Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Prudential bị khách 'tố' cho vay nặng lãi

Khách hàng vay tín chấp tại Công ty Tài chính Prudential muốn tất toán trước hạn nhưng không được chấp nhận nên bức xúc và "tố" là công ty đang cho vay nặng lãi.

Anh Phan Thanh Triều, quận Phú Nhuận, TP HCM, cho biết, ngày 18/8/2008 anh ký hợp đồng tín dụng 15 triệu đồng với Công ty tài chính Prudential Việt Nam, thời hạn 36 tháng, lãi suất 1,75% mỗi tháng. Khoản thanh toán hằng tháng 679.200 đồng, tháng thứ 35 là 676.700 đồng.

Sau thời gian thực hiện hợp đồng, đến tháng 8/2010, anh Triều đến làm thủ tục xin chấm dứt hợp đồng vay trước hạn. Căn cứ theo điều 4, khoản 4.2 của phụ lục hợp đồng vay thì "Nếu bên cho vay cho phép bên vay trả trước toàn bộ dư nợ gốc của khoản vay, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên cho vay một khoản phí thanh toán trước hạn như được quy định tại điều 1.2(h) của hợp đồng tín dụng cá nhân trước khi thực hiện khoản thanh toán trước hạn đó".

Theo anh Triều, đối chiếu quy định này thì anh được quyền chấm dứt hợp đồng vay trước hạn và chịu phí phạt 2% trên tổng dư nợ gốc. Tuy nhiên, Prudential lại căn cứ vào điều khoản quy định: "Theo yêu cầu của bên vay, bên cho vay có quyền nhưng không có nghĩa vụ cho phép bên vay trả trước hạn…". Hơn nữa, công ty cho biết thời gian này đang áp dụng chính sách chung tạm ngưng thực hiện yêu cầu tất toán trước hạn, chính sách này phù hợp với điều kiện và điều khoản chung của hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Do đó, Prudential không cho anh tất toán trước hạn.

Không chỉ bức xúc về điều này, anh Triều còn cho rằng cách tính lãi của Prudential có dấu hiệu "cho vay nặng lãi". Cụ thể, nếu tính ra thì lãi suất tháng 35 anh phải đóng lên tới 63% một tháng (413.700 đồng tiền gốc + 262.500 đồng tiền lãi) chứ không phải là 1,75 % mỗi tháng.

Ngoài anh Triều, phóng viên cũng nhận được một số phản ánh tương tự từ khách hàng khi vay tiền tại Prudential. Một khách hàng tên Minh Hạo cho rằng, khi làm thủ tục vay tại công ty này, khách khó có thể đọc kỹ hết 3 trang A4 với bao nhiêu chữ chi chít trên hợp đồng, cộng với 11 trang phụ lục nên chỉ xem những mục chính. Còn hỏi nhân viên nhiều lần thì luôn được xác nhận là có quyền trả trước hạn với 2% tiền phạt của số dư nợ còn lại... Nhưng sau đó anh gặp không biết bao nhiêu rắc rối trong việc tất toán trước hạn cũng như cách tính lãi của nhân viên.

Trước những thắc mắc này, ông Park Sung Hoo,Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tài chính Prudential Việt Nam cho rằng không thể bình luận về các chi tiết do Đại diện tiếp thị và bán hàng trực tiếp trao đổi với khách hàng. "Chúng tôi cũng xin thông báo, khi có những yêu cầu về thông tin, khách hàng nên tiếp xúc với trung tâm phục vụ khách hàng để có thông tin chính thức", ông nhấn mạnh.

Lý giải về chính sách ngưng tất toán trước hạn, ông Park Sung Hoo cho biết, mỗi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đều có những chính sách tín dụng khác nhau bao gồm chính sách về việc tất toán khoản vay trước hạn cho từng loại hợp đồng tín dụng cụ thể, hoặc áp dụng cho từng giai đoạn. Những chính sách này được quyết định trong nội bộ, được thực thi một cách nhất quán và có thể thay đổi ở từng giai đoạn miễn tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật và các điều khoản trong hợp đồng tín dụng.

Riêng về lãi suất, ông Park Sung Hoo nhấn mạnh, căn cứ điều 4.1, hợp đồng tín dụng cá nhân của khách hàng Phan Thanh Triều, lãi sẽ được tính trên khoản vay kể từ ngày rút vốn cho đến khi khoản vay được thanh toán đầy đủ. Do đó, ông khẳng định, lãi suất trong hợp đồng của khách hàng Triều vẫn là 1,75% mỗi tháng tính trên tổng khoản vay ban đầu.

