Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kịch bản kinh tế Việt Nam 2010: có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%

Nhiều triển vọng cho thấy, kinh tế Việt Nam trong năm tới có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%.

Có một sự đồng thuận khá lớn từ các chuyên gia kinh tế khi họ tin tưởng vào khả năng đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010, đúng như dự thảo mục tiêu kế hoạch mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra cho năm cuối cùng của kế hoạch 2006-2010. 

Tương tự, việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch khác, như tăng trưởng xuất khẩu 6%; vốn đầu tư phát triển ở mức 41,5% GDP; CPI kiềm chế dưới 7%; giải quyết việc làm cho 1,6 lao động... là hoàn toàn có thể. Rõ ràng, triển vọng sáng sủa hơn của nền kinh tế trong năm tới là điều có thể kỳ vọng. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kinh tế thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục và đó là nền tảng cơ bản để hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển tốt hơn trong năm tới. 

“Một, hai tháng trở lại đây, các nước đã có cái nhìn lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế. IMF mới đây cũng đã đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2010 sẽ ở mức 2,4%, chứ không phải là 1,9% như dự báo trước đây nữa”, ông Thành nói và cho rằng, trong khi sản xuất nông nghiệp đã “tới ngưỡng”, công nghiệp sẽ chưa thể có đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng GDP trong năm tới như thời gian trước đây, thì sẽ phải trông chờ vào khu vực xây dựng và dịch vụ.

Các mục tiêu kế hoạch mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra cho năm 2010 đối với từng khu vực kinh tế có lẽ cũng chứng minh cho những nhận định này. Đó là giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 7% và khu vực dịch vụ là 7,5%.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đặt nhiều hy vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế thế giới. “Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao, nên thị trường thế giới là quan trọng. Nếu kinh tế thế giới phục hồi trong năm 2010, thì sẽ mở lối thoát cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trở thành đòn bẩy để nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao hơn”, ông Tuấn phân tích.

Trên thực tế, một trong những căn cứ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2010 chính là sự hồi phục của kinh tế thế giới. Ban đầu, trong Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010, mức kỳ vọng tăng trưởng GDP là 6,5-7%. Song con số được đưa ra trong dự thảo kế hoạch mới nhất và đã được thường trực Chính phủ thông qua là 6,5%.

“Đây là một mục tiêu hợp lý, vì nó đảm bảo tính cân bằng giữa hai vấn đề trọng tâm hiện nay của nền kinh tế, đó là tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu quá coi trọng tăng trưởng kinh tế, mà không lo ổn định kinh tế vĩ mô, hay ngược lại, đều là không ổn. Trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế vẫn là yếu tố rất quan trọng để góp phần nâng cao mức sống cho người dân, tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Nhưng nếu không quan tâm ổn định kinh tế vĩ mô, thì những hệ lụy với nền kinh tế là rất lớn”, ông Tuấn phân tích. 

Có cùng quan điểm, ông Võ Trí Thành khẳng định, trong năm tới, nên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%. Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế có thể không cao, nhưng quan trọng là kinh tế vĩ mô được ổn định, tạo tiền đề tốt cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. 

Không chỉ là các chuyên gia kinh tế trong nước, mà các dự báo của các định chế tài chính nước ngoài gần đây cũng cho thấy, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới là khá sáng sủa. HSBC, trong những ngày đầu tuần này, đã công bố bản báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam và đưa ra dự báo, năm 2009, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 4,7% và sẽ có sức bật mạnh mẽ hơn trong năm 2010, với tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8%. 

Tương tự, cách đây chưa lâu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã đưa ra dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2010. Trong tuần tới, ngân hàng này sẽ công bố báo cáo Cập nhật Phát triển kinh tế châu Á 2009 và khi ấy, chắc chắn những dự báo mới nhất về kinh tế Việt Nam trong năm nay và năm tới sẽ trở thành mối quan tâm của dư luận.

Tuy vậy, đằng sau sự tăng trưởng còn rất nhiều điều cần bàn thảo, mà ổn định kinh tế vĩ mô, như đã phân tích ở trên, là một trong những ví dụ điển hình. Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của Chương trình giảng dạy FullBright khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong năm tới chính là làm sao giảm mức thâm hụt ngân sách và kiềm chế lạm phát. 

(Theo Nguyên Đức // Báo đầu tư )

  • 2010 Việt Nam còn 10 - 11% hộ nghèo: "Hoàn toàn khả thi"
  • Việt Nam - Ấn Độ hướng tới kim ngạch 3 tỷ USD vào 2010
  • Định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010
  • Tái cấu trúc và phát triển doanh nghiệp Nhà nước
  • Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009: ADB dự báo đạt 4,7%
  • Hướng đi nào để ĐBSCL phát triển bền vững ?
  • Ngành dệt may chuẩn bị đối phó với rào cản kỹ thuật của thị trường Mỹ
  • Doanh nghiệp xuất khẩu ngành da giày cần biết: Xu hướng Giày thể thao cho trẻ em Xuân/Hè năm 2010 tại Đức
  • Tây Sơn: Đầu tư phát triển các cụm, điểm công nghiệp và làng nghề
  • Thí điểm trung tâm hỗ trợ người nộp thuế vào 2010
  • Đã có quy định giá bán điện theo thị trường cho năm 2010
  • Kịch bản kinh tế Việt Nam 2010: có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%
  • HSBC nhận định: Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2010
  • Điện mua ngoài EVN sẽ ngày càng tăng cao
  • Nhiều chỉ tiêu kinh tế 2010 dự kiến cao hơn 2009