Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành IT Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Ngành dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ sẽ chịu một số tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, song vẫn có thể tăng trưởng khởi sắc, với nhiều công ty chuyển thêm việc làm vào nước này.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm Ấn Độ (Nasscom), Som Mittal, nhận định ngành dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ sẽ đối mặt với tác động ngắn đến trung hạn trong 3-4 quý nữa. Ngành kinh tế chủ lực tạo ra 40 tỷ USD doanh thu xuất khẩu hàng năm này đang cảm nhận thấy một số ảnh hưởng từ sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ, vụ mua bán hãng Merrill Lynch và việc Chính phủ Mỹ giải cứu tập đoàn bảo hiểm AIG.
Các công ty công nghệ thông tin (IT) phương Tây đang cắt giảm kế hoạch thuê mướn gia công, trong khi giá cổ phiếu của các công ty IT Ấn Độ đang đứng trước sức ép. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu tích cực khi các hãng cung cấp dịch vụ pháp lý của Ấn Độ - tư vấn thủ tục pháp lý liên quan đến phá sản - báo cáo đạt các mức tăng khả quan về doanh thu và lợi nhuận do phí tư vấn pháp lý ở Ấn Độ chỉ bằng 1/10 ở Mỹ.
Theo ông Mittal, qua thời gian, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ dẫn đến các chính sách kiểm soát thắt chặt hơn nhiều, tạo nhân tố thúc đầy cho các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Infosys, Wipro và Tata Consultancy Services - những công ty có đội ngũ nhân công có kỹ năng và giỏi tiếng Anh nhưng giá rẻ. Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng tài chính cũng tạo ra một giai đoạn khó khăn cho ngành IT. Sự bất ổn tín dụng ở Mỹ, chi phí nhân công gia tăng và những biến động tiền tệ đã tác động bất lợi đến lợi nhuận của các hãng IT Ấn Độ, cùng với sự cạnh tranh từ những đối thủ như Malaixia, Philíppin, Việt Nam và Mêhicô.
Nasscom dự đoán doanh thu của ngành IT Ấn Độ sẽ tăng 21-24%, lên 50 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3/09. Mức tăng này vẫn mạnh, song thấp hơn so với mức tăng 30% từng ghi được trước đó trong thập niên này.
Các nhà phân tích nhận định trong vài tháng tới, các hãng IT của Ấn Độ sẽ không kiếm được hợp đồng lớn nào trong ngành BFSI (ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm) - chiếm gần 50% doanh thu của họ. Thậm chí trước xảy ra cuộc khủng hoảng này, ngành IT Ấn Độ đã phải tìm cách đa dạng hóa để tìm kiếm cơ hội mới ở châu Âu, Trung Đông và châu Á, nhằm giảm sự lệ thuộc vào thị trưởng Mỹ, vốn chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Ngành dịch vụ ngoại biện của Ấn Độ cũng đã giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực tài chính bằng cách thâm thậm vào vào lĩnh vực bán lẻ, vận tải, y tế và chế tạo.
Ông Mittal nhận định nỗ lực đa dạng hóa này sẽ giúp ngành dịch vụ ngoại biên đạt mức tăng khởi sắc. Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng dịch vụ ngoại biên hàng đầu Zensar, Genesh Natarajan, cho rằng sẽ có một chương trình tái cơ cấu lớn trong các công ty phương Tây, đem lại nhiều cơ hội lớn cho ngành IT Ấn Độ.
Vietstock