Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Ngày 8/8/2008, tại Bắc Kinh sẽ diễn ra lễ khai mạc đại hội thể dục thể thao lớn nhất hành tinh. Kể từ khi Uỷ ban Olympic Quốc tế thông báo chính thức chọn Trung Quốc là nước chủ nhà Thế vận hội năm nay, sự kiện này đã trở thành tâm điểm của báo chí, chủ đề thường xuyên đề cập trong đời sống hàng ngày của người dân đại lục.
Số tiền Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án phục vụ Thế vận hội lên tới hàng tỉ USD. Vậy, nước này được hưởng những nguồn lợi như thế nào từ việc đăng cai Olympic?
Lợi ích từ tổ chức Olympic nói chung
Những sự kiện thể thao lớn như World Cup và Olympic thường được coi là nguồn tiềm năng cho thúc đẩy kinh tế.
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng: Những sự kiện thể thao lớn thường đòi hỏi phải có mạng lưới giao thông và thông tin chất lượng cao. Đây là việc đầu tư có tính chất lâu dài cho toàn bộ nền kinh tế. Giao thông tốt hơn sẽ góp phần giảm bớt tắc nghẽn và cải thiện hiệu quả kinh tế địa phương, đồng thời gia tăng năng lực sản xuất.
- Thu hút du khách quốc tế: Một sự kiện thể thao lớn như Olympic có thể thu hút hàng chục nghìn người trong tháng diễn ra Thế vận hôi. Du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương, điển hình trong lĩnh vực thương mại du lịch, mua sắm, khách sạn. Tuy nhiên, lượng du khách quốc tế vào thời điểm diễn ra Olympic chỉ là tạm thời.
Trung Quốc hy vọng kỳ Olympic Bắc Kinh sẽ góp phần tạo ra một ấn tượng mới về đất nước này trong lòng du khách, coi đó là một điểm đến du lịch thiên niên kỷ. Trên thực tế, Barcelona đã từng chứng kiến lượng du khách tiếp tục gia tăng sau khi kết thúc Barcelona Olympic.
- Tạo việc làm: Những sự kiện thể thao lớn đòi hỏi việc đầu tư vào xây dựng nhiều sân vận động và khách sạn. Đây là cơ hội tạo ra việc làm cho kinh tế địa phương từ bốn năm trước khi diễn ra sự kiện.
- Tăng trưởng kinh tế cao hơn: Hiện tượng này gọi là "Hiệu ứng Olympic", sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua vốn đầu tư cao hơn và lượng du khách nước ngoài nhiều hơn. Nó cũng đem lại mức thuế thu nhập cao hơn cho Chính phủ.
Và với Trung Quốc
Cơ hội vàng cho nền kinh tế
Những lợi ích tài chính của Olympic là bằng chứng rõ ràng thể hiện trong sự hăm hở nhiệt tình của hàng loạt công ty lớn như Coca-Cola, McDonald’s, Kodak và Lenovo khi "vung" hàng trăm triệu USD để gia nhập Chương trình đối tác tài trợ Olympic - hoạt động cho phép các nhà tài trợ quảng cáo sản phẩm thương hiệu của mình.
Với hơn 5 tỉ khán thính giả từ hơn 200 quốc gia và khu vực, Olympic không chỉ tạo ra làn sóng tiêu dùng ở Trung Quốc, mà còn là cơ hội vàng kinh doanh cho các công ty quốc tế cũng như trong nước vốn khát khao xây dựng thương hiệu toàn cầu và kết nối với hàng trăm triệu người tiêu dùng.
Với những tập đoàn nước ngoài muốn chinh phục thị trường khổng lồ tại Trung Quốc, Olympic là cơ hội tuyệt vời để họ trưng bày sản phẩm, dịch vụ dùng khoảnh khắc Olympic để làm đòn bẩy đạt được sự công nhận về thương hiệu và quan trọng hơn cả là xây dựng một "quan hệ" khắp Trung Quốc.
Thu nhập trực tiếp 2 tỉ USD
Đây là con số ước tính khi Trung Quốc tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008. Mức thu nhập trực tiếp này đến từ các nhà tài trợ, việc cấp phép, quảng cáo, bán vé và quyền phát thanh truyền hình.
Olympic 2008 sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh - thủ đô Trung Quốc. Cục Thống kê Bắc Kinh cho hay, tăng trưởng GDP hàng năm của thành phố giai đoạn 2005-2008 vốn chứng kiến mức đầu tư khổng lồ vào Olympic đạt 11,8%, tăng 0,8% so với giai đoạn 2001-2005.
Năm 2007, GDP thành phố đạt khoảng 132 tỉ USD, tăng 12,3% so với năm trước, nhân tố Olympic góp 1,14% vào tỉ lệ tăng trưởng. Dự báo năm nay, nhân tố này (chủ yếu từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thể thao) sẽ góp 0,85% vào tăng trưởng GDP Bắc Kinh. Tính tổng thể, các hoạt động kinh tế liên quan tới Olympic sẽ đóng góp vào GDP của thành phố giai đoạn 2004-2008 là 105,5 tỉ USD.
Bắc Kinh đã chi gần 13 tỉ Nhân dân tệ để xây dựng 31 điểm thi đấu, 45 cơ sở huấn luyện và những cơ sở khác phục vụ Olympic. Olympic ước tính mang lại lợi ích trị giá 600 tỉ Nhân dân tệ cho toàn bộ nền kinh tế.
