Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

Trung Quốc sắp đẩy nhanh việc sáp nhập các tập đoàn quốc doanh lớn và bán các tài sản không có tính chiến lược ở hàng loạt ngành kinh tế.
Kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc là đến năm 2010 sẽ giảm số lượng tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn từ 150 hiện nay xuống còn 80. Ông Wang Huisheng - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Nhà nước về Đầu tư và Phát triển (SDIC) - tập đoàn cổ phần lớn nhất đang đầu tư 162 tỉ nhân dân tệ (23,6 tỉ USD) vào các doanh nghiệp năng lượng, vận tải, cơ sở hạ tầng, khai khoáng và nông nghiệp - cho biết, từ trước đến nay Chính phủ Trung Quốc vẫn khuyến khích các tập đoàn tự tổ chức, sắp xếp lại nhưng công việc này diễn ra quá chậm chạp nên Chính phủ quyết định sẽ can thiệp trực tiếp, sớm nhất là ngay sau khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc. “SDIC sẽ là công cụ chính của tiến trình sắp xếp bằng cách mua lại các doanh nghiệp nhà nước để bổ sung vào lĩnh vực kinh doanh của mình, đồng thời bán ra thị trường một số doanh nghiệp SDIC đang quản lý, kể cả bán cho tư nhân và đối tác nước ngoài”, ông Wang nói. Ý kiến của ông Wang được xác nhận bởi ý kiến của ông Li Rongrong, Chủ tịch Ủy ban Điều hành và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC). Ông Li cho rằng, công cuộc sắp xếp doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy ngay trong những tháng còn lại của năm nay và không chỉ tác động đến doanh nghiệp nhà nước.
Hướng sắp xếp doanh nghiệp nhà nước là sáp nhập các công ty cùng ngành nghề thành tập đoàn lớn hơn. Ông Wang nêu ví dụ ngành năng lượng mà SDIC là cổ đông lớn, sẽ tiến hành kết hợp các công ty thượng nguồn chuyên khai thác than, vận tải than, cảng than với các đơn vị hạ nguồn như nhà máy điện để hình thành tập đoàn sản xuất năng lượng đủ sức đương đầu với những biến động về giá than đá.
Đối với thành phần kinh tế tư nhân, Trung Quốc khuyến khích sáp nhập các công ty nhỏ vào nhau bằng cách ban hành những luật lệ ngặt nghèo hơn về môi trường, lao động và bãi bỏ ưu đãi tài chính. Thời gian qua, nhiều công ty nhỏ sống sót được nhờ lợi dụng luật lệ lỏng lẻo trong lĩnh vực môi trường và lao động để sử dụng những công nghệ lạc hậu, lãng phí tài nguyên, năng lượng. Tuy nhiên, nếu việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo kế hoạch từ trên xuống dưới thì với doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ vẫn khuyến khích các chủ doanh nghiệp tự thu xếp theo điều kiện và hoàn cảnh riêng của từng doanh nghiệp.

(Theo Vinanet)