Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dư luận phản đối thuế phá giá giày da Việt Nam, Trung Quốc

Ngày 15/9, Tổ chức người tiêu dùng châu Âu và hai hiệp hội của các nhà phân phối là Tổ chức Thương mại châu Âu và Hiệp hội các nhà bán lẻ hàng thời trang châu Âu đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với giày dép da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.

Các tổ chức và hiệp hội này khẳng định biện pháp trừng phạt trên của EU vô lý và gây ra tình trạng tăng giá trên thị trường khối này.

Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 17/9 để thảo luận về việc liệu có tiếp tục gia hạn thuế chống bán phá giá 16,5% đối với giày dép da nhập khẩu của Trung Quốc và 10% với giày dép da nhập từ Việt Nam. Các biểu thuế trên sẽ hết hiệu lực vào ngày 7/10 tới, sau hai năm áp dụng.

Tổ chức người tiêu dùng châu Âu (BEUC) hiện bao gồm 41 tổ chức người tiêu dùng quốc gia, trong đó có cả các nước ngoài EU. Tổ chức Thương mại châu Âu gồm các hiệp hội thương mại và công ty của 30 nước châu Âu, đại diện cho các lĩnh vực bán lẻ, bán buôn và thương mại quốc tế của châu Âu, còn Hiệp hội các nhà bán lẻ hàng thời trang châu Âu (AEDT) đại diện cho hơn 400.000 doanh nghiệp bán lẻ hàng thời trang và giày dép châu Âu.

Bà Monique Goyens, Tổng Giám đốc BEUC, khẳng định việc gia hạn áp thuế sẽ làm giảm sức mua của những người tiêu dùng, đặc biệt là ảnh hưởng tới các gia đình thu nhập thấp.

Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Thương mại châu Âu Xavier Durieu phê phán việc đánh thuế là mang tính bảo hộ và chống lại tinh thần cạnh tranh bình đẳng trong thương mại cũng như chống lại người tiêu dùng.

Các nhà phân phối châu Âu cũng chỉ trích sự thiếu công khai trong vấn đề này, vì mặc dù chỉ còn chưa đầy một tháng quyết định áp thuế trên hết hạn, các doanh nghiệp phân phối vẫn chưa biết được điều gì sẽ xảy ra để hoạch định trước kế hoạch kinh doanh của mình.

Trước đó, ngày 4/9, Hiệp hội công nghiệp hàng thể thao châu Âu, Liên minh các hãng giày nổi tiếng châu Âu và Nhóm các nhà sản xuất giày cũng đã kêu gọi các nước thành viên EU chấm dứt 14 năm bảo hộ bằng hạn ngạch nhập khẩu và thuế chống bán phá giá.

Với những số liệu và phân tích cụ thể, những hiệp hội giày này, có thành viên là các nhà sản xuất nổi tiếng như ECCO của Đan Mạch, Adidas và Puma của Đức, Diesel và Diadora của Italy và  Camper của Tây Ban Nha, đã chính thức yêu cầu EU không rà soát cuối kỳ việc áp thuế chống bán phá giá giày da nhập khẩu của Trung Quốc và Việt Nam.

Như vậy, đến nay đã có 6 hiệp hội đại diện cho người tiêu dùng và ngành thương mại châu Âu lên tiếng yêu cầu EU chấm dứt 14 năm bảo hộ ngành giày.

Năm 2006, EU đã áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm giày da từ Trung Quốc và Việt Nam, với lý do "cạnh tranh không công bằng" do các sản phẩm này được hưởng sự bảo hộ của nhà nước. Việc áp thuế trên từng bị phản đối kịch liệt ở châu Á và vào thời điểm được áp dụng cũng chỉ nhận được sự ủng hộ của đa số tối thiểu 13/25 quốc gia thành viên EU.

( Thông tấn xã Việt Nam )