Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
|
“Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, khẳng định rõ công nghiệp hỗ trợ là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là nền tảng cho việc phát triển bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Tại hội thảo về thực tiễn và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa tổ chức, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực khó khăn và ngày càng khó khăn đối với các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam vì sự đòi hỏi cao về năng lực công nghệ, về nhân công và đặc biệt là vì yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Do vậy, kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản, sự giúp đỡ của các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản cho một số nước ở khu vực Đông Nam Á sẽ là chìa khóa vàng cho tiến trình khởi động và phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam”.
Ông Mitsuo Sakaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, vẫn còn ít nhà sản xuất phụ tùng linh kiện của Việt Nam có thể đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao của các doanh nghiệp Nhật Bản. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất phụ tùng từ Nhật Bản và châu á như Đài Loan, Hàn Quốc... đang dần từng bước tiến vào Việt Nam. Nhờ đó đã dần đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp lắp ráp. Nhưng khi đã bước chân vào cạnh tranh quốc tế, nếu không sản xuất được sản phẩm chất lượng cao và giá thành rẻ thì việc tiếp tục phát triển kinh doanh trong thời gian dài là rất khó.
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, đồng thời đánh giá về các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đại diện của Jetro Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa tiến kịp các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore... là do các nước này đã phát triển dựa vào công nghiệp hỗ trợ và những quy định hỗ trợ khác.
Công nghiệp hỗ trợ là quan trọng đối với quốc gia như Việt Nam bởi thông qua đó có thể chuyển giao một loạt công nghệ ở mức độ khác nhau từ các nền kinh tế khác, hỗ trợ về hợp tác kỹ thuật cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Đối với Việt Nam, từ tháng 4/2009, Jetro đã đưa ra một loạt các khung chính cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, có 6 nhóm công tác dựa theo từng chuyên đề và đưa ra chương trình hành động cụ thể, chi tiết cho phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong 5 lĩnh vực chính: khung pháp lý về xây dựng và nâng cao năng lực tài chính, marketing cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, mối quan hệ giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước...
Tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), Khu công nghiệp hỗ trợ số 1 Việt Nam - Nhật Bản vừa được khởi công cuối tháng 4/2009 được đánh giá như một điểm sáng khởi động cho chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Đặc thù của khu công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đảm bảo tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (chủ đầu tư xây dựng dự án Khu công nghiệp hỗ trợ số 1) cho biết: “Chúng tôi đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà xưởng để hỗ trợ kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt nam khi nền kinh tế phục hồi trở lại.
Chúng tôi nhận thức rõ ràng phát triển công nghiệp hỗ trợ không những giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm, thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ đợi những cơ chế chính sách đầy đủ và rõ ràng để phát triển công nghiệp hỗ trợ”.
Triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị định về ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), dự thảo Nghị định lần 3 gồm 4 chương, 14 điều. Tại chương 2 của dự thảo quy định những ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án khu - cụm công nghiệp hỗ trợ được vay 85% vốn cố định từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, được ưu tiên dành quỹ đất, ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực, được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi trong 15 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và được ưu đãi thuế xuất nhập khẩu. Kèm theo dự thảo là phụ lục các danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành dệt may, da giày, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.
Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nghị định này triển khai thực tế sẽ rất hữu ích đối với các doanh nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ bản chất là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên cách tiếp cận phải dựa trên quy mô của doanh nghiệp.
Đây cũng là chính sách thúc đẩy hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn, cho nên cần có sự xúc tác để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Từ kinh nghiệm của Khu công nghiệp hỗ trợ số 1, chúng ta nên dành quỹ đất ngay trong các khu công nghiệp để hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ tạo tốc độ cho phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp hỗ trợ nhanh hơn.
(Theo Hồng Thoan // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com