Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hiệp định về Thương mại Hàng hoá ASEAN-Trung Quốc và một số điểm cần lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam

Ngày 29 tháng 11 năm 2004, Hiệp định về Thương mại Hàng hoá ASEAN-Trung Quốc đã được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc ký kết nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN- Trung Quốc tại Viêng Chăn (Lào). Hiệp định có hiệu lực từ 1/7/2005.

             Đây là một bước tiến quan trọng thắt chặt mối quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN, Trung Quốc và bước đầu hiện thực hoá mục tiêu của các nhà lãnh đạo nêu tại Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc đã ký kết vào tháng 11/2002. Hiệp định này mở đường cho hai bên tiếp tục thảo luận, đi đến thống nhất nhiều nội dung hợp tác quan trọng khác về thương mại dịch vụ, khu vực đầu tư ASEAN – Trung Quốc. Một khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) toàn diện bao gồm hàng hoá, dịch vụ, đầu tư đang dần hình thành, mở ra cho doanh nghiệp hai bên những cơ hội và thách thức mới. Hiệp định về Thương mại Hàng hoá ASEAN-Trung Quốc qui định chi tiết các nguyên tắc quản lý xuất nhập khẩu của các thành viên, căn cứ theo Chuẩn mực chung của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nội dung cơ bản nhất của Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN – Trung Quốc là các lộ trình cắt giảm thuế quan của ASEAN và Trung Quốc và nguyên tắc hưởng ưu đãi. Có hai nhóm hàng hoá chủ yếu có lộ trình cắt giảm thuế khác nhau là Nhóm các hàng hoá cắt giảm thuế thông thường (NT) và Nhóm các hàng hoá nhạy cảm (SEL). Những điểm cần lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện Hiệp định Hiệp định về thương mại hàng hoá ASEAN – Trung Quốc không làm thay đổi quan hệ thương mại giữa Việt Nam với ASEAN. Các tác động nếu có chỉ là gián tiếp và dài hạn, thông qua tương quan trao đổi hàng hoá của Trung Quốc và ASEAN. Lý do là giữa các nước ASEAN đã cơ bản hoàn thành Chương trình CEPT thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) với lộ trình nhanh hơn nhiều so với ACFTA. Việt Nam cũng hoàn thành cắt giảm thuế theo CEPT/AFTA từ năm 2006, tức là chỉ 6 tháng sau khi Hiệp định về Thương mại hàng hoá của ASEAN và Trung Quốc có hiệu lực. Các mức thuế ưu đãi của ASEAN dành cho Việt Nam theo AFTA thấp hơn hơn mức thuế ưu đãi trong ACFTA. Vì vậy, khi xuất khẩu hay nhập khẩu hàng hoá từ ASEAN, ngoài việc có được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá của ASEAN (form D), doanh nghiệp không cần để tâm đến cam kết trong khuôn khổ ACFTA. Trong quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc, thì đây là lần đầu tiên hai nước cùng cam kết cắt giảm thuế trong khuôn khổ một hiệp định mậu dịch tự do khu vực. Xét về mức độ cắt giảm thuế, biểu thuế của Trung Quốc, số lượng các dòng thuế trên 20% chiếm khoảng 29,9% biểu thuế, từ 11-20% chiếm 32,8% và dưới 10% chiếm 37,1%. Theo lịch trình, trong vòng 5 năm Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế quan xuống 0% đối với các mặt hàng thuộc Nhóm các hàng hoá NT. Mức thuế này thấp hơn nhiều cam kết của Trung Quốc đối với các thành viên WTO. Đây là cơ hội lớn để nhiều hàng hoá Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, cơ hội này có thành hiện thực hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của doanh nghiệp nước ta trước một vận hội mới. Nhược điểm căn bản của hàng hoá Việt nam là khả năng xâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc chưa cao, chủng loại hàng hoá đơn điệu, chất lượng thiếu ổn định và hầu như không có kinh nghiệm để đưa vào trong hệ thống phân phối lớn bên trong thị trường nội địa. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là nguyên liệu như than đá, dầu mỏ, các loại quặng, gỗ, cao su chiếm khoảng 70% kim ngạch và nông sản, rau quả nhiệt đới, hải sản chiếm khoảng 20% kim ngạch. Dưới 10% kim ngạch là các sản phẩm công nghiệp, chế tạo như đồ nội thất, mạch điện tử, thiết bị điện, sản phẩm nhựa, dệt may, giày dép. Doanh nghiệp nước ta khi làm ăn với đối tác Trung Quốc vẫn mang nặng tư duy cũ, làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, ngắn hạn, thanh toán trao tay. Điển hình như trường hợp xuất khẩu rau quả tươi sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù là sản phẩm có nhiều thế mạnh, nhưng xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đang có xu hướng suy giảm giảm đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân suy giảm do thoả thuận song phương Thái Lan – Trung Quốc, miễn thuế nhập khẩu cho hoa quả của Thái Lan gây bất lợi cho hoa quả xuất khẩu Việt Nam. Thật ra, sự chênh lệch về giá trên đây không phải là yếu tố quyết định. Thoả thuận song phương Thái Lan – Trung Quốc miễn thuế hoa quả (áp dụng cho Chương 7 và 8) chỉ thấp hơn mức thuế hoa quả đang áp dụng cho Việt Nam từ 5-7% theo quy chế biên mậu, chưa kể là điều kiện giao thông, yêu cầu bảo quản đối với hàng hoá Việt Nam thuận lợi hơn nhiều so với Thái Lan. Nguyên nhân chính vẫn là cung cách kinh doanh, buôn bán thiếu tổ chức và kế hoạch dài hạn của các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta. Đã từ lâu, rau quả tươi của Việt Nam và Thái Lan đã đứng trên hai đoạn thị trường có đẳng cấp hoàn toàn khác nhau. Trong khi Thái Lan đã xâm nhập vào các kênh bán buôn, các siêu thị trong thị trường nội địa, các thành phố lớn của Trung Quốc với giá cao, nhu cầu ổn định thì Việt Nam lại vẫn tập trung chủ yếu vào thị trường biên giới, nơi có bộ phận dân cư thu nhập thấp, yêu cầu chất lượng trung bình. Một thị trường rộng lớn hơn ở các đô thị miền Đông và Tây lục địa Trung Quốc đang bị bỏ ngỏ vẫn là một tiềm năng chưa với tới của hàng hoá nước ta. Một nhược điểm khác xuất phát từ thói quen, tập quán trao đổi hàng hoá biên mậu của doanh nghiệp nước ta. Chỉ riêng hạn chế này thôi cũng đã đủ để doanh nghiệp Việt Nam không thể tận dụng lợi thế của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. Quy chế thương mại biên mậu của Trung Quốc có dành ưu đãi về giảm thuế quan bằng 50% thuế suất thông thường áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. Bù lại với lợi ích đó, quy chế biên mậu chỉ cho phép một số doanh nghiệp đầu mối của địa phương và cư dân các tỉnh phía Nam Trung Quốc gồm Vân Nam và Quảng Tây, khi giao dịch với nhà xuất khẩu nước ta. Thông thường, mọi thủ tục nhập khẩu kể cả kiểm dịch, cấp phép, thanh toán và thị trường tiêu thụ hàng đều hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nhập khẩu Trung Quốc. Doanh nghiệp xuất khẩu của ta hầu như ít hiểu biết về luật lệ, chính sách của Trung Quốc và dễ dàng bị phía đối tác gây sức ép, nhất là với các chủng loại mặt hàng mang tính thời vụ như rau quả, hải sản tươi thì hiệu quả tính được bằng ngày, giờ. Kết quả là các hoạt động xuất khẩu chủ yếu diễn ra manh mún, nhỏ lẻ, hoàn toàn bị động và phụ thuộc vào các đầu mối nhập khẩu Trung Quốc. Hàng được giao đến người nhập khẩu Trung Quốc tại biên giới, nhà xuất khẩu nước ta lại “phủi tay” để tiếp tục lo cho chuyến hàng khác, mà thiếu hẳn một tầm nhìn dài hạn, vươn sâu vào thị trường nội địa cho sản phẩm của mình. Chính sách biên mậu hiện nay của Trung Quốc cùng với các ưu đãi thuế như hiện nay sẽ không tồn tại lâu, khi Trung Quốc buộc phải tuân thủ các cam kết của WTO và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. Từ cuối năm 2003, Tỉnh Quảng Tây đã không còn áp dụng quy chế biên mậu nữa. Tuy vậy, ưu đãi biên mậu mất đi không đáng lo bằng việc cơ chế quản lý của Bạn đã đổi mới theo thông lệ quốc tế, trong khi doanh nghiệp của ta thì vẫn loay hoay với nếp kinh doanh cũ, tiến hành các giao dịch nhỏ lẻ, thiếu an toàn với đối tác Trung Quốc để lại tiếp tục gánh chịu những rủi ro, thua thiệt về mình mỗi khi thị trường bên kia biên giới có biến động bất lợi. Để ACFTA thực sự có ý nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu, nước ta cần chủ động đổi mới bắt đầu từ nhận thức về cung cách kinh doanh từ khâu sản xuất theo định hướng thị trường, nâng cấp hệ thống bảo quản, tiếp thị và quảng bá thương hiệu. Doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ về những quy định của Trung Quốc về kiểm dịch, về tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế cấp phép, thủ tục thanh toán,bảo hiểm. Một yêu cầu không thể thiếu đối với doanh nghiệp, là phải làm quen với cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ ACFTA để đủ tiêu chuẩn hưởng các ưu đãi của Khu vực mậu dịch tự do này. Cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ ACFTA (thường gọi là Form E) cho phép một hàng hoá được hưởng ưu đãi của ACFTA phải thực sự có nguồn gốc từ Việt Nam hay Trung Quốc. Trong điều kiện các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc phần lớn là các hộ gia đình nông dân, doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì việc đáp ứng những yêu cầu như trên, thậm chí chỉ là tiếp cận những thông tin chính sách mới thôi xem ra đã là rất khó khăn. Do vậy, sự liên kết, hợp tác dài hạn giữa nông dân với các hiệp hội, sự phối hợp của chính quyền địa phương và sự tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp lớn là cực kỳ quan trọng. Bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước như địa phương, trung ương để kịp thời phản ánh những khúc mắc trong cơ chế nhập khẩu của phía Bạn để tìm cách thương thảo cùng tháo gỡ, tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của nước ta. Trong bối cảnh nhập siêu của nước ta từ Trung Quốc đang gia tăng, do nhu cầu sử dụng các sản phẩm trung gian, nhập khẩu từ Trung Quốc để phát triển kinh tế trong nước, cơ hội duy nhất để thu hẹp nhập siêu là đẩy mạnh xuất khẩu của ta sang thị trường này. Hy vọng với sự đổi mới tư duy kịp thời của phía doanh nghiệp, sự hỗ trợ của chính sách của nhà nước, ACFTA sẽ thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế nước ta.

( Trung tâm thông tin Bộ Công Thương )

  • Thị trường tiêu dùng Trung Quốc hấp dẫn
  • Pháp: thu hồi giày Trung Quốc bị tình nghi gây dị ứng
  • Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gỗ nguyên liệu tại Móng Cái
  • Tình hình kinh tế Trung Quốc 9 tháng đầu năm 2008
  • Nike phủ nhận tin đồn rút đầu tư khỏi Trung Quốc
  • 2008 - năm tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc
  • Hiệp định về Thương mại Hàng hoá ASEAN-Trung Quốc và một số điểm cần lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam
  • PVN ký nhiều thoả thuận hợp tác với đối tác Trung Quốc
  • Khánh thành trung tâm phân phối hàng Trung Quốc tại EU
  • Adidas sẽ cắt giảm sản lượng ở Trung Quốc
  • Trung Quốc: 10 loại thuốc bị cấm vì quảng cáo lừa đảo
  • Tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sản xuất 20% tổng lượng giày thể thao của thế giới
  • Lạm phát tại Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống 3% trong năm 2009
  • Xuất khẩu giày dép, va li và túi xách của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sang ASEAN tăng mạnh
  • Các nhà xuất khẩu Trung Quốc hướng về khách hàng trong nước