Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược kinh doanh hiệu quả (32) : Thiết lập mục tiêu

Nhiệm vụ và các mục tiêu chiến lược của một công ty là điểm khởi đầu tự nhiên cho các mục tiêu cấp công ty và phòng ban. Thế nên chúng xác định phương hướng mà toàn bộ tổ chức sẽ theo đuổi trong nhiều năm.


Các phòng ban tiếp nhận những mục tiêu chiến lược của công ty và chuyển chúng thành các mục tiêu riêng của phòng ban với những đích nhắm và biện pháp đánh giá hiệu suất hoạt động rõ ràng. Ví dụ, một công ty bán dụng cụ thể thao có thể đưa ra mục tiêu chiến lược là đạt được 15% thị phần trong vòng ba năm.


Về phần mình, bộ phận dịch vụ khách hàng của công ty sẽ tạo ra mục tiêu của riêng mình: tăng chỉ số hài lòng của khách hàng từ 73% lên 90% trong hai năm tới, và lên 95% vào cuối năm thứ ba. Trong khi đó, phòng tiếp thị có thể lập cho mình mục tiêu tăng sự trung thành của khách hàng 20% trong suốt thời kỳ ba năm đó, còn lực lượng bán hàng toàn quốc thì tập trung vào việc tăng doanh thu bình quân lên 15% như một mục tiêu cấp phòng ban. Các kế hoạch hành động của những phòng ban khác nhau này có thể có cùng chung mục tiêu là phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng mới vào cuối năm thứ nhất.


Trong thực tế, các mục tiêu chiến lược cao nhất của công ty đã được chuyển xuống các phòng ban, và những phòng ban này lại lập mục tiêu riêng cho mình như hình 6-1. Các trưởng phòng ban hưởng ứng thông qua các mục tiêu về thành tích mà họ thỏa thuận với từng nhóm hoặc hoặc từng nhân viên thuộc quyền, như được trình bày ở hình 6-2.


Cấp lãnh đạo phải xem xét các mục tiêu của phòng ban để đảm bảo chúng:


Hỗ trợ và phù hợp với chiến lược của công ty


Góp phần tạo nên một kế hoạch hoàn chỉnh để đạt được các mục tiêu chiến lược của công ty


Cấp quản lý phải cảnh giác với các mục tiêu phòng ban nào mâu thuẫn với các mục tiêu của công ty hoặc của các phòng ban khác. Họ cũng phải đảm bảo rằng tất cả mọi sáng kiến cần thiết để đạt được các mục tiêu của công ty phải nằm trong các kế hoạch chung cấp phòng ban.


Thống nhất về các biện pháp đánh giá hiệu suất hoạt động


Một khi bạn đã thiết lập được các mục tiêu và kế hoạch thực hiện, phòng ban của bạn phải tìm cách đánh giá hiệu suất hoạt động của họ theo các mục tiêu ấy. Chỉ tiêu về hiệu suất hoạt động nên có tính tương quan và rõ ràng, ví dụ: “tăng khả năng xâm nhập thị trường 10% hàng năm trong 5 năm tới ở các nước châu Mỹ La tinh”. Các chỉ tiêu về hiệu suất hoạt động cũng nên nêu lên các yếu tố mà bạn thực sự có thể đánh giá mà không cần phá vỡ ngân sách. Chẳng hạn như trong ví dụ trên, bạn có thể hỏi: “Chúng ta có thể đánh giá chính xác khả năng xâm nhập thị trường khắp khu vực châu Mỹ La tinh mà không phá vỡ ngân sách không? Đây là một châu lục lớn với nhiều thị trường địa phương và khu vực”.


Có nhiều hệ thống để đánh giá hiệu suất hoạt động. Các nhà quản lý thường dùng các công cụ kế toán làm chỉ số biểu thị hiệu suất hoạt động, chủ yếu là doanh thu, doanh số bán trên mỗi nhân viên, lãi gộp, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, và tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản. Những công cụ này tỏ ra hữu ích ở cấp tổ chức hơn là cấp phòng ban, nơi mà các biện pháp đánh giá hiệu suất hoạt động cấp phòng ban liên quan đến các kế hoạch hành động. Sau đây là những ví dụ về các lĩnh vực hiệu suất hoạt động có thể đánh giá được trong ba bộ phận khác nhau của một công ty.

(Nguồn: First News và NXB Tổng hợp TPHCM //maxreading)