Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng theo, nên tiến độ thực hiện có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Từ công bố của Tổng cục Thống kê, có thể có một số nhận xét sau.Thứ nhất, vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng tương đối khá và có quy mô lớn ( 322,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1% GDP).
Đây là một kết quả tích cực, tạo điều kiện cho Việt Nam là một số ít nước đạt tăng trưởng kinh tế dương (3,9%) và đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của sự suy giảm tốc độ tăng trưởng (quý 1 đạt 3,1%, quý 2 đạt 4,5%).
Thứ hai, trong điều kiện vốn đầu tư nước ngoài bị sụt giảm do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái
kinh tế thế giới, thì vốn đầu tư trong nước đạt 251,6 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1%, cao hơn tốc độ tăng vừa để bù cho sự sụt giảm của vốn đầu tư nước ngoài, vừa để ngăn chặn suy giảm kinh tế, thoát đáy, vượt dốc đi lên. Nội lực được đề cao vào lúc này có ý nghĩa kép.
Thứ ba, vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 141,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,9%) trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Trong điều kiện đặc biệt hiện nay, vai trò của Nhà nước trong việc kích cầu đầu tư là rất cần thiết, tạo ra “vốn mồi” để kéo các nguồn vốn khác.
Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước đạt thấp (50,6 nghìn tỷ đồng), sau một nửa thời gian mới đạt 35,1% kế hoạch điều chỉnh. Trong đó tỷ lệ thực hiện của phần vốn do Trung ương quản lý còn đạt thấp hơn của phần vốn do địa phương quản lý (28,6% so với 39,4%). Đây là một hạn chế cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện để tranh thủ lúc giá vật liệu xây dựng còn đang thấp.
Thứ tư, vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 110,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,1% và tăng 37,4%. Tuy số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tăng cao (40 nghìn, tăng 14%), nhưng lượng vốn đăng ký mới lại giảm (40%).
Thứ năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm có năm đặc điểm đáng lưu ý. Một, trong 6 tháng có 306 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt 4,7 tỷ USD, giảm tới 86,7% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, tổng lượng vốn đăng ký (bao gồm vốn đăng ký của các dự án mới và lượng vốn đăng ký bổ sung của các dự án cũ) trong 6 tháng chỉ đạt 8,9 tỷ USD, giảm 77,4% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn thực hiện trong 6 tháng ước đạt 4 tỷ USD giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do các nước còn đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nên việc đầu tư vốn ra nước ngoài bị ảnh hưởng.
Trong khi lượng vốn đăng ký của dự án mới bị sụt giảm, thì lượng vốn đăng ký bổ sung của các dự án cũ đã tăng lên (4%). Điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư đã làm ăn ở Việt Nam với lòng tin và với kỳ vọng “trông giỏ bỏ thóc” vẫn tiếp tục gia tăng lượng vốn đầu tư.
Sự sụt giảm của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng qua chủ yếu được xét về hai mặt. Một mặt là so với cùng kỳ năm trước - năm đạt kỷ lục, nhưng đã lớn hơn lượng vốn đăng ký cả năm của các năm từ 2005 trở về trước. Mặt khác, lượng vốn thực hiện mới qua 6 tháng, nhưng đã cao hơn mức cả năm của nhiều năm từ 2003 trở về trước. Về trung và dài hạn, vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng.
Thứ sáu, mức giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 6 tháng qua ước đạt 1.270 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (gồm 1.163 triệu USD vốn vay và 107 triệu USD không hoàn lại).
Thứ bảy, hiệu quả đầu tư là vấn đề cần chú ý về hai mặt. Một mặt, trong điều kiện kích cầu để muốn giải ngân nhanh nên dễ bị lãng phí, thất thoát. Mặt khác, kinh tế thế giới chưa vượt qua đáy và kinh tế trong nước vẫn còn đang nỗ lực thoát đáy vượt dốc đi lên, nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Khi vốn đầu tư tăng, tăng trưởng kinh tế giảm thì hiệu quả đầu tư tăng trưởng bị giảm là khó tránh khỏi. Đây là một cảnh báo đáng lưu ý.