Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Sóng ngầm” buôn lậu vùng biên (Bài 1)

Tình trạng buôn lậu những tháng cuối năm diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng mạnh tại khu vực vùng biên thuộc các tỉnh phía Nam như An Giang, Long An, Tây Ninh.
 
Bài 1: Vàng, đô la chảy ngầm qua An Giang

Một cửu vạn được xác định là vận chuyển vàng lậu đã thoát thân ngay trước vòng phong tỏa của lực lượng chống buôn lậu, chỉ ngay sau vụ bắt giữ 1 kg vàng chuyển lậu trước đó 1 giờ đồng hồ. Thực tế này cho thấy, hoạt động buôn lậu hết sức táo tợn, tinh vi và là thách thức lớn đối với cuộc chiến chống buôn lậu trên toàn tuyến biên giới An Giang.

Cửa khẩu yên, đường biên chưa lặng

Trong những ngày giá vàng trong nước tăng trở lại và dao động quanh mức 35-36 triệu đồng/lượng, cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) khá yên ắng, chỉ lác đác vài người mua bán nhỏ qua lại bến đò tại khu vực cửa khẩu. Dưới cái nắng chang chang, người nào, người nấy nhễ nhại mồ hôi với mớ hàng tiêu dùng thông thường như bột giặt, chất tẩy rửa, đồ nhựa… Nhưng “sóng ngầm” của những đợt buôn lậu vẫn tiếp tục cuộn chảy.

Út Danh (ngụ tại An Phú, tỉnh An Giang), một tay buôn lậu đã giải nghệ, thông hiểu về cách thức hoạt động của cánh cửu vạn trên nhiều tuyến biên giới (kể cả đường sông lẫn đường bộ) cười nhạt, nói: “Cửa khẩu có vẻ bình yên, nhưng cuộc mưu sinh của dân biên giới không hề trầm lắng”. Ở đây, dân qua lại cửa khẩu toàn những người quen mặt với lực lượng kiểm soát, nhưng thỉnh thoảng cũng tuồn lọt qua vài mớ USD. Dù không nhiều, nhưng cũng kiếm sống được. Riêng dân chuyển hàng chuyên nghiệp, giá trị lớn, thì khó bắt, vì chẳng bao giờ họ qua lại đường cửa khẩu. Cánh này không đai vác cồng kềnh, vừa đi ngang về tắt, vừa phải luôn thay đổi đường đi nước bước để né tránh đám tai mắt - tức tuyến cơ sở của lực lượng chống buôn lậu. Đó toàn là những người dân nghèo làm mướn cho những tay trùm. Dĩ nhiên, không phải phi vụ nào cũng trót lọt.

Cách đây vài tháng, khi Lý Văn Um (ngụ tại ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang), một cửu vạn từng dọc ngang tuyến biên giới Tây Nam sa lưới, giới buôn lậu ở tỉnh này bị một phen rúng động. Tay cửu vạn này được thuê mang 1 khối vàng 9999 cân nặng 1 kg từ địa phận tỉnh Kandal của Campuchia về thị trấn Long Bình. Năm nay lũ thấp, nước trên sông Bình Di - chạy dọc biên giới, không chảy xiết như những năm trước. Hôm đó, chuyến đò ngang từ phía Campuchia chỉ cần vượt qua bề ngang mặt sông không đầy 100 m là tới bờ bên phía ấp Tân Khánh (thị trấn Long Bình). Khi đò chuẩn bị cập bến, hoàn tất chuyến vượt sông, cũng là lúc kết thúc “số phận” của một chuyến hàng trị giá gần 750 triệu đồng. Lực lượng chống buôn lậu xuất hiện, khống chế lái đò và yêu cầu  Lý Văn Um xuất trình các vật dụng, hàng hóa đang mang trong người. Hết đường tẩu thoát, Lý Văn Um đành giao khối vàng cho lực lượng kiểm soát buôn lậu.

Theo Cục Hải quan An Giang, sau vụ Lý Văn Um, lực lượng chống buôn lậu không phát hiện thêm vụ nào, ngay cả trong thời điểm giá vàng, đô la trong nước “leo” cao chót vót như hồi đầu tháng 11/2010. Tuy nhiên, từng là người trong cuộc, Út Danh cho rằng, các vụ buôn lậu bị phát hiện chỉ là phần nổi, trong khi “tảng băng chìm” còn rất lớn.

