pháp trên có “sửa chữa” thành công, hiệu quả hay không thì phải chờ!
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com