Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kế hoạch năm 2010 và sự kỳ vọng

Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2010 đều được các địa phương xây dựng ở mức cao hơn so với năm 2009.

Một điều rất dễ nhận thấy từ các dự thảo kế hoạch năm 2010 của các địa phương, đó là hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới đều có xu hướng tăng cao hơn năm 2009. Có lẽ đó chính là điều khiến 7 đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch năm 2009 và xây dựng kế hoạch năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm thấy hài lòng nhất sau chuyến công tác dài ngày, thực hiện vào nửa cuối tháng 7 vừa qua. 

Chẳng hạn, ở Phú Thọ, nếu như năm 2009, dự kiến tăng trưởng GDP chỉ ở mức 8,5-9%, thì kế hoạch năm 2010 là 11-12%. Giá trị xuất khẩu trong năm 2010 là 300-320 triệu USD, tăng đáng kể so với 250-260 triệu USD của năm 2009. Ở Lào Cai, mục tiêu trong năm tới là tăng trưởng GDP 12-13%, trong khi năm nay chỉ đạt khoảng 11,5%. GDP bình quân đầu người đạt 13,7 triệu đồng/năm, tăng 12,3% so với ước thực hiện năm 2009; còn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 650 triệu USD, tăng 26% so với ước thực hiện năm 2009. 

Trong khi đó, với Thái Nguyên, mục tiêu trong năm 2010 là tăng trưởng 11% trở lên, chênh lệch ít nhất 2 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng dự kiến đạt được trong năm 2009. Thành phố Hà Nội, sau hơn 1 năm sáp nhập, cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5- 8% trong năm tới, năm mà Thủ đô kỷ niệm 1.000 năm tuổi... Rất dễ có thể lý giải vì sao rất nhiều địa phương đặt mục tiêu cao hơn cho năm tới. Đó là vì những kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế thế giới và trong nước. 

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, khi ký vào bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của tỉnh này đã nhấn mạnh những thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch trong năm tới. Đó là, nền kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi; các chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ đang được triển khai tích cực và phát huy tác dụng; nhiều dự án lớn được khởi công, tạo sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư và tạo tiền đề cho kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong các năm tới...

Trên thực tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được xây dựng dựa trên Khung kế hoạch mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành. Và theo khung kế hoạch này, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2010 cũng cao hơn so với năm 2009. Cụ thể, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6,5-7%, cao hơn đáng kể so với mức 5% dự kiến đạt được trong năm 2009; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2009 và tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 40,7% GDP. Trong khi đó, với mục tiêu kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục được duy trì dưới mức 10%.

Lý giải về việc xây dựng các mục tiêu trên, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh tới khả năng nền kinh tế thế giới sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 và năm 2010 sẽ có cải thiện, chuyển biến tích cực hơn. 

“Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế thế giới từ âm 2,9% năm 2009 sẽ tăng lên 2% vào năm 2010. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2010 tăng trưởng 2,4% nhờ những cải thiện của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ...”, Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư viện dẫn và cho rằng, cùng với tăng trưởng kinh tế, các hoạt động thương mại và đầu tư cũng từng bước phục hồi và phát triển. Có lẽ chính vì vậy mà sau khi đưa ra dự báo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 0% trong năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng mức tăng trưởng 6% trong năm tới. 

Tuy nhiên, cùng với kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế thế giới trong năm tới, các yếu tố rủi ro, khó lường của kinh tế thế giới, như bảo hộ mậu dịch, biến động giá cả, lạm phát, khan hiếm nguyên liệu, năng lượng... cũng đã được tính tới. Chính vì thế, tùy tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các mục tiêu này có thể được điều chỉnh và bổ sung. Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong một hội thảo gần đây liên quan tới khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010, cũng khẳng định sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào những biến động của nền kinh tế thế giới. 

Mặc dù cho tới nay, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2010 được đưa ra chủ yếu mới mang mục tiêu định hướng, song ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực. Ngân hàng Phát triển châu Á mới đây cũng đã đưa ra dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2010, cao thứ hai trong khu vực Đông Á mới nổi (gồm 10 thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN và Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan), chỉ sau Trung Quốc. 

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng vẫn đang trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương trước khi chính thức trình Chính phủ trong thời gian tới. Đây là bản kế hoạch mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi năm 2010 chính là năm cuối cùng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

 

 

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )

  • Năm 2010 sẽ thành lập sàn giao dịch Chè Việt Nam
  • Kim ngạch thương mại ASEAN - Ấn Độ có thể đạt 60 tỷ USD năm 2010
  • Thương mại Việt - Nga: Tiến tới kim ngạch 3 tỷ USD vào năm 2010
  • Tìm giải pháp hỗ trợ... công nghiệp hỗ trợ
  • Năm 2010, Hà Nội sẽ giải quyết việc làm cho 130.000 người
  • Đầu năm 2010: Petrovietnam sẽ khởi công xây dựng Nhà máy bio-ethanol tại Bình Phước
  • Kế hoạch năm 2010 và sự kỳ vọng
  • Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn mới đạt 72%
  • Xu hướng và triển vọng M&A 2009-2010
  • Kinh tế Việt Nam sẽ đi lên từ 2010
  • Thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư Việt Nam - Hồng Kông
  • Năm 2010: Nhiều ưu đãi về thuế và phí
  • Trung Quốc - thị trường trọng điểm của Việt Nam
  • Chống thông đồng trong lập dự án đầu tư
  • 85,4 tỷ USD đang chờ vào Việt Nam