Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2010 tăng 1,36%

Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá trong tháng giáp Tết Nguyên đán. - tinkinhte.com
Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá trong tháng giáp Tết Nguyên đán.

Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2010 đã tăng 1,36% so với tháng trước.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2009, CPI tháng này cao hơn 7,62%, đánh dấu sự khởi đầu năm mới 2010 không mấy suôn sẻ.

Kết quả này nằm ngoài nhiều dự báo có uy tín. Chỉ chưa đầy một tháng trước, phân tích của một số chuyên gia kinh tế được VnEconomy tham vấn đều cho cùng nhận định, CPI tháng 1/2010 chỉ dao động quanh 1%.

Vì vậy, mức tăng chỉ số giá tháng này tuy đã thấp hơn con số 1,38% của tháng trước, nhưng không làm giảm lo ngại lạm phát cao, vốn đang “trốn” đâu đó trong các cân đối vĩ mô chưa cân đối suốt thời gian dài vừa qua.

Trên thực tế, CPI chưa cho thấy lực cản đủ sức kìm nén, nhưng vẫn đang “hù dọa” người tiêu dùng về mức tăng nhiều khả năng cao hơn trong tháng Tết sắp đến.

“Soi” qua loạt tác nhân dẫn tới kết quả ngoài tiên liệu này, giá gạo, thịt, cá, dầu hỏa, gas, vật liệu xây dựng và nhiều hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ thiết yếu khác đều tăng khá so với tháng trước.

Xét nguyên nhân cầu kéo, ngoài yếu tố sức mua tăng mạnh trong tháng giáp Tết, không loại trừ khả năng người bán hàng tận dụng cơ hội đẩy giá lên cao đối với rượu, bia, thuốc lá, quần áo, giày, dép, vật liệu xây dựng…

Chi phí vốn cũng điều chỉnh mạnh trong tháng này. Lãi suất vay ngân hàng thương mại đang “sốt nóng”. Bằng chứng được độc giả VnEconomy cung cấp cho thấy, sau khi cộng các loại phí, nhiều doanh nghiệp đã phải vay với lãi suất lên đến 19%/năm, thậm chí cao hơn.

Cũng trong loạt nguyên nhân đẩy chỉ số giá tăng lên, mặt bằng giá thế giới đã xác lập mức cao hơn đối với gạo, xăng dầu, gas…, trong khi thực phẩm bị cộng thêm chi phí từ mức thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi mới điều chỉnh.

Trở lại với diễn biến giá cả tháng này, chỉ số giá nhóm hàng lương thực vẫn tăng đáng lo ngại, 4,41%, chủ yếu do các hợp đồng xuất khẩu gạo ký được giá tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nới tay hơn khi chi trả cho người nông dân.

Nhưng dù mức tăng đã thấp nhiều so với tháng trước (6,88%), xu hướng giá mặt hàng lương thực vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu điều chỉnh giảm.

Thực phẩm cũng nằm trong các nhân tố kéo chỉ số giá tháng 1/2010. Chỉ số giá nhóm hàng này đã tăng 1,65% so với tháng trước, chủ yếu do chi phí sản xuất bị đội lên sau điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

Tính chung, nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống đã tăng 2,11% so với tháng 12/2009, xác lập mức cao nhất trong số 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 2,24% nhưng do quyền số chỉ chiếm hơn 3% nên tạo áp lực tăng CPI không đáng kể).

Đây cũng là động lực chính kéo chỉ số giá tháng 1/2010 tăng lên mạnh mẽ. Bởi lẽ, ngoài mức tăng cao, nhóm hàng này còn chiếm quyền số gần 40% trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI.

Chiếm quyền số lớn thứ hai, trên 10%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao thứ nhì. CPI nhóm này tăng 1,66% so với tháng trước có phần nguyên nhân do giá dầu được điều chỉnh vào ngày 4/1. Trong khi đó, gas, sắt thép… cũng tăng do giá thế giới lên cao hơn.

Ở các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại, đa số đều tăng thấp hơn mức chung. Hai nhóm đồ uống thuốc lá và may mặc mũ nón giày dép tăng trên 1%; bưu chính viễn thông giảm 0,11%; còn lại tăng dưới 0,6%.

Chỉ số giá vàng tháng 1/2010 đã giảm 2,94%; USD “hụt” giá 1,11% so với tháng trước.

(Theo Anh Quân // Vneconomy)