Người dân mạnh vì kinh tế, khỏe vì môi trường
Khi các vận động viên Trung Quốc giành huy chương tại Olympic Athens 2004, các quan bar ở Trung Quốc bán bia gấp hai, ba lần với thông thường. "Mọi người đến đây và chia sẻ cảm xúc khi chứng kiến sự kiện thể thao cấp thế giới. Doanh thu của chúng tôi đã tăng gấp hai lần khi người Trung Quốc đoạt huy chương", ông Trương, một chủ quán bar tại Sanlitun nói.
CCTV-1 và CCTV-5, hai kênh thể thao của Đài truyền hình quốc gia lớn nhất Trung Quốc (CCTV), cũng được hưởng lợi với tỉ lệ người xem tăng vọt vào thời điểm phát sóng lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa hè.
Li Ning, một thương hiệu thể thao tại Trung Quốc đã bán rất chạy các trang phục kể từ khi những vận động viên Trung Quốc mặc trang phục của hãng tại lễ trao huy chương. "Rất nhiều người tới đây mua quần áo sau khi thấy các vận động viên Trung Quốc trên tivi", một trợ lý bán hàng của hãng tại Bắc Kinh nói. "Hiện nay, chúng tôi bán 20-30 bộ mỗi ngày, nhiều gấp ba, bốn lần so với mức thông thường".
Ở thành phố Quảng Châu, tiêu thụ tivi ở các cửa hàng, siêu thị điện tử lớn tăng 20%. Ngành kinh doanh sách cũng có cơ hội thu lợi. Tại thành phố Thanh Đảo, các giá chất đầy sách liên quan tới Olympic. Những hiệu sách lớn chật kín khách hàng, rất nhiều người muốn tìm hiểu lịch sự và quá trình phát triển của Olympic.
Hàng loạt ngành kinh doanh sản phẩm lưu niệm như cờ Olympic, linh vật Olympic... đều "ăn theo" thu lời.
Chưa hết, người dân Trung Quốc và đặc biệt là dân Bắc Kinh đã được hưởng nhiều ngày "trời xanh" vì nỗ lực làm giảm ô nhiễm không khí của chính quyền trước kỳ Olympic.
Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để giảm ô nhiễm không khí như đóng cửa các nhà máy xung quanh Bắc Kinh, dừng một nửa trong tổng số 3,3 triệu xe lưu thông. Bầu trời Bắc Kinh những ngày cuối tuần đã trở nên xanh hơn nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi cùng các biện pháp chống ô nhiễm.
Một quan chức Bộ Môi trường Trung Quốc cho hay, nước này sẽ bắt đầu kiểm soát tầng ozone và mức độ ô nhiễm trong năm tới, như một phần nỗ lực của chiến dịch chống ô nhiễm không khí sau Olympic.
Những lợi thế khác
Tờ Time bình luận: "Bắc Kinh cần sự thu hút quốc tế đến cùng Olympic. Đó là lý do vì sao, khi Trung Quốc tổ chức Thế vận hội mùa hè năm nay, họ sẽ theo con đường mà Hàn Quốc từng làm vào năm 1988, để chứng tỏ với thế giới một xã hội mở hơn, dân chủ hơn’’.
Olympic Bắc Kinh còn được coi là dịp để Trung Quốc giới thiệu bản sắc văn hóa ra thế giới.
Nhà kinh tế học Trung Quốc Phan Cương cho rằng, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng mạnh hơn sau Thế vận hội Olympic 2008. Theo ông, Olympic sẽ khắc họa những thành tựu lớn lao của nền kinh tế Trung Quốc với bạn bè thế giới.
Điều đó không chỉ thể hiện ở cơ sở hạ tầng hiện đại, ngành du lịch phát triển mà cả những chính sách nỗ lực đưa nền kinh tế đi lên của Chính phủ nước này.
Olympic sẽ giúp Bắc Kinh trở thành một thành phố đẳng cấp thế giới và giảm bớt những cách hiểu sai lầm của người nước ngoài về Trung Quốc, Gerhard Heiberg, Giám đốc Tiếp thị Uỷ ban Olympic Quốc tế đã nói như vậy.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bắc Kinh về Kinh tế Olympic, ông Heiberg đã sử dụng các ví dụ về Olympic Sydney 2000 và Athens 2004 để minh chứng rằng, Olympic đã làm thay đổi các thành phố, quốc gia chủ nhà thế nào.
Tổ chức Olympic 2000, Sydney đã nâng cấp cơ sở hạ tầng rất nhanh và trở thành thành phố đẳng cấp thế giới, điểm du lịch hấp dẫn. Điều tương tự đã xảy ra với Athens khi thành phố tổ chức Olympic 2004.
Với Bắc Kinh, thành phố đã sẵn sàng chứng kiến sự thay đổi lớn trong nhiều năm qua và tổ chức Olympic chắc chắn mang lại đổi thay nhiều hơn thế. Bắc Kinh sẽ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong tháng này.
Olympic là cơ hội "tự nhiên" để hình ảnh của Trung Quốc đến với báo chí quốc tế cũng như với du khách nước ngoài, mang lại sự tăng vọt trong ngành công nghiệp du lịch, đồng thời góp phần giảm bớt những cách hiểu sai lầm về Trung Quốc.
( Nguồn Vietnamnet - Kỳ Thư tổng hợp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com