Công nhân trong một nhà máy đóng tàu của Vinashin. Ảnh: Lê Toàn. |
Không ai nghi ngờ việc Vinashin có đầy đủ ưu thế và kỹ năng để “làm ăn lớn” trên địa hạt công nghiệp đóng tàu vận tải thủy, nhưng nếu vẫn tư duy kinh doanh theo kiểu tự cung tự cấp, tự làm mọi thứ để phục vụ việc đóng tàu thì quả là... khó hiểu, nhất là trong thời buổi mà tiến trình phân công lao động thị trường ngày càng đi vào tinh vi và chuyên nghiệp hóa.
Với quyết tâm tăng tốc và đón đầu hội nhập quốc tế, Chính phủ đã đặt ra khá nhiều mục tiêu kỳ vọng khi quyết định thành lập một số tập đoàn và tổng công ty.
Qua nhiều năm, hy vọng tạo ra những “nắm đấm” mạnh, hiệu quả cao, có sức lan tỏa lớn, làm đầu tàu lôi kéo cỗ máy kinh tế đất nước tiến nhanh tiến mạnh đã thực sự diễn ra không như ý, cho dù những đơn vị này được ưu ái đặc cách với nhiều cơ chế chính sách cùng các khoản tài chính hỗ trợ rất lớn từ ngân sách, bảo lãnh nhà nước và tín dụng đầu tư phát triển.
Theo một báo cáo giám sát mới được Quốc hội công bố gần đây, hiện đang phát sinh nhiều dấu hiệu đáng quan ngại về hệ số an toàn vốn, tình hình công nợ, hiệu quả sử dụng vốn, rủi ro thua lỗ do đầu tư ngoài lĩnh vực chính ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Sự phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh có xu hướng quá trớn, vượt khả năng tài chính và các nguồn lực khác. Thậm chí có tập đoàn riêng năm 2007 đã thành lập thêm 31 công ty con, năm 2008 thành lập thêm 12 công ty con; tổng cộng hiện tập đoàn này đã có 157 doanh nghiệp thành viên.
Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển mở rộng phần lớn phải đi vay do vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 8-10% tổng tài sản. Do vậy, khi thị trường biến động, đơn hàng và hợp đồng bị cắt giảm, tập đoàn nói trên không có điều kiện thực hiện các dự án, dẫn đến không ít dự án bị tạm ngừng, đình hoãn.
Một số sự kiện mới đây có liên quan đến thực trạng khó khăn của Vinashin có thể được lý giải theo nhiều chiều khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của những người trong và ngoài cuộc.
Tuy chưa vội kết luận đây là một trong những điển hình yếu kém về năng lực quản trị theo mô hình đại công ty, nhưng trên phương diện quản lý vĩ mô cần thiết phải mổ xẻ và giải đáp một số vướng mắc mang tính lịch sử, có liên quan đến mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước như sau:
Ngay từ khi có chủ trương thành lập tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã có nhiều ý kiến phản biện hoài nghi về cách thức xây dựng mô hình theo kiểu “cộng dồn cơ học” các công ty con, kể cả gán ghép khiên cưỡng những doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, dẫn đến hiện tượng “đồng sàng dị mộng”. Trên thực tế, việc “cộng dồn” này không vì mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn hóa theo hướng sản xuất lớn, hiện đại hóa, mà đơn giản chỉ dựa vào nhau để giao kết, san sẻ các hợp đồng kinh tế cùng những phi vụ làm ăn.
Một trong những sai lầm về định hướng phát triển của Vinashin chính là tự đứng ra thành lập quá nhiều công ty vệ tinh với lý do “ổn định” nguồn cung ứng vật tư nguyên liệu sản xuất trong nội bộ tập đoàn, từ những việc nhỏ như sản xuất que hàn, đinh, ốc vít cho đến những dự án quy mô như cán, kéo thép...
Trong khi đó, hàng vạn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp mọi miền đất nước, với đầy đủ tiềm lực và kinh nghiệm trong sản xuất và cung ứng lại không được trao cơ hội để trở thành thành viên trong chuỗi liên kết hỗ trợ để cùng Vinashin phát triển.
Không ai nghi ngờ việc Vinashin có đầy đủ ưu thế và kỹ năng để “làm ăn lớn” trên địa hạt công nghiệp đóng tàu vận tải thủy, nhưng nếu vẫn tư duy kinh doanh theo kiểu tự cung tự cấp, tự làm mọi thứ để phục vụ việc đóng tàu thì quả là... khó hiểu, nhất là trong thời buổi mà tiến trình phân công lao động thị trường ngày càng đi vào tinh vi và chuyên nghiệp hóa.
Nghịch lý tương tự cũng đang diễn ra trong lĩnh vực công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó mục tiêu lớn về nội địa hóa ngành ô tô mặc dù đề ra từ rất lâu nhưng đến nay vẫn rất ì ạch mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là không có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động tham gia vào dây chuyền công nghiệp phụ trợ với rất nhiều tiềm năng.
Vai trò đầu đàn, sức lan tỏa của một tập đoàn kinh tế mạnh trước hết phải thể hiện ở chỗ góp phần tạo ra động lực liên kết phát triển đối với mọi thành phần kinh tế khác, biết huy động và phát huy mọi lợi thế so sánh của các ngành nghề khác, qua đó tạo thế và lực cho chính bản thân mình mà không cần phải tốn kém thêm nguồn lực đầu tư hoặc tăng thêm gánh nặng quản lý.
Một bài toán khác cần phải giải quyết sớm đối với mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước là cơ chế quản lý nhân sự và tài chính phải phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, có tính cởi mở và tính cạnh tranh cao. Bộ máy điều hành phải tôn trọng nguyên tắc phân định trách nhiệm rõ ràng giữa hoạch định chủ trương chiến lược kinh doanh với tác nghiệp quản trị điều hành.
Chủ tịch tập đoàn phải được trao quyền bổ nhiệm, thuê, bãi miễn chức danh tổng giám đốc và các vị trí điều hành chủ chốt khác. (Cách đây nhiều năm, ban lãnh đạo Vinashin đã từng đưa ra chủ trương thuê tổng giám đốc là người nước ngoài, nhưng sau đó không rõ vì sao chưa triển khai được?). Định hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, tính kỹ trị trong đội ngũ điều hành, kết hợp với cơ chế tài chính linh hoạt, chế độ đãi ngộ tiền lương và thu nhập phù hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chiến lược thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường năng lực quản trị, nhất là trong bối cảnh quy mô, độ phức tạp trong hoạt động của mô hình tập đoàn, tổng công ty ngày càng tăng lên.
Một trong những gánh nặng do lịch sử để lại đối với các tập đoàn nhà nước hiện nay chính là sự nặng nề, xơ cứng, kém năng động của bộ máy tổ chức, lực lượng lao động đông nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực trẻ hóa kém... Chính vì vậy, cần mạnh dạn tiến hành chủ trương cổ phần hóa, đổi mới quản lý, cải tiến cơ chế phân phối thu nhập, khuyến khích tăng năng suất và giảm lực lượng lao động dư thừa. Hiện nay bên cạnh mô hình do Nhà nước quản lý, có khá nhiều tập đoàn, tổng công ty tư nhân đang hoạt động có hiệu quả, quy mô ngày càng mở rộng.
Đã đến lúc cần phải thống nhất một sân chơi chung, tạo ra cơ chế khuyến khích liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển. Từ đó tạo thế và lực cho doanh nghiệp trong nước, không những đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp đến từ nước ngoài, mà sẵn sàng đương đầu với doanh nghiệp xứ người khi cần thiết.
(Theo Vĩnh Phúc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com