Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạm phát lên, lãi suất xuống: Con đường nào chúng ta sẽ đi?

Mới đây, về chính sách, chỉ số lạm phát được điều chỉnh từ 7% lên 8% (tăng 1%). Lãi suất huy động phải khẩn trương điều chỉnh từ 11,5% xuống 10% (giảm 1,5%), lãi suất cho vay điều chỉnh xuống 12%.

Công thức chính sách và đời sống kinh tế

Lãi suất huy động tiền gửi đang được định hướng phải nhanh chóng giảm xuống 10%/năm. Ảnh: Phan Quang

Đó có thể xem là một phần của công thức điều hành vĩ mô trong nghị quyết 23/NQ-CP của Chính phủ đặc biệt dành cho lãnh vực hoạt động kinh doanh tiền tệ – tín dụng tại Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2010. Một công thức đã được giản lược từ những rối rắm của những đại lượng kinh tế vĩ mô của nhiều bộ ngành để chuyển thành một công thức số học đơn giản.

Theo lẽ thường, lạm phát và lãi suất là một cặp đại lượng với quy tắc bất khả phân ly và tăng giảm theo tỷ lệ thuận. Thế mà, theo công thức chính sách này: lạm phát tăng thêm 1% và lãi suất hạ bớt 1,5%. Hai đại lượng bị tách rời! Theo tỷ lệ nghịch!

Thực tế đời sống kinh tế và hành vi thị trường không phải là những tương tác, cấu thành trong một công thức đơn giản như thế.

Ngày 10.5.2010, trong một bài phỏng vấn, ông Lê Đức Thuý, chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước nhận định: “Định hướng của Chính phủ điều hành giữ lạm phát cả năm ở mức 8%, lãi suất huy động khoảng 10% hoặc hơn một chút cũng là hợp lý. Nhưng nó là hợp lý theo cách tư duy của người điều hành chính sách, chứ không phải là hợp lý theo tư duy người đi gửi tiền và của các lực lượng khách quan của thị trường”. Như vậy, tư duy hợp lý và khách quan chung của người điều hành chính sách – người đi gửi tiền – ngân hàng – thị trường là gì và ở vị trí nào?

Đời sống kinh tế và những hành vi thị trường thường có những khoảng cách với chính sách của Chính phủ. Khoảng cách này gần hay xa tuỳ theo mức độ phù hợp của chính sách với thực tế. Nhưng với phương án sắp đặt lạm phát và lãi suất theo tỷ lệ nghịch này thì có thể sẽ phải trả một giá rất cao mới kéo giảm được khoảng cách này. Từ công thức tỷ lệ nghịch này cho thấy chính sách tiền tệ vẫn bất cập ở một, hai hoặc vài khâu nào đó (thống kê, phương pháp, tư duy,...) Chính sách tiền tệ bất cập thì đời sống kinh tế bất trắc và thậm chí méo mó.

Nếu phải khẩn trương thực hiện công thức chính sách trên, hệ thống ngân hàng, đặc biệt đối với những ngân hàng thương mại cổ phần không được ưu ái bảo hộ, với vai trò chuyển tải các nguồn vốn – tín dụng qua lại trong thị trường chắc chắn sẽ phải chật vật với nhiều bất trắc và sẽ méo mó. Rủi ro lại chồng chất lên rủi ro! Rủi ro mang tính hệ thống sẽ phình lớn hơn.

Thời nào cũng vậy. Một khi hệ thống ngân hàng chật vật với những bất trắc mang tính hệ thống tự thân hoặc từ chính sách thì không những cổ đông của ngân hàng sẽ bị bất trắc mà người sử dụng dịch vụ ngân hàng (người gửi tiền và người vay tiền) cũng sẽ phải chịu bất trắc nhiều hơn. Đó là một quy ước không văn bản. Đó là kinh tế và thị trường. Thị trường bất ổn. Kinh tế mệt mỏi. Cơ hội mất đi. Thời nào cũng vậy.

“Hải đăng” lạm phát – lãi suất

Lạm phát và lãi suất là một cặp đại lượng với quy tắc bất khả phân ly và luôn tăng hoặc giảm theo tỷ lệ thuận. Lạm phát và lãi suất như hai ngọn hải đăng vần định vị đúng.

Lãi suất là yếu tố cốt lõi chi phối gần như toàn diện hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng. Lạm phát là yếu tố cơ bản có nhiều ảnh hưởng và chi phối đến mức tăng giảm của lãi suất ngân hàng. Đó là hai ngọn “hải đăng” chỉ hướng đi cho nền kinh tế nói chung và thị trường tiền tệ – tín dụng nói riêng. Và vai trò “hải đăng” đó càng thiết yếu hơn trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

“Hải đăng” lạm phát phản ảnh chính sách và điều hành kinh tế của Chính phủ và thường được điều hành thông qua một trong hai hoặc cả hai kênh chính là ngân hàng Nhà nước và bộ Tài chính. Vì vậy, vị trí của “hải đăng” lạm phát phải được đặt ở nơi có tầm nhìn tốt và cường độ chiếu sáng phải mạnh.

Để hoạt động tốt vai trò “hải đăng” lãi suất của ngân hàng và thị trường thì ngân hàng và thị trường phải luôn hướng tìm, nhìn và bám víu với “hải đăng” lạm phát – không có sự lựa chọn nào khác và không thể khác được. Khác sẽ bị lạc hướng. Ngân hàng lạc hướng. Thị trường lạc hướng. Lãi suất lạc hướng. Lãi suất lạc hướng là lãi suất thua, lỗ, và sụp đổ.

Thế nhưng, dường như cả hai ngọn “hải đăng” này vẫn chưa định vị lại được vị trí hợp lý và đúng với vai trò của nó, và cường độ chiếu sáng cũng vẫn còn chập chờn với tỷ lệ nghịch.

Đời sống kinh tế và thực tế của “người đi gửi tiền và của các lực lượng khách quan của thị trường”, như ông Lê Đức Thuý đã đề cập, đang mong chờ những chính sách và điều chỉnh hợp lý và hợp lý hơn nữa.

Tỷ lệ thuận hoặc tỷ lệ nghịch. Con đường nào ta đi và đi bằng gì? Bây giờ đã là 12 giờ khuya!

(Theo Lê Trọng Nhi // SGTT Online)

  • Năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 2,88%
  • Standard Chartered bớt quan ngại về lạm phát 2010
  • Mô hình Arima với phương pháp Box - Jenkins và ứng dụng để dự báo lạm phát của Việt Nam
  • Kiểm soát lạm phát ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát lên, lãi suất xuống: Con đường nào chúng ta sẽ đi?
  • Chính phủ: Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
  • Tăng trưởng, lạm phát đều sẽ rất “nóng”
  • Chính sách tiền tệ: Sự "đánh đổi" có thực sự đáng giá?
  • Nới chỉ tiêu lạm phát: ‘8% vẫn là con số tham vọng’
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chính sách tài chính - tiền tệ và giải pháp giảm áp lực lạm phát
  • 6 nhóm giải pháp của Bộ Tài chính để kiềm chế lạm phát
  • Chuyên gia ANZ: Có thể coi trọng tăng trưởng hơn kiềm chế lạm phát
  • Dự báo lạm phát tại Châu Á tới 2011