Tuy nhiên, theo luật sư Võ Quang Vũ, Công ty luật Tân Á, cách tính lãi đều hàng tháng 1,75% mỗi tháng trên tổng số tiền vay 15 triệu đồng là không đúng luật Việt Nam. Vì trong khi số tiền gốc giảm dần hàng tháng mà lãi suất vẫn giữ nguyên. Trong trường hợp của anh Triều, nếu tính số tiền gốc tại thời điểm tháng thứ 35 chỉ còn 413.700 đồng. Vậy số tiền lãi phải đóng là khoảng 7.000 đồng (413.700 x 1,75%), nhưng công ty tính tiền lãi là 262.500 đồng, nghĩa là lãi suất lên đến 63% một tháng.

Ông Vũ cho rằng, dù là thỏa thuận nhưng việc làm này là trái với Bộ luật Dân sự Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng và có đấu hiệu vi phạm luật Hình sự. Theo quy định pháp luật, khi tính lãi chỉ được tính trên số nợ chính thức chứ không phải tính lãi trên số nợ ảo (tiền gốc đã trả giảm dần thì không được tính lãi trên số tiền đã trả).

Vậy căn cứ vào hợp đồng vay và các quy định luật thì hợp đồng vay trên thuộc loại vay dài hạn, nếu lấy mức lãi suất cơ bản của ngân hàng tương ứng với thời hạn vay x 150% cũng không vượt quá 3% mỗi tháng. Nhưng mức lãi suất tháng thứ 35 của khách hàng Triều lên tới 63%, công ty đã vi phạm khoản 1, Điều 467 Bộ luật Dân sự, theo luật sư Vũ.

Từ những phân tích trên, luật sư Vũ cho rằng dù hợp đồng trên là sự thỏa thuận của các bên nhưng điều khoản lãi suất là vi phạm luật. Do đó, áp dụng điều 128 và 135 Bộ luật Dân sự thì hợp đồng trên sẽ vô hiệu một phần (phần lãi suất).

Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại cho rằng, điều 467 của Bộ Luật Dân sự quy định mức cho vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản và áp dụng cả cho các tổ chức tín dụng là không sát với thực tế.

"Nếu họ phải cho vay “theo quy định của luật” với lãi suất không quá 150% của lãi suất cơ bản thì toàn bộ hệ thống ngân hàng mau chóng phá sản vì thua lỗ. Chính vì thế nhà băng nào cũng phải tìm cách “lách” bằng phí hay các công cụ khác", ông Nguyễn Quang A nói.

Tiến sĩ Quang A cũng nhấn mạnh, cần phải chống nạn cho vay nặng lãi. Song quy định hiện hành không chống được nạn cho vay nặng lãi mà còn làm méo mó hoạt động tín dụng nên cần phải điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế.

Theo một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, công ty tài chính là công cụ để tập đoàn điều tiết vốn và sử dụng vốn một cách có hiệu quả, thuận lợi nhất. Trong phạm vi nội bộ tập đoàn hoặc nhóm công ty có quan hệ lợi ích gắn bó thì các đơn vị này có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các công ty thành viên để tập trung vốn đầu tư.

Với tính nội bộ cao trong hoạt động nghiệp vụ công ty tài chính, vị chuyên gia này cho rằng hình thức trên có thể kiểm soát rủi ro và tập trung vốn lớn cho các dự án quan trọng trong nội bộ tập đoàn. Các lợi ích mà công ty tài chính mang lại chỉ khi nó làm đúng chức năng (tập trung cho một dự án nhất định, trong một thời gian cụ thể ). Còn nếu các công ty này cứ “mải miết” lấn sân chức năng của các ngân hàng thì sẽ khiến hệ thống tài chính quốc gia khó kiểm soát.

(VnExpress)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Rượu Vodka = cồn + nước lã
  • Khám phá vụ "rút ruột" công trình thủy lợi
  • Tràn ngập hàng lậu, hàng giả
  • Cây chuối đuổi hàng lậu
  • “Sóng ngầm” buôn lậu vùng biên (Bài 1)
  • “Sóng ngầm” buôn lậu vùng biên (Bài 2)
  • Nhà sáng chế và chuyện cực chẳng đã
  • Vidamco trốn thuế hay bị oan?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%