Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chứng khoán châu Á: Chấn động nhưng không bị tổn thất nặng

Đúng như dự báo, tiếp theo New York và toàn bộ thị trường lớn ở châu Âu, các thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt sụt giá. Dù vậy, các chuyên gia phân tích tài chính Trung quốc vẫn tỏ ý tin tưởng là châu Á sẽ hạn chế được thiệt hại nhờ chính sách tín dụng cẩn trọng đã được áp dụng tại nhiều nước trong thời gian qua.

Cơn địa chấn mà tâm điểm là Lehman Brothers, một trong số 10 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố phá sản đã lan sang châu Á. Các thị trường chứng khoán trong khu vực đều đồng loạt sụt giá. Nặng nhất là Seoul, bị mất hơn 6%, tiếp đến là Hồng Công, giảm 5,44%, Tokyo giảm 4,95%. Thị trường chứng khoán Thượng Hải cũng bị mất 4,47% dù ngay từ ngày 15-9, chính phủ Trung Quốc đã khẩn cấp hạ lãi suất cơ bản để trấn an.

Tình hình trên thoạt nhìn rất đáng ngại, song các chuyên gia phân tích cho rằng sở dĩ các thị trường châu Á giảm sút là do cú sốc tâm lý trước các diễn biến dây chuyền từ Mỹ, châu Âu. Trong thời gian tới, giới đầu tư châu Á sẽ bình tâm lại vì các ngân hàng trong khu vực trong thời gian qua đã không mạo hiểm lao vào kiểu tín dụng thứ cấp như ở Mỹ. Sự kiện ngân hàng Lehman Brothers bị vỡ nợ tất nhiên ảnh hưởng đến các chủ nợ của ngân hàng này.

Tuy nhiên, số tiền các ngân hàng châu Á cho Lehman Brothers vay trong thời gian qua không đáng kể: Nhật Bản cho vay chưa đến 800 triệu USD; Hàn Quốc khoảng 720 triệu; Trung Quốc 50 triệu. Do đó, ảnh hưởng của việc Lehman bị phá sản đối với châu Á sẽ không nặng nề. Một chuyên gia tài chính ở Hồng Công đã thẩm định rằng cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc chưa phải đã kết thúc vì trên thế giới còn phải giải quyết khoảng 1.000 tỷ USD nợ khó đòi.

Trước mắt giới phân tích vẫn dè dặt trước các diễn biến trong nền tài chính Mỹ vì các tín hiệu xấu ngày càng nhiều. Ngoài Lehman Brothers, Merrill Lynch, một tổ chức tài chính khác trong nhóm 10 ngân hàng Mỹ cũng đã phải chấp nhận để cho Bank of America thâu tóm, sau khi bị lỗ nặng vì vấn đề tín dụng địa ốc khó đòi.

Nạn nhân kế tiếp của cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp có thể là Tập đoàn bảo hiểm AIG, hiện đang điêu đứng về mặt tài chính.

Đối với giới phân tích, tình hình khó khăn tại Mỹ sẽ đặc biệt phương hại đến các quốc gia châu Á dựa quá nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ. Mặt khác, nguồn đầu tư của Mỹ vào khu vực có thể bị giảm sút, gây hại cho các nền kinh tế như Hồng Công hay Trung Quốc, nơi Mỹ là nhà đầu tư số một.

Công ty con AIA ở Singapore của AIG "lâm nguy"

Việc FED “bơm” cho Tập đoàn Bảo hiểm Quốc tế Mỹ (AIG) một khoản vay ngắn hạn trị giá 85 tỷ USD để giúp AIG tránh bị phá sản đã làm cho các khách hàng của công ty bảo hiểm AIA, công ty con của AIG ở Singapore cảm thấy bất an. Vì đổi lại khoản vay 85 tỷ, chính phủ liên bang Mỹ sẽ làm chủ khoảng 80% cổ phần tại tập đoàn AIG.

Kết quả là hàng trăm khách hàng xếp hàng nối đuôi nhau tại AIA đòi rút lại vốn bất chấp việc họ sẽ mất hàng ngàn đô la Mỹ.

Thông tin bên lề về bản hợp đồng của Barclays với Lehman Brothers

Với bản hợp đồng trị giá 1,75 tỷ USD, Barclays sẽ được sở hữu văn phòng chính của Lehman Brothers ở New York, 2 trung tâm cơ sở dữ liệu và các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Quan trọng nhất là Barclays có thể mang lại lợi nhuận rất cao cho các cổ đông của nó cũng như khoảng 10.000 nhân viên tại các chi nhánh sẽ không bị mất việc.

(Theo SGGP)