Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyên gia ANZ: Có thể coi trọng tăng trưởng hơn kiềm chế lạm phát

Ông Paul Francis Gruenwald. Ảnh: T.Triều

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thay đổi về chính sách lãi suất. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Paul Francis Gruenwald, Trưởng bộ phận Kinh tế và Nghiên cứu khu vực châu Á của tập đoàn ANZ, về những vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

TBKTSG Online: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các chính sách tiền tệ của Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay?

- Ông Paul Francis Gruenwald: Chúng tôi nghĩ chính sách tiền tệ những tháng qua đã bị siết chặt do việc hỗ trợ lãi usất của Chính phủ đã không còn, trong khi lãi suất cho vay đã được giải phóng. Vì thế, mặc dù lãi suất cơ bản vẫn không thay đổi, chúng tôi nhận thấy rằng lãi suất vẫn đang trong xu hướng tăng, đã tác động làm tăng trưởng tín dụng chậm lại và tăng trưởng nền kinh tế cũng chậm lại.

Tuy nhiên, điều này trong ngắn hạn có hai tác động tích cực. Thứ nhất, nó chứng tỏ lạm phát đã đạt đến đỉnh và áp lực lạm phát sẽ giảm trong thời gian tới; và thứ hai, dường như thâm hụt thương mại cũng đã đạt đỉnh và nó gây ra những áp lực lên tỷ giá hối đoái. Nhưng thị trường ngoại hối theo nhận định của chúng tôi, đến thời điểm này đã cân bằng hơn nhiều so với năm ngoái.

Ông đánh giá thế nào về động thái cho phép tự do hóa lãi suất mới đây của Ngân hàng Nhà nước?

- Chúng tôi nghĩ điều đó tốt, bởi vì lãi suất thay vì được đặt ở mức bằng 150% lãi suất cơ bản, nó đang được điều tiết bởi thị trường. Lãi suất hiện nay đã phản ánh được cung cầu thị trường hơn là chỉ đơn giản là một chức năng của lãi suất cơ bản. Như vậy, một khi cả hệ thống điều chỉnh theo khung lãi suất mới, chúng tôi nghĩ nền kinh tế sẽ hồi phục trở lại vào những tháng cuối năm 2010.

Tuy nhiên, trong thời gian ngắn sắp tới, phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với khung lãi suất mới, tức lãi suất huy động sẽ cao hơn và linh hoạt hơn trước đây. Hành vi gửi tiền sẽ được điều chỉnh đầu tiên. Đây là một biện pháp tốt cho nền kinh tế nhưng cũng là một quá trình điều chỉnh và chúng ta phải chờ xem Việt Nam phản ứng như thế nào.

Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay xuống 12-13%/năm, trong khi cơ quan này vẫn phải kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 7%. Ông có nghĩ hai việc này sẽ thực hiện được cùng lúc?

- Nền kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng chậm hơn so với trước đây, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm và lãi suất cũng sẽ dần giảm xuống. Vấn đề cần nhìn thấy thời điểm này là điều kiện kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, và chính sách tỷ giá… phải hỗ trợ cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng Việt Nam có thể tăng trưởng 5-6% trong năm nay và mục tiêu kiềm chế lạm phát 7% là có thể đạt được.

Kinh tế Việt Nam trong quý 1 đã tăng trưởng thấp hơn dự đoán và một lần nữa chúng ta cần xem xét phản ứng của các doanh nghiệp với lãi suất mới thế nào. Lãi suất hiện đã được quyết định bởi thị trường, vì thế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thể can thiệp trực tiếp vào lãi suất cho vay nữa.

Theo ông, thời điểm này Việt Nam có nên tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát hơn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

- Một quý trước tôi sẽ trả lời là có. Tuy nhiên, dựa trên số liệu tăng trưởng kinh tế quý 1 khá thấp cho thấy lạm phát sẽ giảm dần. Chúng tôi có hai cách tính lạm phát. Cách thứ nhất là tính lạm phát kiểu chính thống cho thấy lạm phát vẫn đang tăng và hiện là 9,5%. Cách thứ hai là tính đà tăng của lạm phát, cách này cho thấy lạm phát đã chạm đỉnh và sẽ dần đi xuống, và đối với chúng tôi, đây là chỉ báo hàng đầu cho lạm phát trong tương lai. Chúng tôi thực sự cho rằng lạm phát đang trên đà giảm tại Việt Nam, vì thế mục tiêu kiềm chế nó ở mức 7% trong năm nay là có thể đạt được.

Vì thế, Việt Nam thời điểm này có thể nghiêng về hướng thúc đẩy tăng trưởng hơn là kiềm chế lạm phát vì tăng trưởng cả nước trong quý 1 khá thấp.

Xin cám ơn ông!

(Theo Thủy Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 2,88%
  • Standard Chartered bớt quan ngại về lạm phát 2010
  • Mô hình Arima với phương pháp Box - Jenkins và ứng dụng để dự báo lạm phát của Việt Nam
  • Kiểm soát lạm phát ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát lên, lãi suất xuống: Con đường nào chúng ta sẽ đi?
  • Chính phủ: Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
  • Tăng trưởng, lạm phát đều sẽ rất “nóng”
  • Chính sách tiền tệ: Sự "đánh đổi" có thực sự đáng giá?
  • Nới chỉ tiêu lạm phát: ‘8% vẫn là con số tham vọng’
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chính sách tài chính - tiền tệ và giải pháp giảm áp lực lạm phát
  • 6 nhóm giải pháp của Bộ Tài chính để kiềm chế lạm phát
  • Chuyên gia ANZ: Có thể coi trọng tăng trưởng hơn kiềm chế lạm phát
  • Dự báo lạm phát tại Châu Á tới 2011