Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những điều bất cập tại các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi

Công nghiệp trong những năm gần đây ở tỉnh Quảng Ngãi đã có bước Phát triển, từng bước khẳng định vai trò trong quá trình thực hiện CNH, HÐH, góp phần tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Quảng Ngãi vẫn còn nhiều bất cập.

Kết quả bước đầu

Trong gần 10 năm trở lại đây, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đã tác động tích cực đến sự phát triển công nghiệp trên địa bàn. Ðến nay tỉnh đã thu hút hàng trăm dự án lớn, nhỏ vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp-làng nghề, với nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Các KCN Tịnh Phong diện tích 350 ha, Quảng Phú gần 147 ha và Phổ Phong hơn 143 ha hiện đã thu hút được 75 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu, chế biến nông-lâm-thủy sản, may mặc, da giày xuất khẩu và ngành công nghiệp nhẹ. Công nghiệp địa phương phát triển nhanh đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Công nghiệp phát triển đã thu hút được một bộ phận lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho gần 8.400 lao động, với thu nhập bình quân hơn một triệu đồng/người/ tháng. Trưởng ban quản lý các KCN Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Phát triển công nghiệp trên địa bàn đang có những thuận lợi nhất định, nhiều dự án lớn được triển khai với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ðiều này có ý nghĩa quan trọng, kích thích năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế và tác động quá trình huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào khu công nghiệp. Nhiều dự án đã đi vào sản xuất-kinh doanh có hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm gần đây đạt hơn 4.100 tỷ đồng, riêng năm 2007 đạt hơn 1.100 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá. Nếu năm 2004 kim ngạch xuất khẩu đạt 9,2 triệu USD thì năm 2007 đã đạt 21 triệu USD, dự kiến năm 2008 là 24 triệu USD...

Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp yếu kém

Ði thăm các KCN của tỉnh, chúng tôi thấy công tác quy hoạch, thu hút đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết các dự án đầu tư đều nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững. Một số doanh nghiệp được cấp phép đầu tư nhưng thiếu vốn xây dựng, đất được cấp bỏ hoang nhiều năm, rất lãng phí.

Nguyên nhân chính là trong một thời gian dài, tỉnh chạy theo số lượng dự án để sớm lấp đầy diện tích KCN. Nhiều dự án bố trí địa điểm xây dựng không phù hợp phân khu chức năng đã gây trở ngại cho việc huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Giám đốc Công ty phát triển hạ tầng các KCN Quảng Ngãi Lê Trữ khẳng định: Nhiều năm qua, công ty chúng tôi hoạt động theo mô hình sự nghiệp kinh tế có thu trực thuộc BQL các khu công nghiệp của tỉnh. Ðiều này đã làm cho công ty không đủ điều kiện pháp lý để vay vốn và không tự chủ trong việc huy động các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội ở các khu công nghiệp. Việc cho phép kéo dài thời gian miễn tiền thuê đất và phí sử dụng hạ tầng đối với các dự án đã làm cho công ty mất khả năng hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến cơ chế xin-cho. Nguồn vốn hoạt động của công ty chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hằng năm (bình quân mỗi năm tỉnh bố trí khoảng 20 tỷ đồng), do đó mức đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN hạn chế, không bảo đảm sự cân đối so với tỷ lệ thu hút đầu tư. Hiện nay chưa có KCN nào hoàn thành hơn 40% số hạng mục hạ tầng thiết yếu. Các dịch vụ tiện ích và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào các KCN còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu đối với những dự án lớn, đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật cao...

