Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế tháng 1/2010: Lạc quan từ những con số

 Tháng đầu tiên của năm 2010, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đã khiến nhiều người lạc quan về một năm phục hồi của Việt Nam khi phần lớn các chỉ tiêu cơ bản đã vượt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và tháng trước đó.
   
Đà tăng trưởng đang trở lại

 Nếu so với tháng 12/2009 thì giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước trong tháng 1/2010  chỉ bằng 95,4% nhưng so với cùng kỳ năm trước lại tăng tới 28,4% và ước đạt 62.800 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế khi tháng đầu năm 2010 gần với dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cũng một phần do hoạt động sản xuất ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh. 

 Tính trong tháng 1/2010, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp thuộc khu vực này đạt 2,35 tỷ USD, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số sản phẩm công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng cao so với mức tăng chung của toàn ngành  như điều hòa nhiệt độ tăng tới 283%, xi măng tăng tới 91,5%, kính thủy tinh tăng 72,8%, ô tô tăng 53,8%, lốp ô tô máy kéo tăng 149%, gạch lát tăng 103,4%...

Hoạt động xuất khẩu trong tháng 1/2010 cũng có nhiều khởi sắc khi những ngành sản xuất chủ chốt vẫn giữ được đà tăng trưởng từ cuối năm 2009 và ngày càng có nhiều đơn hàng cho năm 2010. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 15 ngày đầu tiên của tháng 1/2010, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước ta đạt 336 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2009.
 
Một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể, kéo theo kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2010 ước đạt 4,9 tỷ USD, một con số khá cao so với tình hình kinh tế hiện nay. Trong đó, sắn tăng tới 142% về kim ngạch và tăng 200% về giá, than đá tăng 32% về kim ngạch và 23,8% về lượng; tiếp theo, lần lượt tính theo lượng và giá trị thì chè tăng 69% và 27%, hạt tiêu tăng 27% và 44%, gạo tăng 22,7% và 50%, hạt điều tăng 9% và 29%... Kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng tỉ lệ nhập siêu của tháng 1/2010 cũng khá cao do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đang trên đà tăng trưởng.
 
Trong tháng 1, tổng kim ngạch nhập khẩu là 6,2 tỷ USD, tăng 86,6%, đưa đến con số nhập siêu tháng 1/2010 ước lên tới 1,3 tỷ USD và bằng 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện 80-85% nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước đang phải nhập khẩu. Bên cạnh đó giá hàng hóa trên thế giới tăng với biên độ lớn so với cùng kỳ năm 2009 đã đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Đơn cử như giá xăng dầu đã tăng tới 47%, khí đốt tăng 45,6%, chất dẻo nguyên liệu tăng 41%, sợi các loại tăng tới 40%...Chỉ tính riêng phần giá hàng nhập khẩu tăng thêm đã khiến kim ngạch nhập khẩu trội lên 350 triệu USD. 

 Để thị trường tết không biến động

Một con số đang được các chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng quan tâm là chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước trong tháng 1 tăng 1,36% so với tháng 12/2009 và tăng 7,62% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng ăn uống và dịch vụ tăng mạnh nhất, tới 2,11% so với tháng 12/2009,  lương thực tăng tới 4,11%; ba nhóm hàng tăng mạnh kế tiếp đều có liên quan đến đời sống sinh hoạt của người dân. Cụ thể, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 1,66%; đồ uống, thuốc lá tăng 1,14%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,24%. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê thì giá cả tháng 1 không có nhiều biến động. Thị trường không có hiện tượng sốt giá. Hết tháng 1/2010, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 121.000 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng 12/2009. Nhu cầu tiêu dùng cao và sự tăng giá nhẹ của một số mặt hàng vào dịp cuối năm âm lịch là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thị trường không có những cơn sốt giá và công tác bình ổn thị trường đang được triển khai quyết liệt ở các bộ, ngành có liên quan.

Bộ Công Thương đã có chỉ thị và văn bản triển khai đến các Sở Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp lo đủ nguồn hàng cung ứng cho dịp Tết, Cục quản lý thị trường và Ban chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận 127 cũng đã triển khai kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn hàng giả hàng nhái cũng như ngăn chặn các hiện tượng găm giữ đầu cơ hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Hải quan các cấp phối hợp với quản lý thị trường trong chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu; hai Bộ Tài chính và Công Thương cũng đang cùng nhau thực hiện quản lý giá trong dịp Tết, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng nâng giá tùy tiện. Công tác bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán còn được các địa phương thực hiện khá quyết liệt. Hiện đã có 25 tỉnh, thành phố thực hiện tạm ứng tài chính bằng nguồn ngân sách tại chỗ cho doanh nghiệp dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết với tổng số tiền tạm ứng khoảng 949 tỷ đồng. Dự báo, số tiền này sẽ còn tiếp tục tăng theo tiến độ thực thi của các tỉnh, thành phố còn lại.

 

( Theo Công thương // Báo Thanh Hóa Online)