Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc cách mạng “H&M”

H&M là một trong số các thương hiệu thời trang sáng giá và làm thay đổi cả thế giới thời trang. Thế nhưng, xuất phát điểm của H&M lại từ... sao chép ý tưởng! 

Trong thế giới thương hiệu, H&M có thể coi là một trong những ví dụ sinh động cho việc thương hiệu có thể được hình thành và phát triển từ sao chép ý tưởng nhưng theo thời gian lại tạo nên những tác động lớn như một cuộc cách mạng thực thụ.

Từ cửa hàng bán lẻ đến tập đoàn nổi tiếng thế giới

Tính cách mạng trong triết lý và thực tiễn kinh doanh của H&M được khái quát lại trong khái niệm "dân chủ hóa thời trang"  

H&M được viết tắt từ chữ "Hennes & Mauritz" do ông Erling Persson, người Thụy Điển, thành lập năm 1947 ở Vaesteras (Thuỵ Điển). Thuở ban đầu, đó chỉ là một cửa hàng bán quần áo và vải vóc. Trong một lần đi Mỹ, Erling Persson để ý đến một cửa hiệu bán quần áo được rất đông người mua vì giá bán rất rẻ. Nhận thức mà Persson rút ra được từ đó là, với giá rẻ nhưng bán khối lượng nhiều thì vẫn có thể kinh doanh có lãi. Mô hình kinh doanh này được Persson sao chép và vận dụng ngay ở Thụy Điển và thành công đến rất nhanh. Từ những thành công ban đầu, ông nảy ra suy nghĩ, thời trang vốn luôn rất được ưa chuộng trong khi quan niệm chung từ xưa vẫn là thời trang luôn luôn đắt. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng một sản phẩm quần áo hiếm đến mức độc đáo và đắt thì mới được công nhận là thời trang. Vì thế, ở một chừng mực nào đó, thời trang không phải dành cho đại chúng. Nhưng nếu bán hàng thời trang với giá mà số đông có thể mua được thì cơ hội kiếm lời cũng rất cao. Bởi thế, triết lý kinh doanh của Persson cũng như bản chất của thương hiệu H&M là quần áo có chất lượng cao và hợp mốt nhưng giá cả phải chăng. Những cửa hàng đầu tiên của Persson chủ yếu chỉ bán quần áo phụ nữ cho nên được ông đặt tên là "Hennes", trong tiếng Thuỵ Điển có nghĩa là "dành cho phụ nữ". Năm 1968, Persson mua lại hãng chuyên may quần áo trang phục cho thợ săn Mauritz Widforss và từ đó bán cả quần áo cho nam giới. Công ty của ông cũng được đổi tên thành Hennes & Mauritz hay đơn giản là H&M.

Theo thời gian, H&M mở rộng phạm vi và đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh. Từ làng ra phố, từ trong nước ra nước ngoài, H&M xuất hiện ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển rồi sang Na Uy, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Năm 1976, H&M vượt ra ngoài khu vực Bắc Âu để hiện diện ở Anh, Đức, Hà Lan, rồi đến Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Âu, bán đảo Balkan, Đông Nam Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Từ quần áo thuần tuý, H&M cung ứng thêm gần như tất cả các sản phẩm thời trang khác có sử dụng da và bông vải sợi. Những thương hiệu và dòng sản phẩm thời trang của H&M cứ thế nhiều thêm. Có sản phẩm do H&M sáng tạo, nhưng cũng có nhiều sản phẩm thuộc sở hữu của các công ty thời trang khác đã được H&M mua lại. Bắt đầu từ việc đặt hàng ở các hãng khác, H&M tiến tới hợp tác với nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới để tạo nên những sản phẩm thời trang có phong cách riêng.

Lịch sử của H&M xuất phát từ một cửa hàng bán lẻ ở tỉnh lẻ của Thụy Điển rồi dần phát triển thành một tập đoàn hoạt động trên phạm vi toàn cầu. H&M hiện có hơn 2.000 cửa hàng và chi nhánh tại 35 quốc gia trên khắp thế giới. Năm 2012, hãng xếp hạng giá trị thương hiệu Interbrand đã xếp hạng thương hiệu này đứng thứ 23 trong các thương hiệu thời trang với giá trị thương hiệu là 16,5 tỷ USD. Sau hơn 60 năm, H&M đã trở thành một trong những thương hiệu đại diện xứng đáng nhất cho Thụy Điển trong thế giới thương hiệu.