Thực tế cho thấy ở các KCN của tỉnh, dù đã hình thành gần 10 năm, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Minh chứng sự yếu kém trong KCN hiện nay là xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hình thức "cuốn chiếu". Khi có dự án đầu tư mới tiến hành đền bù, xây dựng hạ tầng. Nhiều hạng mục công trình hạ tầng trong KCN xây dựng không đến nơi, đến chốn, đã dẫn đến thiếu đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ðơn cử như các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong hiện nay đã có hàng chục nhà máy chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản, may mặc, da giày xuất khẩu và vật liệu xây dựng, nhưng cơ sở hạ tầng không bảo đảm. Nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống cấp, thoát nước, điện chiếu sáng, đường giao thông, hệ thống cây xanh một cách đồng bộ, nhưng đã qua gần bảy năm mà vẫn chưa được hoàn thiện. Hầu hết các nhà máy, đơn vị ở đây phải tự đào giếng lấy nước sinh hoạt. Nhiều công nhân nữ không dám đi làm ca đêm, vì điện chiếu sáng không có nên rất lo ngại khi tan ca về nhà. Bức xúc nhất là hệ thống xử lý môi trường nước thải và chất thải rắn trong KCN chưa được xây dựng. Hiện nay, dự án xử lý nước thải tập trung ở KCN Quảng Phú giai đoạn I, với mức đầu tư gần 14 tỷ đồng đã tổ chức đấu thầu ba lần, nhưng do công nghệ xử lý nước thải lạc hậu, tính hiệu quả không cao nên chưa triển khai xây dựng. Trên kênh Bầu Lăng, dự án thoát nước thải cho cả KCN Quảng Phú đã được đầu tư xây dựng từ năm 2004, do Công ty xây lắp Quyết Thắng trúng thầu thi công nhưng đến nay còn dở dang, khiến nước thải tù đọng quanh năm, bốc mùi hôi thối, làm ô nhiễm các giếng nước chung quanh. Hiện nay, các nhà máy trong KCN xử lý chất thải rắn và nước thải bằng cách đốt tại chỗ, làm bể tự hoại rất tạm bợ, không bảo đảm quy trình, gây ô nhiễm dòng kênh, nguồn nước sinh hoạt và khí thải độc hại, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Thiếu nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động trong các KCN. Thực tế, nguồn lao động qua đào tạo phục vụ ngành công nghiệp trong tỉnh chỉ mới đạt hơn 44%. Hiện nay, cả hệ thống chính trị đều quan tâm vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH. Tỉnh đã có cơ chế, chính sách thu hút lao động, chuyển đổi ngành nghề khi người nông dân bị thu hồi đất để phục vụ phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang "khát" nguồn lực lao động, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân lành nghề. Nhiều doanh nghiệp dù đã đi vào hoạt động nhưng vẫn thiếu công nhân. Công ty may Ðại Cát Tường dù đã tổ chức tuyển lao động, đầu tư kinh phí đào tạo ba khóa tại địa phương, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu khoảng hai nghìn công nhân may. Nhà máy may Thuyên Nguyên cần hơn 1.100 lao động, nhưng mới chỉ tuyển được 250 người. Ðáng chú ý, thời gian sau Tết, hàng chục nhà máy ở KCN Quảng Phú và Tịnh Phong hoạt động cầm chừng vì không đủ công nhân sản xuất. Một số nhà máy trong những ngày cuối tháng 2 nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động do thiếu công nhân, lao động, cá biệt có những doanh nghiệp phải đóng cửa, chưa sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Võ Văn Ðoàn, Công ty TNHH Việt Quang nói: Doanh nghiệp chúng tôi chuyên sản xuất phôi và thép xây dựng, nhưng hiện tại rất thiếu thợ. Mấy tuần liên tục thông báo tuyển lao động, với mức lương bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng vẫn chưa có người đăng ký, đang nhờ người tuyển một số lao động từ các tỉnh phía bắc vào để sản xuất trở lại. Công ty TNHH Trương Nguyễn Decor, chuyên sản xuất hàng gỗ nội thất xuất khẩu sang Úc, Ðức, mặc dù công ty đã thông báo cần tuyển lao động từ ngày mùng 6 Tết nhưng đến nay vẫn chưa đủ số lao động cần thiết để bố trí vào dây chuyền sản xuất.

Rõ ràng, với điều kiện cơ sở hạ tầng ở các KCN yếu kém; cơ chế chưa thông thoáng và nguồn lực lao động còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng nên thời gian qua, tốc độ phát triển của công nghiệp Quảng Ngãi chưa được như mong muốn. Ðể thực hiện một bước đột phá về công nghiệp, Quảng Ngãi cần tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi đối với nhà đầu tư, thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư, huy động các nguồn vốn để xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển hệ thống dịch vụ, bảo đảm phục vụ sản xuất, đời sống của người lao động trong và ngoài hàng rào các KCN. Ðồng thời bổ sung kịp thời các chính sách ưu đãi, hỗ trợ xúc tiến đầu tư. Trước mắt, cần xây dựng khu dân cư dịch vụ tiện ích phục vụ hai KCN Tịnh Phong và Quảng Phú theo hướng Nhà nước hỗ trợ kinh phí, doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.

( theo beta.baomoi )

  • Quảng Ngãi - thành tựu và những bài học kinh nghiệm sau 10 năm phát triển các KCN
  • Quãng ngãi- 5 tháng có thêm 27 dự án vào KKT Dung Quất
  • Quảng Ngãi: Điều chỉnh quy hoạch Khu Công nghiệp Quảng Phú
  • Nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi: Khủng hoảng vì thiếu công nhân
  • Những điều bất cập tại các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi