Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ đề xuất việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển, cũng như việc tiếp tục thực hiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV.
Cho dù những điều khoản cụ thể vẫn đang được bàn bạc, song theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV, các cơ chế hỗ trợ DNNVV sẽ được quy định cụ thể hơn, để dễ dàng triển khai trong thực tiễn.
Có thể nói, một trong những khó khăn lớn nhất của các DNNVV chính là vốn. Vì vậy, theo ông Hiệu, Dự thảo Nghị định sẽ đề xuất việc thành lập một quỹ hỗ trợ phát triển các DNNVV, cũng như việc tiếp tục thực hiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng. Đây chính là vấn đề sẽ được bàn thảo nhiều nhất liên quan đến việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các DNNVV.
Đồng quan điểm, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, cần thiết phải thành lập một quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV. Nguồn vốn cho quỹ này, một phần do Nhà nước hỗ trợ, phần khác phải do DN, do cộng đồng đóng góp để khi DNNVV khó khăn thì hỗ trợ.
“Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV là rất quan trọng, nhưng cùng với đó cũng phải tiếp tục thực hiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng, bởi DNNVV tiếp cận vốn rất khó, không có quỹ đứng ra bảo lãnh, thì DN rất khó đến được với ngân hàng”, ông Kiêm nói và phân tích rằng, việc 7 năm qua chỉ có 6 quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập, trong đó có 3 quỹ thực sự hoạt động là do nguồn vốn từ quỹ này chủ yếu được lấy từ ngân sách nhà nước.
“Ngân sách nhà nước có hạn, vì vậy để quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động bền vững, thì phải xã hội hóa, các cơ quan, hiệp hội, DN phải đóng góp vào”, ông Kiêm nói và kiến nghị, các cơ chế, chính sách cho các hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng, cũng như quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV phải được xây dựng một cách cụ thể trong Dự thảo Nghị định.
Khi đề cập 4 khó khăn được cho là lớn nhất của các DNNVV hiện nay, bao gồm thiếu vốn, đào tạo nghề kém, thiếu thông tin về thị trường và mối quan hệ với các cơ quan công quyền còn hạn chế, ông Cao Sỹ Kiêm cũng đề xuất rằng, tất cả vấn đề liên quan đến việc gỡ những khó khăn này cho DNNVV cũng cần được đưa vào Dự thảo Nghị định.
“Muốn DNNVV phát triển, thì phải tạo chính sách, môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công khai cho họ hoạt động. Chính sách phải quy định rõ ràng, trong đó bao gồm cả các quy định cụ thể về vai trò của các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ DNNVV phát triển. Thủ tục hành chính cũng cần được cải cách, rồi cả chuyện hỗ trợ đào tạo nghề, giúp tiếp cận thị trường, thông tin thị trường… Hơn nữa, khi DN gặp khó khăn thì phải tháo gỡ. Ví dụ như chuyện thiếu vốn hiện nay, phải có cơ chế giúp họ tiếp cận vốn vay”, ông Kiêm nói.
Thực tế cho thấy, kể từ sau khi Nghị định 90/2001/NĐ-CP ra đời, các DNNVV đã được tạo một hành lang pháp lý để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Chỉ tính từ năm 2001 đến tháng 6/2008, đã có 285.900 DN, chủ yếu là các DNNVV đăng ký mới, với số vốn đăng ký 1.233.000 tỷ đồng, đưa tổng số các DN trong cả nước lên 349.300 DN, với tổng số vốn đăng ký trên 1.389.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các DNNVV cũng đã gặp không ít khó khăn và những khó khăn này không chỉ xuất phát từ những yếu kém từ chính nội tại DN, mà còn từ những quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể của Nghị định 90/2001/NĐ-CP. Chẳng hạn, Nghị định đề cập chức năng quản lý nhà nước về xúc tiến DNNVV, nhưng chưa quy định cụ thể nội dung của quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Nghị định cũng chưa quy định rõ phương thức trợ giúp phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường đối với DNNVV trong trường hợp nguồn lực trợ giúp được lấy từ ngân sách nhà nước.
Hơn thế, mặc dù Nghị định đã quy định một loạt chính sách từ khuyến khích đầu tư, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tiếp cận thị trường, xúc tiến xuất khẩu, thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho đến các lĩnh vực hỗ trợ thông tin, tư vấn, thầu phụ, thành lập vườn ươm DNNVV..., nhưng chưa quy định cơ chế thực hiện, định hướng, mục tiêu, nội dung cơ bản của chính sách. Hai vấn đề có vai trò trụ cột trong chính sách trợ giúp DNNVV là trợ giúp về tài chính và trợ giúp công nghệ, kỹ thuật, được quy định trong Nghị định còn chung chung và tản mát.
Tất cả những vấn đề trên sẽ được sửa đổi cho phù hợp và cụ thể. Hiện tại, theo ông Hiệu, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP đang được toàn tất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay. Trong Dự thảo Nghị định cũng sẽ đề cập việc phân loại DNNVV theo quy mô vốn của từng lĩnh vực, bởi lẽ tiêu chí phân loại DNNVV có vốn dưới 10 tỷ đồng và 300 lao động cho đến nay đã không còn phù hợp.
( Cổng thông tin kinh tế )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com