Những tác động mang tính cách mạng

Lịch sử thương hiệu H&M là quá trình phát triển và chuyển biến của một cửa hàng bán đồ may mặc trở thành một thương hiệu thời trang toàn cầu. H&M là thương hiệu đầu tiên trong số những thương hiệu thời trang có ảnh hưởng và uy tín quốc tế với giá cả hợp lý dành cho số đông khách hàng. Bí quyết thành công của H&M nghe thì rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện thành công. Đó là câu chuyện bán đồ thời trang mà người dân ở một thành phố cỡ trung bình có thể dễ dàng mua về, sử dụng được thoải mái và hài lòng về phương diện mốt và chất lượng, nhưng lại đồng thời không mấy khó khăn khi quyết định bỏ đi. H&M là bằng chứng thuyết phục về phương diện kinh doanh: hoàn toàn có thể tạo nên những thương hiệu sản phẩm được sản xuất hàng loạt chứ không phải độc bản mà vẫn hợp mốt và không đắt. Giá rẻ và hợp mốt trở thành tiêu chí quyết định triết lý kinh doanh và sự tăng trưởng của H&M. Qua đó, hãng này đã dần làm thay đổi thời trang ở cả bản chất bên trong lẫn diện mạo bên ngoài.

Thế giới thời trang đánh giá, H&M làm nên cả một cuộc cách mạng trong thời trang còn vì thương hiệu này làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa các hãng thời trang và các nhà thiết kế thời trang. Nếu như trước đây các nhà thiết kế thời trang có uy quyền áp đảo trong mối quan hệ ấy thì H&M đã làm cho nó được cân bằng hơn. H&M đã đi tiên phong trong một quá trình làm cho những cửa hàng của họ không chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm của các nhà thiết kế thời trang mà còn là nơi thời trang hiện diện, được bình phẩm và phán xét cũng như xu hướng thời trang được xác lập và khẳng định cũng như khai tử. Các nhà thiết kế thời trang cần các hãng thời trang để tự khẳng định chính mình và để tự đi tới câu trả lời cho câu hỏi: Liệu sự sáng tạo thời trang của họ hợp thời hay không hợp thời và có bán chạy hay sẽ bị ế chỏng chơ? H&M đã làm cho các nhà thiết kế thấy rằng, bây giờ họ phải tìm đến các hãng thời trang để biết đã đi đúng hay sai đường.

Tính cách mạng trong triết lý và thực tiễn kinh doanh của H&M được khái quát lại trong khái niệm "dân chủ hóa thời trang". Thời trang nhờ thế vẫn xa xỉ và sang trọng nhưng ngày càng được phổ cập và đại chúng. Thời trang vì thế không còn tách biệt với cuộc sống. Thời trang vẫn là sản phẩm của sáng tạo nhưng vì con người chứ không vì sáng tạo thuần tuý. H&M đã cho thấy rằng, tất cả các thương hiệu thời trang thành danh và thành công, sáng giá và bền vững trong thế giới thương hiệu đều là những thương hiệu có giá trị trước hết ở năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của đông đảo người tiêu dùng chứ không phải ở giá trị nghệ thuật trong sáng tạo sản phẩm mang tên nó.

(Theo Doanh nhân)

  • Bí mật trong logo của các thương hiệu nổi tiếng
  • Bên trong Google
  • 10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới
  • Ông chủ Trung Nguyên tiếp tục chê bai Starbucks
  • 10 thương hiệu bia phổ biến nhất thế giới
  • 10 thương hiệu quốc gia được thèm khát nhất thế giới
  • 10 công ty sáng tạo nhất thế giới
  • 10 thương hiệu giá trị nhất hành tinh
  • “Đột nhập” đại bản doanh của Tumblr
  • Những thương hiệu bán lẻ “đắt” nhất thế giới 2012
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com