Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TS Nguyễn Minh Phong: “99% doanh nghiêp thành công nhờ vai trò của CEO”

CEO là viết tắt của Chief executive officer (tiếng Anh) nghĩa là nhà quản trị hay người lãnh đạo cao nhất của công ty hoặc một tổ chức, chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách của hội đồng quản trị, đem lợi nhuận về cho doanh nghiệp (DN), tổ chức ấy. Các DN trên thế giới rất coi trọng CEO vì một CEO giỏi không chỉ là linh hồn mà còn mang lại thành công cho DN.

 

Tại Việt Nam, CEO của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi chuyện này, đề tài này với TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội Hà Nội.

 

- Có nhiều tài liệu nói về vai trò của CEO đối với DN, ông có quan điểm thế nào về việc này?

 

Để ổn định, phát triển kinh doanh sản xuất các đơn vị, DN rất cần người lãnh đạo có năng lực.

- Theo những gì tôi biết thì có tới 99% DN trên thế giới thành công nhờ vai trò của CEO. Có tập đoàn khi thay đổi CEO, ngay lập tức giá cổ phiếu của DN tăng lên đáng kể. Đó là vì cổ đông tin tưởng vào khả năng của CEO mới. Đặc biệt với các tập đoàn hoạt động đa quốc gia, càng phải cần một CEO giỏi. Thế giới coi CEO là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.

 

- Ở các nền kinh tế trên thế giới, muốn trở thành CEO, các ứng viên cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?

 

- Ngoài các tiêu chuẩn chung về bằng cấp (tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng thế giới càng tốt), kinh nghiệm, ứng viên còn phải bộc lộ khả năng sáng tạo... Tùy theo sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nào, các DN sẽ có những tiêu chuẩn riêng. Song, điều giống nhau là ở chỗ, ứng viên phải chứng minh được sự hơn hẳn với các ứng viên khác mới có hy vọng trở thành CEO của DN.

 

- Trong báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2009, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ một số lượng vốn khổng lồ nhưng chỉ làm ra 40% GDP. Hiệu quả chưa cao rõ ràng là có bất cập từ cơ chế đến nội tại DN và trong đó có trách nhiệm của CEO. Ông có thể đưa ra nhận định về vai trò của CEO trong DN nhà nước?

 

- Nếu đem so các DN Việt Nam, kể cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước so với các tổng công ty, tập đoàn đa quốc gia ở nhiều nước thì quy mô các DN của Việt Nam còn nhỏ. Đến thời điểm này, tuy có một vài DN đã đầu tư ra nước ngoài nhưng sản xuất, kinh doanh không quá phức tạp. Bản thân mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty cũng chưa rõ ràng giữa quản lý sở hữu và quản lý kinh doanh. Hiện tại, hoạt động của các DN nhà nước cũng chưa  độc lập, phụ thuộc nhiều vào vĩ mô. Điều này cũng gây khó khăn cho lãnh đạo DN. Nhiều DN lớn thành công là nhờ biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN hoặc nhờ cơ chế. Chưa có DN đạt đến quyền năng lớn trong kinh tế và trở thành niềm tự hào của chính quyền và người dân địa phương nơi DN tá túc. Chính vì thế, DN nhà nước chưa có CEO theo đúng nghĩa của nó. Mặt khác, CEO của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không phải thi tuyển mà do bổ nhiệm hoặc phân công nên gọi là lãnh đạo DN thì đúng hơn. Họ là cán bộ hưởng lương và chịu trách nhiệm chính trị lớn hơn là chịu trách nhiệm kinh tế. Nếu DN làm ăn thua lỗ thì họ không phải chịu trách nhiệm. Mới đây, Chính phủ cho phép các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty được quyền trả lương để giữ người tài, tôi cho đó là tín hiệu tốt.

 

- Báo cáo về giám sát hoạt động DN nhà nước của Quốc hội ngày 13-8 cho thấy, ngoài thành công, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề ở tập đoàn, tổng công ty như: Đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, hiệu quả sử dụng đồng vốn còn thấp, lãnh đạo DN làm ăn thua lỗ từ 2-3 năm nhưng chưa bị cách chức... Tất nhiên, quá trình làm ăn của DN không thể tránh khỏi rủi ro, song trong sự thua lỗ ấy một phần do lãnh đạo DN. Theo ông, cách mà chúng ta chọn lãnh đạo DN nhà nước như hiện nay liệu có cho phép tìm được thuyền trưởng vững vàng trước sóng to gió lớn của thị trường?

