Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng kinh tế và cơ hội cho các “đại gia” dầu lửa

Một giàn khoan dầu thuộc sở hữu nhà nước của Venezuela. Hiện Chính phủ Venezuela lại đang thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác dầu - Ảnh: AP.
Ở một góc độ nào đó, giá dầu lao dốc mạnh thời gian qua đang trở thành một “cứu cánh” cho các hãng dầu lửa phương Tây.

Giá dầu không còn cao giúp các tập đoàn này gia tăng vị thế trong quá trình đàm phán với các quốc gia sở hữu tài nguyên dầu lửa - điều mà mới chỉ vài tháng trước đây họ không có được.

Cơ hội mở ra

Trong những năm gần đây, khi giá dầu liên tục tăng và vượt ngưỡng 100 USD/thùng, các quốc gia có trữ lượng dầu lửa khổng lồ như Venezuela, Libya và Nga đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên này của mình. Nguồn tiền thu về từ dầu lửa được các nước trên chi dùng chủ yếu cho mục đích chính trị và xã hội, thay vì đầu tư lại cho ngành công nghiệp khai thác dầu.

“Khi giá dầu là 100 USD/thùng, các công ty dầu khí quốc doanh chẳng cần tới các hãng dầu lửa lớn vì họ đã có rất nhiều tiền”, chuyên gia năng lượng Amy Jaffe của Viện Chính sách công James A. Baker thuộc Đại học Rice của Mỹ nhận xét.

Tuy nhiên, khi giá dầu giảm về ngưỡng 50 USD/thùng, các quốc gia này gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm vốn cho một số dự án dầu khí. Việc khai thác dầu với mức giá hiện nay ở nhiều mỏ dầu trên thế giới đã không còn đem lại hiệu quả kinh tế. Trong những trường hợp khác, cơ sở hạ tầng hạn chế khiến công việc khai thác dầu trở nên khó khăn và tốn kém hơn, hoặc thậm chí là điều không thể, đối với các công ty dầu khí nhà nước.

Phản ứng của các quốc gia khác nhau trước việc giá dầu gần đây có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua là khác nhau.

“Anh cả” của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Saudi Arabia, cho biết sẽ không cắt giảm ngân sách cho hãng dầu lửa quốc doanh Aramco của nước này.

Tuy nhiên, tại các nước khác, sản lượng dầu lửa sụt giảm đang khiến nguồn thu từ ngành này co lại, khiến ngân sách quốc gia thêm phần eo hẹp. Ở Venezuela, các nhà thầu đang tiến hành đóng cửa nhiều giàn khoan do Chính phủ nước này không còn tiếp tục trả tiền cho họ.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh này, các công ty dầu lửa phương Tây - vốn đã tích trữ nguồn tiền mặt ở thời kỳ thu lợi nhuận dồi dào - có thể dịch chuyển hoạt động tới bất kỳ địa chỉ nào trên thế giới. Với nguồn vốn của mình, các “đại gia” này có thể thỏa thuận bằng những điều khoản hết sức hấp dẫn với các công ty dầu khí quốc doanh của các nước nhiều dầu.

“Khi kinh tế và giá cả cùng lao dốc, bức tranh ngành dầu khí đã hoàn toàn khác”, chuyên gia Jaffe nói tiếp. Hiện các hãng dầu lửa nổi tiếng như Chevron của Mỹ, Royal Dutch Shell của Hà Lan và một số hãng khác cho biết họ đang hy vọng ở quyền tiếp cận rộng mở hơn đối với nguồn dầu ở những quốc gia nơi ngành công nghiệp dầu khí được quốc hữu hóa.

“Suy thoái kinh tế và tình trạng giá dầu thấp càng kéo dài, chính phủ các nước nhiều dầu lửa càng cần tới các hãng dầu khí quốc tế”, ông Dan Yergin, Chủ tịch Hội Nghiên cứu năng lượng Cambridge, đồng thời là một nhà tư vấn thị trường năng lượng, nhận xét.

Cơ hội mới này cho các công ty dầu lửa lớn của phương Tây xuất hiện ngay trong giai đoạn mà nước Mỹ đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu lửa. Cách đây ít ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, nước này phải giải phóng mình “khỏi sự phụ thuộc nguy hiểm vào nguồn dầu lửa từ nước ngoài”.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và các tổ chức dự báo khác đã nhận định, xăng dầu sẽ vẫn là nguồn năng lượng chủ chốt của thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Trong khi đó, các công ty dầu khí quốc doanh đang là đối tượng kiểm soát khoảng 3/4 trữ lượng dầu lửa đã biết của thế giới.

Bởi thế, đối với các hãng dầu lửa phương Tây, việc đạt được những thỏa thuận khai thác dầu mới lúc này là điều rất có ý nghĩa.

Thực ra, trước đây, các hãng dầu lửa lớn đã có hoạt động tại một số quốc gia có ngành công nghiệp dầu khí là một ngành quốc doanh, nhưng các điều khoản hợp đồng là rất ngặt nghèo và đem lại lợi ích lớn hơn cho các quốc gia sở hữu tài nguyên.

Theo chuyên gia Yergin, trong môi trường hiện nay, các công ty như Exxon và Shell sẽ tìm kiếm được những hợp đồng lâu dài hơn, hấp dẫn hơn, và có các điều khoản không thay đổi. Đặc biệt, các công ty này cũng sẽ tìm kiếm những thỏa thuận có giá tiền thuê mỏ và thuế suất thấp hơn, cũng như tỷ lệ chia phần sản lượng cao hơn cho họ.