“Cuộc chiến” không cân sức

Không khó để lý giải vì sao các vụ buôn lậu vàng, chuyển ngân qua biên giới luôn tập trung trên tuyến biên giới huyện An Phú và thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang). Theo tiết lộ của các cửu vạn, tỉnh giáp biên Kandal là vùng đất tập trung dân giàu có, lại là vòng cung bao bọc quanh Thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Từ cửa khẩu Khánh Bình đến Phnom Penh chỉ khoảng 80 km. Lợi thế về cự ly càng khiến tuyến biên giới khu vực này bị xé nát bởi các hoạt động buôn lậu quy mô với giá trị lớn.

Khá tự tin với các biện pháp phối hợp liên ngành trong hoạt động chống buôn lậu, trong đó có kết hợp trinh sát nội - ngoại tuyến, công khai và bí mật; nhuần nhuyễn trong việc chọn thời điểm phù hợp, địa điểm thích hợp... để “cất vó”, nhưng ông Nguyễn Tấn Thành, Phó trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan An Giang), vẫn phải lắc đầu trước sự liều lĩnh, sẵn sàng đối đầu với lực lượng kiểm tra của cánh đi hàng. Còn nhớ, khi vừa bắt được Lý Văn Um tại bến đò ngang thuộc ấp Tân Khánh (thị trấn Long Bình), 1 giờ đồng hồ sau, một nguồn tin từ cơ sở cấp báo có thêm 1 vụ vận chuyển vàng khác tiếp tục vượt sông biên giới Bình Di. Khi con đò đưa cả chục khách sang sông chỉ còn cách bờ khoảng 5 m, đối tượng vận chuyển nhận ra lực lượng chống buôn lậu đang vây ráp. Nhanh như cắt, kẻ mang vàng lậu khống chế lái đò, quay đầu, rú máy chạy trở ngược sang phía Campuchia leo lên bờ trốn thoát.

Ông Thành chia sẻ, buôn lậu hiện chỉ bằng một phần rất nhỏ so với những năm trước, nhưng công tác chống và xử lý buôn lậu thì không ít gay cấn. Cũng có những trường hợp đã bắt giữ, nhưng không thể xử lý được, bởi không thỏa mãn các yêu cầu quy định trong quản lý hàng hóa qua lại biên giới. Nhiều năm làm công tác này, nhưng ngay cá nhân ông Thành cũng chưa thật sự hài lòng khi chỉ mới xử lý được những người vận chuyển thuê. Trong khi những ông trùm chủ hàng luôn trong thế “mạnh nhờ gạo, bạo nhờ tiền”, thì cánh cửu vạn nghèo hèn dù có miệng hùm gan sứa cũng không dám chỉ mặt nêu tên. Không rõ đầu nậu trả công vận chuyển bao nhiêu khi hàng lậu đi trót lọt, nhưng khi bị bắt, như Lý Văn Um cũng không chịu khai báo, mà chấp nhận đi tù.

“Bất kể nắng, mưa, đêm, ngày…, còn chênh lệch giá là còn dân đai hàng qua biên giới”, Út Danh khẳng định. Đành rằng, đó là sự đánh đổi không cân xứng, nhưng có lẽ qua đó, dân cửu vạn cũng tìm được mạch sống cho gia đình mình.

(Theo Báo đầu tư)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • “Sóng ngầm” buôn lậu vùng biên (Bài 2)
  • Nhà sáng chế và chuyện cực chẳng đã
  • Vidamco trốn thuế hay bị oan?
  • Vụ xăng pha nước lã: Phạt nặng sẽ tránh tái diễn
  • Thêm doanh nghiệp xả thải ô nhiễm ở Bình Dương
  • Kỳ án "vạch tội" cặp vợ chồng giám đốc buôn bán hóa đơn giả
  • Bóc trần gian lận tại Công ty TNHH TM gas Bình Minh
  • Bắt 16 'cao thủ' tội phạm xuyên quốc gia lừa tiền tại Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%