Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), với dân số khoảng 1,3 tỷ người và đang có xu hướng chuộng uống cà phê, Trung Quốc hứa hẹn là một thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đoàn Triệu Nhạn cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đang nhằm vào sở thích cà phê hoà tan của người tiêu dùng Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu, với hai thương hiệu chính đã bước đầu thâm nhập thị trường đông dân này là Vinacafe à Trung Nguyên.
Đại diện các doanh nghiệp này thì nhận xét người Trung Quốc, nơi mà tập quán uống trà đã tồn tại phổ biến từ nhiều năm nay, đang có xu hướng coi uống cà phê là cách bày tỏ phong cách mới, nhất là giới trẻ tại các thành phố lớn. Trong bối cảnh đó, giá cả cạnh tranh là một lý do khiến họ lựa chọn cà phê Việt Nam.
“Trong khi một cốc cà phê được bán tại Thượng Hải, Bắc Kinh với giá tương đương khoảng 120.000 đồng Việt Nam thì một gói cà phê hoà tan Việt Nam được bán buôn chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng”, ông Phan Thanh, chuyên viên xuất nhập khẩu của Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa cho biết. Doanh nghiệp này hiện khá nổi danh tại thị trường các tỉnh Quảng Châu, Nam Ninh của Trung Quốc với thương hiệu “Vinacafe”.
Ngoài yếu tố giá, việc kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm bằng máy quang phổ, loại máy vào loại hiện đại nhất khu vực Châu Á, cũng là lý do Vinacafe giành được cảm tình của thị trường Trung Quốc.
Ông Thanh cho biết thêm, tại hội chợ thương mại ASEAN – Trung Quốc (Caexpo) được tổ chức hàng năm ở Trung Quốc, có ngày công ty bán được 4 tấn cà phê.
Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên – doanh nghiệp đã rất thành công ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu cũng đã nhắm tới thị trường khổng lồ Trung Quốc bằng động thái mở cửa hàng đầu tiên tại Nam Ninh từ năm 2006.
Số liệu của VICOFA cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc tuy số lượng chưa nhiều nhưng đang trong xu hướng tăng nhanh, đạt trên 16.000 tấn trong niên vụ 2006-2007, gấp hơn 2 lần so với niên vụ 2000-2001.
Trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn nhiều bởi, giống như nhiều nông sản khác, cà phê xuất sang Trung Quốc vẫn chủ yếu qua đường biên mậu nên khó thống kê.
Chẳng hạn như Vinacafe, dù đã được biết đến khá nhiều, hiện vẫn chưa có nhà phân phối chính thức tại Trung Quốc, chỉ được xuất khẩu qua một số đại lý lớn tại hai cửa khẩu Hà Khẩu và Đông Hưng.
Nếu thiết lập được phương thức buôn bán chuyên nghiệp hơn, cà phê Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều khả năng mở rộng tiêu thụ ở Trung Quốc , bởi “người Trung Quốc đã ưa thích thì chúng ta sản xuất không kịp bán”, đại diện Vinacafe nhận xét.
Đối với thị trường xuất khẩu nói chung, Chủ tịch VICOFA Lương Văn Tự cho rằng cà phê Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội trong một sân chơi khổng lồ do việc gia nhập WTO mang lại với hơn 5 tỷ người tiêu dùng và kim ngạch nhập khẩu trị giá khoảng 635 tỷ USD/năm.
Cũng theo ông Tự, nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới trong thời gian tới sẽ tăng khoảng 2 triệu bao mỗi năm và dự kiến đến năm 2018, sẽ vào khoảng 140 triệu bao. “Đây là cơ hội vàng đối với một quốc gia có trên 500.000 ha cà phê, mỗi năm sản xuất khoảng 16-17 triệu bao như Việt Nam”, ông Tự nói.
( Theo TTXVN )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com