Một là, góp phần tạo vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn:
Tính đến nay, các KCN tỉnh (02 KCN Tịnh Phong và Quảng Phú) đã thu hút được 77 dự án đầu tư, trong đó có 70 dự án đang hoạt động với tổng vốn trên 1.500 tỷ đồng, sử dụng 102 ha đất công nghiệp tương ứng với tỷ lệ lấp đầy 53%, hàng năm tạo ra giá trị SXCN hàng ngàn tỷ đồng. Với một diện tích khiêm tốn (260 ha), song 02 KCN của tỉnh đã thu hút được một khối lượng lớn vốn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp. Sự gia tăng vốn vào các KCN đã góp phần quan trọng vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh, góp phần tạo tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Mặt khác, vừa kích thích năng lực đầu tư, năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế ngoài KCN thông qua tác động phản ứng dây chuyền, từ đó đã tác động tích cực đến việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
Hai là, góp phần đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động:
Dẫu còn “nhiều điều phải nói” nhưng các KCN Quảng Ngãi đã phần nào đáp ứng được yêu cầu cơ bản về hạ tầng thiết yếu ban đầu cho việc tiếp nhận, đổi mới công nghệ của các nhà đầu tư và gắn theo đó là trình độ quản lý tiên tiến. Cùng với sự phát triển các KCN, sức “hấp thu” công nghệ, trình độ quản lý cũng ngày càng gia tăng, đã kéo theo sự gia tăng năng suất lao động, làm thay đổi cơ cấu sản xuất, chất lượng, cơ cấu sản phẩm và xuất khẩu theo hướng giảm dần tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám thấp sang cao. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động trong KCN và trên địa bàn.
Ba là, góp phần tạo việc làm cho người lao động:
Đi cùng với số lượng dự án thu hút đầu tư, các KCN tỉnh đã giải quyết việc làm thực tế, ổn định cho gần 7.000 lao động với thu nhập bình quân gần 01 triệu đồng/người/tháng và kéo theo tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp cung ứng vật tư, sản phẩm và dịch vụ, đã tạo sự dịch chuyển lao động từ các vùng nông thôn đến các KCN và ngành nghề nông nghiệp từ các vùng lân cận KCN dịch chuyển dần sang dịch vụ. Những tác động dây chuyền đó đã góp phần tích cực đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị - dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bốn là, góp phần gia tăng xuất khẩu, tăng thu cho ngân sách:
Kim ngạch xuất khẩu của các KCN luôn tăng trưởng khá và luôn chiếm tỷ trọng tăng dần trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nếu năm 2004, xuất khẩu đạt 9,2 triệu USD thì năm 2006 đạt 14 triệu USD, năm 2007 đạt 18 triệu USD và thường chiếm từ 30 - 35% giá trị xuất khẩu cả tỉnh. Từ năm 2008 trở đi, xuất khẩu sẽ tăng mạnh do có nhiều sản phẩm “hướng ngoại” từ các nhà máy chế biến đồ gỗ, đá granite, ti tan, may mặc, chế biến thực phẩm… đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các KCN đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tổng số nộp cũng luôn được tăng dần, năm sau cao hơn năm trước, từ năm 2003 đến nay đã nộp hơn 500 tỷ đồng.
Năm là, đổi mới cơ chế quản lý và cải thiện môi trường đầu tư:
Cơ chế “một cửa, liên thông” đồng hành cùng hệ thống ISO 9001-2000 tại Ban Quản lý đang và sẽ tạo nên bước “đột phá” trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, làm gia tăng tính hấp dẫn cũng như tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Chính vì vậy, các KCN tỉnh ngày càng được các nhà đầu tư thứ cấp lưu tâm đầu tiên khi thể hiện ý định đầu tư vào tỉnh nhà. Sự thành công bước đầu của cơ chế “một cửa, liên thông” tại Ban Quản lý không chỉ tạo nên sự phát triển riêng cho các KCN mà còn có tác dụng góp phần cùng lan toả, làm thay đổi cơ chế quản lý và cải thiện môi trường đầu tư trong toàn tỉnh.
Một số hạn chế trong quá trình xây dựng, phát triển các KCN tỉnh:
Ngoài những điểm yếu “cố hữu” tựa như cái vòng luẩn quẩn đi cùng năm tháng đã qua, đó là: hạ tầng yếu kém, không đồng bộ - Chủ đầu tư KCN chưa huy động được vốn và công tác bồi thường, GPMB ì ạch - tiến độ xây dựng hạ tầng chậm thì một số hạn chế sau đây cũng đáng được xem xét:
- Quá trình đầu tư phát triển các KCN không tuân thủ theo qui hoạch. Vị trí lựa chọn địa điểm đầu tư KCN không thật sự kinh tế; dân cư đông đúc, vốn đầu tư xây dựng và kinh phí bồi thường rất lớn làm cho tiến độ xây dựng hạ tầng chậm từ đó đã dẫn đến sự mất cân đối giữa tỷ lệ xây dựng hạ tầng (27%) và thu hút đầu tư vào KCN (53%).
