Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TS. Trần Đình Thiên: Gói kích cầu thứ hai - “Có vẻ như không cần thiết”

picture
"Có thể nói rằng, vai trò của gói kích cầu đã được triển khai là rất quan trọng nhưng không lớn đến mức như dự tính" - Ảnh: T. Nguyên.

Những phản ứng của nền kinh tế đối với gói kích cầu thứ nhất là luận cứ quan trọng để quyết định đến “số phận” gói kích cầu thứ hai.

Quan điểm trên được TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra khi bàn về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2010 cũng như sự cần thiết hay không đối với gói kích cầu thứ hai đang được Chính phủ cân nhắc thực hiện.

Theo TS. Thiên, một trong những cơ sở quan trọng nhất để dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 và dài hạn hơn là xác định khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong tình trạng bất định cao, nhiều rủi ro và khó dự báo.

Chính vì vậy, vào thời điểm này để dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2010 thật sự là một công việc có phần mạo hiểm, cho dù triển vọng phục hồi đã khá rõ và cả cách thức điều hành chính sách của Chính phủ đã mang tính hệ thống, bài bản và linh hoạt hơn.


Dự báo quá bi quan


Nói như vậy có nghĩa theo ông, nền kinh tế trong năm 2010 vẫn tiềm ẩn nhiều biến động và bức tranh của nền kinh tế trong năm tới vẫn chưa thể lộ ra?

Đúng vậy, sở dĩ chúng ta chưa thể dự báo được diễn biến của nền kinh tế trong năm tới là bởi: cho đến nay (dù đã hết quý 3), định hướng triển khai tiếp phần đa số còn lại của gói kích cầu 8 tỷ USD vẫn chưa được xác định. Theo lôgic, chắc chắn hai biến số là triển vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2010 và cả những năm sau đó tùy thuộc rất lớn vào quyết định này.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới, sự lựa chọn ưu tiên giữa các mục tiêu cải cách dài hạn hay mục tiêu khôi phục kinh tế ngắn hạn trước mắt, giúp cân bằng lại tình hình vẫn đang là chủ đề thảo luận trong nghiên cứu của các nhà khoa học lẫn các nhà hoạch định chính sách.

Theo tôi được biết, đến thời điểm này vẫn chưa có định hướng ưu tiên chính thức rõ ràng cho việc giải quyết hai nhiệm vụ có tính “tranh chấp nguồn lực" này.

Chính vì vậy, để đưa ra được một dự báo sát với tình hình thì cần phải phân tích tính hiện thực hợp lý của gói kích cầu thứ 2, đồng thời phải làm rõ tương quan ưu tiên tối ưu cần thiết giữa việc thực hiện các mục tiêu dài hạn với các nhiệm vụ ngắn hạn.

Vậy, theo quan điểm của ông thì nền kinh tế chúng ta có cần đến gói kích cầu thứ 2 hay không?

Theo tôi được biết, hiện Chính phủ vẫn đang bàn bạc, thảo luận và tham vấn ý kiến của các chuyên gia về gói kích cầu này. Do vậy, tại thời điểm này cũng chưa thể đưa ra câu trả lời ngay được. Tuy nhiên, để có được một quyết định đúng đắn cần phải chú ý đến một số vấn đề sau:

Giống như khi chịu tác động của khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Á những năm 1997 - 1999, xu hướng giảm tăng trưởng và bất cân đối kinh tế vĩ mô của Việt Nam khi chịu tác động của khủng hoảng lần này vốn đã bộc lộ từ trước khi cuộc khủng hoảng thực sự tác động vào nền kinh tế.

Điều đó có nghĩa là, tình trạng khó khăn của nền kinh tế hiện nay có căn nguyên ở sự yếu kém nội tại chứ không hẳn bắt nguồn từ các tác động tiêu cực bên ngoài. Chúng ta cũng lưu ý rằng, khủng hoảng bên ngoài gây tác động tiêu cực không nhỏ cho nền kinh tế vốn có độ mở lớn và dễ bị tổn thương như Việt Nam.

Tuy nhiên, nó không quyết định tình trạng đó mà chỉ đóng vai trò làm nghiêm trọng hơn tình hình do các điểm yếu tồn tích bên trong gây ra.

Nói tóm lại, trước khi chúng ta đưa ra gói kích cầu thì nền kinh tế đã “chạm đáy”, và theo quy luật thì nó sẽ tự đi lên. Do đó, gói kích cầu đóng vai trò giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng tốt hơn trên đà đang tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, dù bị suy yếu nhiều sau hai năm (2007 - 2008) chống chọi với suy giảm tăng trưởng và bất ổn vĩ mô, nền kinh tế vẫn tỏ ra có một năng lực chống đỡ kỳ lạ trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu cỡ “trăm năm mới có một”.

Thế nhưng, dưới tác động mạnh của khủng hoảng, quá trình suy giảm tăng trưởng cũng không kéo dài và không quá nghiêm trọng, sự phục hồi nhanh trước khi các gói kích cầu được triển khai.

Điều đó cho thấy, tính chính xác của dự báo và đánh giá mức độ tác động khủng hoảng lên nền kinh tế nước ta và mức độ trầm trọng của tình hình đưa ra hồi cuối năm 2008, đầu năm nay là khá “nặng” và bi quan hơn nhiều so với thực tế.

Như vậy, cũng có thể nói rằng, vai trò của gói kích cầu đã được triển khai là rất quan trọng nhưng không lớn đến mức như dự tính.

Chưa có gói kích cầu đúng nghĩa

Nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, nếu không có gói kích cầu thứ nhất thì các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đã lún sâu vào khủng hoảng?

Nếu để nói về tác dụng của gói kích cầu thứ nhất thì cũng cần phải phân tích cơ cấu, làm rõ tác động thực của các cấu phần cụ thể. Nếu xét theo tính chất, có thể phân gói kích cầu thứ nhất thành 4 cấu phần hay là 4 gói nhỏ, bao gồm: gói hỗ trợ lãi suất 4%, gói hỗ trợ tiêu dùng, gói hỗ trợ đầu tư và gói đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong 4 gói trên thì gói thứ tư là lớn nhất lại hầu như chưa được triển khai do một số nguyên nhân đặc thù. Gói 2 và gói 3, ít nhiều có tác động tích cực nhưng lan tỏa không mạnh. Đó là chưa kể trong số đó có những gói cụ thể hầu như không phát huy tác dụng, thậm chí gây phản ứng ngược (gói cho nông dân vay mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp không tính lãi suất).

Như vậy, có thể nói tác động mạnh nhất của gói kích cầu thứ nhất tập trung ở gói cho vay hỗ trợ lãi suất 4%. Tuy nhiên, xét về thực chất, đây là gói “giải cứu” chứ không phải là gói kích cầu. Gói này đã giải thoát nhiều doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng “ách tắc” lưu thông vốn do gánh nặng nợ xấu. Nó đã có tác dụng “kích hoạt” nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp và ngân hàng thoát khỏi “điểm chết”, tức là nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó.

Điều đó cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, để nền kinh tế khôi phục tăng trưởng, gói giải cứu đóng vai trò chính. Còn các gói kích cầu đúng nghĩa chưa phát huy tác dụng được bao nhiêu. Nền kinh tế hầu như tự động khôi phục tăng trưởng sau khi thoát khỏi điểm “tắc nghẽn” chỉ với một số tiền vừa phải được tung ra (cơ bản chưa phải là tiền kích cầu).

Những tình huống mang tính thực tiễn trên cho thấy, có vẻ như nền kinh tế không nhất thiết phải tiếp tục kích cầu trong năm 2010 mà nền kinh tế vẫn có thể duy trì xu hướng cải thiện tốc độ tăng trưởng.

Hơn nữa, Hội nghị G20 vừa qua đã đưa ra kết luận: khủng hoảng đã chạm đáy, kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, cùng với những phân tích trên vẫn cần thêm một số luận cứ, dự báo trước khi đưa ra những gợi ý rõ ràng hơn về “số phận” của gói kích cầu.

Nên tập trung cho tái cấu trúc

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nên tiếp tục có một gói kích cầu có tính chất như “bước đệm”giúp nền kinh tế hạ cánh an toàn hơn?

Xin lưu ý rằng, sự cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn do việc tiếp tục triển khai gói kích cầu thứ hai là rất cần thiết. Cho đến thời điểm này, các luận cứ cơ bản hầu như đều nghiêng về định hướng không tiếp tục trong năm 2010.

Theo tôi, những lập luận về “bước đệm”, về yêu cầu “tránh sốc” cho nền kinh tế bằng cách nên duy trì thêm một khoản kích cầu nào đó, khối lượng nhỏ hơn, lãi suất ưu đãi thấp hơn, điều kiện ngặt nghèo hơn… tỏ ra không thuyết phục.

Nền kinh tế với hơn 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, 70% lao động ở nông thôn, các doanh nghiệp lớn vẫn bình yên vô sự cho đến nay tự nói lên rằng, nó có đủ năng lực để vươn lên ngay cả khi Chính phủ không tiếp tục gói kích cầu.

Vậy theo ông, trong năm 2010, chúng ta cần tập trung cho mục tiêu nào của nền kinh tế và liệu những mục tiêu về tăng trưởng, giảm thâm hụt ngân sách… có khả thi?

Theo tôi, trong năm 2010, nền kinh tế nên chuyển hướng ưu tiên sang nhiệm vụ tái cơ cấu. Còn với những diễn biến vừa qua, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm tới cũng không phải là điều quá khó. Đồng thời, nếu đi theo định hướng này thì mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, giữ lạm phát ở mức 7 - 8%... là có thể đạt được.

(Theo Bảo Anh // VnEconomy)

  • Năm 2010: Trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
  • Phát triển kinh tế-xã hội năm 2010: Cùng chung sức hành động vì sự phát triển đất nước
  • Thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ: hướng tới 1 tỷ USD vào năm 2010
  • 6 dự báo đáng chú ý về kinh tế xã hội năm 2010
  • TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam 2010 - rủi ro và triển vọng ?
  • Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và viễn cảnh kinh tế Việt Nam một vài năm tới
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bất động sản TP HCM: Căn hộ giá trung bình và thấp sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • Ngân hàng Credit Suisse: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,5% vào 2010
  • TS. Trần Đình Thiên: Gói kích cầu thứ hai - “Có vẻ như không cần thiết”
  • Kinh doanh nhượng quyền sẽ tăng 35%
  • Lương tối thiểu sẽ tăng lên 780.000 đồng/tháng
  • 2010: PVF niêm yết cổ phiếu tại Singapore
  • Thương mại Việt Nam-Campuchia sẽ tăng vào 2010