 

- Theo những gì tôi biết thì ngoài các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn thì hầu hết lãnh đạo DN chưa qua các trường lớp đào tạo CEO. Dĩ nhiên là vì Việt Nam cũng chưa có trường nào đào tạo. Hiện cả nước cũng chỉ có vài cơ sở nhỏ đào tạo về quản trị DN. CEO, như tôi nói ở trên là nghề mang tính chuyên nghiệp cao chứ không phải là chức vụ.

 

- Chủ trương thuê giám đốc điều hành (người Việt Nam ngoài DN và có thể là người nước ngoài) có từ năm 1997, nhưng cho đến nay vẫn chỉ là thí điểm và mới có 3 trong 5 DN được chỉ định thuê giám đốc điều hành nhưng không phải người ngoài mà là giám đốc các công ty thành viên. Theo ông, có gì vướng mắc ở đây? Và thuê giám đốc có lợi gì?

 

- Dù chúng ta đã có Luật DN nhưng vẫn còn khá nhiều vướng mắc. Chúng ta chưa có đủ hành lang pháp lý cho việc thuê giám đốc. Lương  giám đốc cao như vậy trong khi lương của người lao động lại thấp liệu có giữ được ổn định DN? Giám đốc thuê có quyền bổ nhiệm cấp phó của mình để DN hoạt động hiệu quả? Lương của các phó giám đốc theo cơ chế nào? Có người sợ các giám đốc thuê sẽ tìm cách chiếm đoạt tài sản Nhà nước, thực ra chuyện đó không có gì đáng ngại bởi các văn bản pháp lý dù còn thiếu nhưng vẫn đủ để ngăn cản. Ngoài ra còn có rất nhiều các yếu tố khác. Chuyện thuê và sa thải CEO của các DN nước ngoài là hết sức bình thường vì họ cần người tài để mang lại lợi nhuận lớn nhất. Ở các nước có nền kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật cho chuyện này là đầy đủ. Bên cạnh đó, mô hình các DN ổn định. Ví dụ như một DN nhất thiết phải có bộ phận nào, tài chính hằng năm cho các bộ phận này hoạt động là bao nhiêu được ấn định ngay từ khi kết thúc năm tài chính. Thuê giám đốc điều hành cho các DN nhà nước có nhiều cái lợi, không chỉ tìm được người tài mà còn có thể hạn chế được tham nhũng, hối lộ. Thực tế cho thấy, có CEO trên thế giới làm việc không phải vì lương bổng cao mà vì danh dự bản thân họ.

 

- Nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng kinh tế thế giới càng cần người lãnh đạo có tài, vậy việc cần làm bây giờ là gì?

 

- Không chỉ DN nhà nước mà DN tư nhân cũng rất cần người lãnh đạo có tài. Theo tôi nếu các cơ sở giáo dục ở Việt Nam chưa đủ điều kiện để mở trường đào tạo CEO thì nên liên doanh, liên kết với các trường nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực này. Hoặc cấp phép cho các trường đại học nước ngoài uy tín được mở hình thức đào tạo này tại Việt Nam. Nhanh chóng đào tạo CEO là việc làm cần thiết khi kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

 

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(Theo Nguyễn Ngọc Tiến thực hiện/HNM)

  • 10 CEO được trả lương “khủng” nhất năm 2009
  • Những bài học lãnh đạo của cựu CEO Thomson Reuters
  • Xây dựng nhãn hiệu toàn cầu
  • CEO Ken Lewis: Người hùng hay kẻ ngớ ngẩn?
  • Tiêu chí nào để đánh giá một CEO?
  • Chuyện lương bổng của CEO thế giới
  • Jeff Kindler, lãnh đạo tài ba trong ngành dược phẩm
  • Người phụ nữ phía sau thành công của Facebook
  • Lương bổng của giới tài chính phố Wall : Ma hay người?
  • Lựa chọn nguồn vốn đầu tư
  • CEO của tập đoàn viễn thông Nortel từ chức
  • TS Nguyễn Minh Phong: “99% doanh nghiêp thành công nhờ vai trò của CEO”
  • Nghe lời khuyên đầu tư của các CEO
  • Thế nào là lãnh đạo năng động ?
  • CEO và CFO hãng xe hơi hạng sang Porsche từ chức