Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược kinh doanh hiệu quả (9) : Nhận diện những điểm mạnh và điểm yếu nội tại

 Bên cạnh việc mở rộng tầm nhìn ra ngoài để phát hiện các mối đe dọa và tìm kiếm cơ hội, các nhà chiến lược còn phải đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu trong tổ chức của mình.


Cũng như với những cơ hội và mối đe dọa bên ngoài, sự nhận biết về điểm mạnh và điểm yếu nội tại mang một ý nghĩa thực tế để biết những mục tiêu và chiến lược nào của công ty khả thi và hứa hẹn nhất.


Vậy điểm mạnh và điểm yếu của một công ty hay phòng ban là gì? Công ty có đủ khả năng mở rộng sự tiếp cận vào thương trường hay không? Kênh liên lạc của các dự án R&D (Nghiên cứu và Phát triển) và sự nhạy bén của nhân viên như thế nào?




Có nhiều điều cần xem xét trong việc phân tích các yếu tố bên trong. Chương này sẽ giải quyết ba trong số các lĩnh vực quan trọng nhất cần đánh giá của một công ty: các năng lực cốt lõi, điều kiện tài chính, quản lý và văn hóa; đồng thời trình bày một phương pháp đánh giá mà bạn có thể sử dụng.


Các năng lực cốt lõi


Năng lực cốt lõi là nền tảng cho mọi chiến lược mới hoặc chiến lược được điều chỉnh. Thuật ngữ năng lực cốt lõi nhằm chỉ sự thành thạo chuyên môn hay các kỹ năng của công ty trong các lĩnh vực chính trực tiếp đem lại hiệu suất cao. Chẳng hạn, một trong những năng lực cốt lõi của Sony là khả năng kết hợp vi điện tử với những thiết kế đầy sáng tạo trong một loạt các sản phẩm tiêu dùng hữu ích. Trong nhiều năm liền, Corning đã tạo ra các dòng sản phẩm thành công, từ đĩa chịu nhiệt Pyrex dùng trong lò nướng đến đèn hình ti vi hay sợi quang học từ năng lực cốt lõi liên quan đến vật liệu thủy tinh và gốm sứ… Một trong những năng lực cốt lõi của Bechtel là kỹ năng quản lý dự án quy mô lớn. Dù đó là dự án xây dựng một sân bay mới cho thủ đô của Peru hay một khu liên hợp hóa dầu ở tỉnh Giang Đông, Trung Quốc, Bechtel đều biết cách thực hiện nó hoàn chỉnh.


Các năng lực cốt lõi của công ty bạn là gì? Đừng trả lời câu hỏi này chỉ bằng cách nêu ra những gì công ty bạn làm. Thay vào đó, hãy xác định những gì mà chỉ riêng công ty bạn làm tốt hơn các đối thủ khác và được khách hàng đánh giá cao. Trong một số trường hợp, lĩnh vực mà bạn giỏi có thể là một quy trình cốt lõi – tức là một hoạt động chính chuyển đầu vào thành đầu ra. Quy trình cốt lõi là quy trình tạo ra hoặc phá vỡ doanh nghiệp của bạn. Chẳng hạn, 3M có quy trình sản xuất nhiều sản phẩm mới, làm khách hàng hài lòng. Trong nhiều năm, công ty đã biết cách tạo ra các ý tưởng hứa hẹn, trong đó có nhiều ý tưởng thuộc lĩnh vực keo dán, và chuyển những ý tưởng tốt nhất thành các giải pháp thực tế cho khách hàng. Đối với công ty dịch vụ tài chính USAA, thì việc giải quyết các giao dịch khách hàng lại là một quy trình cốt lõi mà công ty thực hiện rất tốt.


Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng việc thực hiện xuất sắc về một điều gì đó tự bản thân nó không đem lại lợi thế chiến lược. Bạn phải thực hiện xuất sắc về một điều gì đó mà được khách hàng đánh giá cao. Ngoài ra bạn còn phải xuất sắc hơn những người khác.


Một cách để đánh giá sức mạnh của năng lực cốt lõi và quy trình cốt lõi là thông qua việc tạo điểm chuẩn – một phương pháp khách quan để đánh giá các hoạt động của một chủ thể dựa trên các hoạt động tương tự của những tổ chức được công nhận là tốt nhất. Việc tạo điểm chuẩn còn nhằm mục đích xác định các cơ hội cải thiện quy trình. Ví dụ, khi Xerox phát hiện ra những vấn đề trong hoạt động hậu cần, công ty đã gửi một nhóm nhân viên đến Freeport, Maine, để học cách quản lý các đơn hàng từ L.L. Bean – một nhà bán lẻ thiết bị và trang phục thành công và nổi tiếng với phương pháp gởi thư trực tiếp. Những gì nhóm nhân viên của Xerox học hỏi đã được sử dụng để cải thiện việc xử lý đơn hàng của họ.

(Nguồn: First News và NXB Tổng hợp TPHCM //maxreading)