- Giải quyết cho phép nhà đầu tư tự do lựa chọn vị trí đã làm phá vỡ tính liên kết ngành theo quy hoạch, thậm chí có cả những Nhà máy trái hẳn nhau về chủng loại sản phẩm nhưng lại được cho phép sát vách bên nhau như chế biến gỗ cạnh thuỷ sản; thuỷ sản cạnh may mặc; may mặc lại cạnh vật liệu xây dựng…; Quy mô vốn của các dự án đầu tư vào KCN thấp, bình quân 1 dự án thu hút vốn đăng ký gần 20 tỷ đồng, chiếm 1,3 ha đất công nghiệp, ít dự án có quy mô lớn, chưa có dự án công nghệ cao; Việc chạy đua theo chỉ tiêu hàng năm “về số lượng dự án” trong thu hút đầu tư đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường chưa khắc phục được ở một số dự án, nhất là KCN Quảng Phú.
- Nguồn nhân lực chưa đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển bền vững các KCN cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt thiếu hẳn đội ngũ công nhân lành nghề đã qua đào tạo. Áp lực giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, dịch vụ tiện ích vui chơi giải trí, hệ thống an sinh cho người lao động luôn là sức ép to lớn đối với quá trình phát triển bền vững cho các KCN Quảng Ngãi thời gian qua.
Một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, sự nhất quán về chủ trương chính sách, nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của các KCN trong kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả hoạt động các KCN thời gian tới. Sự nhất quán này đã thể hiện rõ nét bằng các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Đề án phát triển công nghiệp của UBND tỉnh, nay cần phải được tiếp tục quán triệt để cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng chia sẻ, “đồng tâm hiệp lực” với Ban Quản lý các KCN.
Thứ hai, cần đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong mô hình hoạt động của Công ty phát triển hạ tầng các KCN dưới nhiều hình thức theo điều kiện đặc thù của từng KCN hoặc chung cho các KCN. Đây là cơ sở để huy động triệt để các nguồn vốn phục vụ đầu tư KCN và tạo quyền chủ động, trực tiếp thi công xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ KCN của các chủ đầu tư KCN nhằm giảm tải vốn hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ, đây chính là việc nên làm ngay để thực hiện “sân chơi bình đẳng” trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Thứ ba, quá trình xây dựng các KCN phải đồng bộ với quá trình tái định cư, hình thành đô thị hoá và cung ứng đầy đủ dịch vụ, tiện ích. Chính vì vậy, quy hoạch phát triển KCN phải gắn liền với qui hoạch khu tái định cư, khu đô thị - dịch vụ mới, từ đó sẽ dần tạo ra những đô thị công nghiệp, góp phần giảm các áp lực xã hội (hệ thống an sinh, nhà ở, việc làm, dịch vụ,…) trong quá trình phát triển của các KCN. Trong thời gian qua vấn đề quy hoạch và hoạt động các KCN tỉnh chỉ tập trung xây dựng hạ tầng, thu hút vốn đầu tư mà chưa quan tâm, coi trọng đến các yếu tố cần đồng bộ này. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường cũng như tính hiện đại về công nghệ của các dự án đầu tư vào KCN.
Thứ tư, qui hoạch và phát triển KCN, KCX phải gắn liền với phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển ngày càng cao của các doanh nghiệp KCN.
Thứ năm, phát triển KCN phải gắn liền với công tác đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội. Cần thiết có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý, Chủ đầu tư KCN với chính quyền huyện thị, xã phường, ngành công an, quân đội trong việc ổn định an ninh xã hội tại địa bàn có KCN. Đặc biệt, cần thành lập tổ chức chuyên trách ngay ở cấp chính quyền thấp nhất để thực thi sự chỉ đạo đồng bộ nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tạo sự an tâm “ đất lành chim đậu” cho nhà đầu tư và người lao động trong các KCN.
Cuối cùng, tiếp tục thực hiện, cải tiến cơ chế quản lý nhà nước “một cửa, liên thông” là một nhân tố quan trọng trực tiếp thúc đẩy quá trình phát triển KCN, là nhân tố không thể thiếu được trong quá trình quản lý KCN. Thực tế đã chứng minh, những năm qua nếu không có cơ chế quản lý đặc thù này thì hiệu quả hoạt động của KCN sẽ rất hạn chế. Đồng thời, quá trình xây dựng, phát triển KCN cần gắn liền với việc nghiên cứu kinh nghiệm các tỉnh đi trước. Đây cũng là bài học kinh nghiệm mang tính thực tiễn cao, là cơ sở quan trọng để bổ sung, hoàn thiện vào quá trình xây dựng các KCN tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế.