Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TTCK tháng 4: Đầu tư gì?

tinkinhte.comTháng 4 sắp tới, thị trường vẫn nhiều khả năng nằm trong giai đoạn tích lũy. Tuy nhiên do thanh khoản tháng 3 tăng cao mà mức giá cao bị bán mạnh ở trên 530 điểm, nên nếu thông tin chia thưởng và mùa đại hội qua đi thì dòng vốn đầu cơ cũng sẽ hạn chế hoạt động và thị trường có thể bị chìm trở lại.
 
Mùa họp đại hội và trả cổ tức được các nhà đầu cơ tận dụng triệt để trong tháng 3 khi mà phong trào đầu tư theo tin nội gián được đẩy lên cao nhất.  
 
Tháng 3 - Thị trường của nhà đầu cơ “làm giá”

Toàn thị trường nhích từng chút một nhưng rất nhiều mã cổ phiếu liên tiếp tăng trần tạo nên sức lan tỏa trên thị trường. Trong khi các chiến lược ngắn hạn khác đều không tìm kiếm được lợi nhuận thì nhiều nhà đầu tư (NĐT) cũng bắt đầu từ bỏ phương pháp đầu tư của mình và chạy theo tìm kiếm tin đồn, các mối quan hệ có thể được hỗ trợ bằng các thông tin.

Điểm mạnh của chiến lược này là các NĐT thực hiện “làm giá” nắm rõ nội tình Cty, thậm chí họ còn bao luôn quá trình công bố thông tin của Cty đó. Với việc sử dụng đòn bẩy dễ dàng như hiện tại thì chỉ cần một năm họ thực hiện thành công một vài cổ phiếu thì mức lợi nhuận không phải nhỏ! Các NĐT cá nhân, nhỏ lẻ sẽ liên tục mắc bẫy không phải vì họ quá tham mà vì với diễn biến hiện tại họ không có cách nào xoay xở để tìm được lợi nhuận ngoài tham gia cùng đội làm giá, cho dù họ biết rủi ro không nhỏ và lòng tin được đặt toàn bộ vào “độ tin cậy” hay “độ quen biết” mà nguồn tin cung cấp.

Với chiến lược hiện tại thì số lượng NĐT cá nhân không định hình phương pháp đầu tư riêng và không kiên định với con đường đầu tư lựa chọn sẽ rơi rụng dần và sẽ nhanh chóng biến mất khỏi TTCKVN. Lịch sử chứng khoán thế giới đã chứng minh, chỉ có phát triển phương pháp đầu tư phù hợp với bản thân thì mới có thể thành công trên thị trường chứng khoán đầy khốc liệt.

Góc nhìn vĩ mô

Xét về đầu tư dài hạn, giai đoạn hiện tại là giai đoạn dòng vốn đầu tư thực sự sẽ bắt đầu mua vào các cổ phiếu tốt với các mức giá càng hấp dẫn càng tốt và họ cũng không vội vàng gì trong việc thu mua cao.

Đứng trên quan niệm đầu tư thị trường tăng trưởng được cần có dòng tiền đủ mạnh tham gia thị trường và khi các chính sách tiền tệ còn thắt chặt thì khó mà kỳ vọng vào một sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK. Vì thế, thông tin vĩ mô có một ảnh hưởng to lớn tới các biến động mạnh của thị trường.

Vấn đề đầu tiên là mức độ lạm phát cao khi tốc độ tăng CPI quý I đã tới 4,12%. Mặc dù Chính phủ đã làm rất tốt công tác tuyên truyền và ổn định tâm lý người dân. Tuy nhiên gốc rễ của đợt gia tăng lạm phát này lại đến từ việc gia tăng chi phí sản xuất thông qua giá xăng dầu, điện,... Vấn đề thứ hai là tình trạng nhập siêu quý 1/2010 ước đạt 3,51 tỷ USD và chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu. Điều này buộc Bộ Công Thương phải họp khẩn để tìm giải pháp. Tuy nhiên có vẻ chưa có biện pháp khả thi vì trong tổng kim ngạch nhập khẩu trong khi nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên liệu, máy móc thiết bị chiếm tới 82,6%. Và có vẻ như việc ổn định tỷ giá VND/USD lại làm các DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Phát hành trái phiếu chính phủ trong năm nay không mấy thành công cũng là một vấn đề cần xem xét. Như vậy, các NĐT đang lo ngại sự thay đổi chính sách trong điều hành vĩ mô có thể làm tăng rủi ro khi nắm giữ trái phiêu. Tuy nhiên trên quan niệm đầu tư thì việc phát hành trái phiếu đồng nghĩa với việc hút bớt tiền về và như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới lượng cung tiền vào TTCK.

Chính phủ hiểu rất rõ điều này nên để giải quyết bài toán giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát là rất khó khăn và với giải pháp giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng 4 ở 8% có thể thấy các cơ quan quản lý đang muốn trì hoãn để tìm ra giải pháp tốt hơn. Dù sao chúng tôi cũng không tin rằng việc trì hoãn này có thể kéo dài quá tháng 4 và các chính sách mới có thể sẽ bắt đầu được đưa ra ở nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Khi đó, sẽ có các yếu tố tác động mạnh tới TTCK.

Tính chu kỳ của TTCK

Một chu kỳ của thị trường được định nghĩa bởi 4 giai đoạn: Tích lũy, tăng trường, phân phối và suy thoái. Nếu như vậy thì TTCK VN đã trải qua 2 chu kỳ, chu kỳ đầu tiên là từ 2000-11/2003 khoảng 4 năm, chu kỳ thứ 2 từ 11/2003-2/2009 khoảng 6 năm. Hiện tại chúng ta đang bắt đầu chu kỳ thứ 3 và giai đoạn hiện tại của thị trường là giai đoạn tích lũy - tức là giai đoạn đầu tiên của chu kỳ mới này.
 
 
Chúng ta dễ dàng nhận ra các đặc điểm của giai đoạn này như biên độ dao động xung quanh 500 được thị trường giao dịch qua lại tới gần 4 tháng vừa qua, với việc dòng vốn đầu tư hỗ trợ sâu từ 430-480 trong khi vốn đầu cơ không đẩy nổi thị trường qua 550.
 

Giai đoạn tích lũy này của chu kỳ thứ 2 kéo dài tới 5 quý và sau đó chúng ta có một giai đoạn phát triển bùng nổ cuối 2005 sang 2006. Như vậy nếu khu vực tích lũy kéo dài càng lâu thì sự bùng nổ sau đó sẽ càng mạnh.

Xét về đầu tư dài hạn, giai đoạn hiện tại là giai đoạn dòng vốn đầu tư thực sự bắt đầu mua vào các cổ phiếu tốt với các mức giá càng hấp dẫn càng tốt và họ cũng không vội vàng gì trong việc thu mua cao. Trong khi đó dòng vốn đầu cơ sẽ luôn tận dụng các thông tin mới để thúc đẩy thị trường hoặc là nhích lên hoặc là bị chìm xuống sâu hơn, nhưng nhờ dòng vốn đầu tư phân bổ hợp lý không vội vàng nên thị trường sẽ lại quay trở lại khu vực cân bằng như chúng ta chứng kiến trong 4 tháng qua xung quanh mức 490 điểm.

Chính vì thế, tháng 4 sắp tới, thị trường vẫn nhiều khả năng nằm trong giai đoạn tích lũy. Tuy nhiên do thanh khoản tháng 3 tăng cao mà mức giá cao bị bán mạnh ở trên 530 điểm cho nên nếu như thông tin chia thưởng và mùa đại hội qua đi thì dòng vốn đầu cơ cũng sẽ hạn chế hoạt động và thị trường có thể bị chìm trở lại. NĐT nên theo dõi kỹ khối lượng giao dịch trong tháng 4 để kiểm nghiệm phán đoán này, tức là khi khối lượng giao dịch suy yếu thì có nghĩa hoạt động đầu cơ đã chậm lại và thị trường khó tăng điểm.

Chính vì khoảng thời gian tích lũy của chu kỳ thứ 2 kéo dài quá lâu tới 5 quý nên chúng tôi khó ước lượng được giai đoạn tích lũy này sẽ kéo dài bao lâu, bởi vì các điều kiện nền tảng của nền kinh tế VN hiện tại đã khác nhiều nhưng với một vài chỉ tiêu kỹ thuật thì chúng tôi cho rằng nó có thể kéo dài tới tận cuối năm 2010 này.

Như vậy, hoạt động đầu cơ trong thị trường này sẽ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên mức độ rủi ro không quá cao nên sử dụng vốn hợp lý và đủ kiên nhẫn chờ đợi thu mua ở các khu vực giá thấp có sự hỗ trợ của dòng vốn đầu tư. Trong khi đây là thời cơ vàng cho hoạt động đầu tư dài hạn phát triển, sự lựa chọn là của NĐT, tuy nhiên thị trường sẽ tiếp tục đi con đường của nó.
 
Nguyễn Khắc Duẩn – Giám đốc Cty tư vấn và đầu tư tài chính S&D

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • TTCK tháng 4: Đầu tư gì?
  • Chính sách tiền tệ tháng 4 thay đổi theo hướng nào?