“Chúng tôi luôn tìm kiếm những nước có nguồn tài nguyên lớn và những công ty dầu khí quốc doanh đang ở trong tình trạng mà chúng tôi có thể đem tới giá trị cao hơn”, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành (CEO) của hãng Exxon Mobil, ông Rex Tillerson, phát biểu.

Sự thận trọng cần thiết

Bất chấp quan điểm độc lập năng lượng của chính quyền Obama, cũng như khả năng vấp phải khó khăn khi làm ăn tại một số quốc gia có nhà lãnh đạo mang quan điểm chống phương Tây như Venezuela, việc các công ty dầu lửa tăng cường hợp tác với các nước sở hữu nhiều dầu có thể giúp ngăn chặn những đợt leo thang đột biến của giá dầu như xảy ra ở mùa hè năm 2008.

IEA cho biết, trong vòng 2 thập kỷ tới đây, thế giới sẽ cần tới hơn 1.000 tỷ USD tiền đầu tư vào ngành dầu lửa để mở rộng nguồn cung và tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng có khả năng kéo lùi tăng trưởng toàn cầu. Cũng theo cơ quan  này, các hãng dầu lửa quốc doanh được dự báo sẽ chiếm khoảng 80% trong phần sản lượng dầu và khí tự nhiên tăng thêm trong thời gian từ nay tới năm 2030.

Khả năng các công ty dầu lửa phương Tây ký được thỏa thuận thăm dò và khai thác mới với các nước giàu tài nguyên dầu lửa xuất hiện trong bối cảnh các tập đoàn này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm những mỏ dầu mới và tăng sản lượng, một phần do quyền tiếp cận các mỏ dầu bị hạn chế.  Trên thực tế, sản lượng của các hãng dầu lớn của Mỹ đã giảm mạnh trong mấy năm gần đây. Thêm vào đó, ít có khả năng chính quyền Obama sẽ cho phép khai thác mở cửa thêm các mỏ dầu mới của nước này trong thời gian trước mắt.

“Thực tế này đặt ra câu hỏi: liệu các tập đoàn dầu khí có thể sản xuất thêm dầu ở Mỹ?”, kinh tế gia trưởng John Felmy thuộc Viện Dầu lửa Hoa Kỳ nhận xét. “Chắc chắn, các công ty dầu khí của Mỹ muốn đẩy mạnh khai thác trong nước, nhưng điều này họ không thể tự quyết định”, ông Felmy nói thêm.

Cơ hội xuất hiện lúc này có thể giúp các hãng dầu lửa trên chặn lại sự sụt giảm sản lượng khai thác của họ, nhưng bên cạnh đó, không phải không có những rủi ro.

Mới chỉ cách đây 2 năm, khi tình hình ở các mỏ dầu ở Venezuela trở nên căng thẳng do chiến lược quốc hữu hóa của nước này, các hãng Exxon Mobil và ConocoPhillips của Mỹ đã buộc phải “bỏ của chạy lấy người”, bỏ lại sau lưng hàng tỷ USD tài sản. Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi của Lybia lại một lần nữa đe dọa quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu khí của quốc gia châu Phi này..

Bởi vậy, có lẽ chẳng công ty dầu lửa nào sẽ ký thỏa thuận với các quốc gia nhiều dầu nếu không nhận được sự đảm bảo ít nhiều về sự ổn định. Năm ngoái, giám đốc của liên doanh giữa một công ty dầu khí của Nga và hãng BP của Anh đã bị buộc phải rời Nga do chính quyền ở đây không gia hạn cho thị thực của vị giám đốc này.

Ngoài ra, hai hãng Exxon Mobil và ConocoPhillips của Mỹ vẫn đang ở trong một vụ tranh chấp quốc tế đã kéo dài 2 năm kể từ khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez quốc hữu hóa các mỏ dầu ở vùng Orinoco. ConocoPhillips đã mất 4,5 tỷ USD tài sản ở Venezuela vì vụ này.

Một số hãng khác gồm Chevron vẫn ở lại Venezuela, nhưng chỉ được Chính phủ nước này coi là đối tác thiểu số.

Tuy nhiên, hiện Chính phủ Venezuela lại đang thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác dầu. Iraq cũng áp dụng chính sách tương tự nhằm phục hồi lại ngành công nghiệp dầu lửa ở đây. Các điều khoản hợp đồng mà Iraq đưa ra cho các hãng dầu khí rất hấp dẫn, nhưng yêu cầu các công ty dầu lửa phải bắt đầu khai thác ngay.

Các chuyên gia cho rằng, Brazil cũng nằm trong số những nước sẽ phải cần tới đầu tư nước ngoài cho ngành dầu khí trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, trong quá trình đàm phán hợp đồng với các quốc gia này trong thời gian tới, có lẽ các hãng dầu lửa phương Tây sẽ đặc biệt thận trọng trong các điều khoản về tranh chấp và kiện tụng.

 

(Theo VnEconomy / AP, Time)

  • Đài Loan tiếp tục sa thải lao động nước ngoài
  • Khủng hoảng "mở đường" cho hoạt động rửa tiền
  • Khủng hoảng kinh tế và cơ hội cho các “đại gia” dầu lửa
  • Một góc nhìn về ứng phó khủng hoảng tại Việt Nam
  • Trung Quốc đưa ôtô lai sản xuất hàng loạt ra thị trường
  • Nga hỗ trợ các nhà sản xuất ôtô trong nước