Vì con dấu, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Các chuyên gia đề xuất nên chăng, chế định này trong luật cần được xem xét, thay đổi?
Bệnh “nghiện”... con dấu
Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty Tư vấn KAC, kể lại câu chuyện về con dấu xảy ra tại tỉnh Hà Tây. Một công ty tìm được một đối tác Nhật Bản với mục tiêu đổi mới công nghệ. Khi hai bên ký hợp đồng liên doanh thì xảy ra sự cố. Bên Việt Nam đã ký tên, đóng dấu theo đúng quy định, dấu tròn 36 ly mực đỏ do cơ quan công an cấp. Thế nhưng, con dấu của phía Nhật Bản lại nhỏ hơn nhiều, mực dấu màu tím than, hoa văn loằng ngoằng.
Quá ngỡ ngàng trước con dấu lạ, cán bộ cơ quan nhà nước Việt Nam đã từ chối chứng thực bản hợp đồng và yêu cầu công ty Nhật Bản phải đến cơ quan sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam xác nhận con dấu. Đại sứ quán Nhật Bản trả lời là họ không thể thực hiện được việc này vì con dấu là việc tự quyết của doanh nghiệp. Công ty Nhật Bản lại được yêu cầu xin xác nhận của chính quyền Nhật Bản. Thấy chỉ mới có con dấu mà đã quá rắc rối, công ty này đành từ bỏ ý định liên doanh với phía Việt Nam.
Theo luật gia Khoát, chuyện kể trên chỉ là một trong hàng loạt vụ việc phiền phức liên quan đến con dấu. “Chúng ta đang có một tư duy hết sức sai lệch về con dấu, coi đó như một biểu hiện pháp lý của doanh nghiệp. Hậu quả là ai cũng bị nhiễm bệnh “nghiện” con dấu!”, ông Khoát trao đổi với TBKTSG.
Luật Doanh nghiệp có hẳn một điều khoản quy định về con dấu, trong đó xác định “con dấu là tài sản của doanh nghiệp”(*). Còn Nghị định 58/2001/NĐ-CP của Chính phủ thì quy định “con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”. Với những chức năng như vậy, con dấu không chỉ là tài sản mà còn tượng trưng cho quyền lực của tổ chức, doanh nghiệp. Ai muốn có quyền lực thì phải nắm giữ được con dấu.
Vì muốn chiếm giữ con dấu, cách đây năm năm đã xảy ra vụ tranh chấp căng thẳng giữa các nhóm cổ đông tại Công ty cổ phần Đay Sài Gòn. Mặc dù phải nhờ đến hai cấp xét xử của tòa án nhưng vụ việc vẫn rơi vào bế tắc. Phải tốn nhiều thời gian công sức với sự can thiệp của Chính phủ và nhiều cơ quan khác, sóng gió sau đó mới yên. Cùng thời gian trên, vụ tranh chấp con dấu giữa ban lãnh đạo cũ và mới tại Công ty cổ phần Hữu Nghị (Hà Nội) cũng không kém phần nảy lửa. Từ một tranh chấp dân sự, vụ việc bị đẩy tới mức cơ quan công an phải khởi tố vụ án hình sự về tội “chiếm đoạt con dấu”.
Gần đây nhất, nội bộ Đại học Hùng Vương cũng rơi vào cảnh xào xáo khi một bên là chủ tịch hội đồng quản trị đòi bàn giao con dấu và bên khác - hiệu trưởng nhà trường kiên quyết giữ lại “bửu bối”. Hoặc mới đây, tại Công ty Cung ứng tàu biển Hải Phòng, tranh chấp đã nổ ra do ban lãnh đạo cũ không chịu giao con dấu cho ban lãnh đạo mới vừa được đại hội đồng cổ đông bầu lên...
Bỏ hay không bỏ?
Để tránh những phiền phức không đáng có, nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại quy định về con dấu.
Tại cuộc hội thảo do VCCI tổ chức cách đây không lâu, LS. Hoàng Văn Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư VNC, nêu thắc mắc: con dấu là tài sản của doanh nghiệp nhưng nếu con dấu bị mất thì chính doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền khá cao. Khi chuyển đổi trụ sở sang nơi khác, doanh nghiệp lại phải khắc con dấu khác, vừa phiền toái vừa tốn phí.
Ở một góc độ khác, ông Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng có vẻ như chế định về con dấu của Việt Nam không giống với thông lệ quốc tế. “Rất nhiều hợp đồng của nước ngoài không hề có con dấu và người ta giải thích là con dấu chẳng quan trọng. Trong khi chúng ta không thấy có con dấu đỏ chót thì cứ cảm thấy băn khoăn”, ông Minh phát biểu. Ông cũng cho biết lúc còn đương chức, nhiều hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép vay vốn của nước ngoài đã bị làm giả con dấu, khi cơ quan an ninh đưa sang mới phát hiện ra.
Theo luật gia Cao Bá Khoát, không nên gán cho con dấu của doanh nghiệp những chức năng pháp lý quan trọng như quy định hiện hành. Con dấu, theo thông lệ quốc tế, chỉ là dấu hiệu nhận dạng, phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Con dấu rất dễ bị làm giả và xét về tính xác thực thì nó là loại xác thực kém hơn nhiều so với chữ ký, vân tay... Do đó, theo ông, nên sửa Luật Doanh nghiệp theo hướng không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu. Doanh nghiệp có thể có hoặc không có con dấu, và trong trường hợp cần có thì doanh nghiệp tự quy định đặc điểm con dấu của mình, đồng thời đăng ký bảo vệ con dấu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật sư Hoàng Văn Sơn và ông Phí Đăng Minh cũng đồng tình với đề nghị nói trên.
Trong khi đó, vẫn có một số ý kiến dè dặt. LS. Trương Thanh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải, cho biết ngân hàng nơi ông đang công tác đến nay đã ban hành tới 10.000 văn bản. Nếu không có con dấu thì rất khó để nhận biết văn bản nào được ban hành. Vì vậy, theo LS. Đức, chưa nên bỏ con dấu.
_______
(*) Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com