Diễn ra từ 4 năm nay và không làm theo kiểu "bình mới rượu cũ", việc chuyển đổi các DNNN sang mô hình công ty TNHH một thành viên sẽ hoàn thành trước 15/7. Việc cổ phần hóa các DN sẽ được tiếp tục theo đúng lộ trình.
![]() |
Tiến sỹ Phạm Viết Muôn - Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Luật Doanh nghiệp (DN) có hiệu lực từ 1/7/2006, trong vòng 4 năm, tất cả các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ phải chuyển đổi mô hình hoạt động từ theo Luật DNNN sang hoạt động theo Luật DN.
Tiến sỹ Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới DN đã giải đáp nhiều vấn đề xung quanh việc đổi mới và chuyển đổi DN.
Trong tháng 7 không còn DNNN
Tính đến trước thời điểm 1/7/2010, Nhà nước còn nắm giữ 100% vốn ở 1206 DN, trong đó chúng ta đã chuyển đổi khoảng hơn 900 DN thành công ty TNHH một thành viên. Số còn lại có thể chia thành một số nhóm.
Nhóm thứ nhất là khoảng 40 DN đã tiến hành cổ phần hóa từ trước 1/7 mà đã xác định xong giá trị DN. Nhóm này sẽ tiếp tục tiến hành cổ phần hóa.
Nhóm thứ hai là khoảng 30 DN đến 1/7 tuy chưa xác định xong giá trị DN nhưng dự kiến trong tháng 7 sẽ xác định xong thì trong năm 2010 sẽ hoàn thành thực hiện cổ phần hóa, cũng sẽ không phải chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên.
Nhóm thứ ba là khoảng 40 DN không đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 25 để chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Nhóm này sẽ phải tiến hành cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên. Nếu không sắp xếp được theo các hình thức trên thì tiến hành bán doanh nghiệp hoặc phá sản mà không cấp bổ sung vốn.
Như vậy, còn khoảng 182 DN phải chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Trong đó, đến ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chuyển 21 DN gồm các Tập đoàn, Tổng công ty 91 và Tổng công ty Quản lý vốn Nhà nước (SCIC) sang Công ty TNHH một thành viên.
Còn khoảng 160 Công ty thuộc các bộ, các ngành, địa phương, về cơ bản đến trước ngày 1/7 đã chuyển hết. Những DN còn lại sẽ chuyển đổi xong trước ngày 15/7, vướng mắc chủ yếu nằm ở thủ tục hành chính.
Như vậy, trong tháng 7 này, Việt Nam sẽ không còn DNNN như trước đây, mà chỉ còn Công ty TNHH Nhà nước một thành viên và công ty cổ phần.
Từ 1/7, doanh nghiệp VN hoạt động trên cùng một mặt bằng
Như vậy, từ 1/7, mọi DN của Việt Nam phải hoạt động theo cùng một Luật, tạo ra một mặt bằng kinh doanh bình đẳng cho các DN. Với việc các DNNN chuyển sang công ty TNHH một thành viên, Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp, DN sẽ phải nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của Luật DN.
Điểm khác biệt giữa các DNNN và Công ty TNHH một thành viên là ở mô hình quản lý, giám sát. Trước đây tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thì Hội đồng quản trị lập Ban kiểm soát, Thủ tướng chỉ bổ nhiệm Trưởng ban, còn các đơn vị thuộc Bộ, địa phương thì Bộ và địa phương quyết định, đó là kiểm soát nội bộ. Còn Công ty TNHH một thành viên không có Ban kiểm soát mà có các kiểm soát viên do chủ sở hữu quyết định. Với Tập đoàn, Tổng công ty do Thủ tướng quyết định thành lập thì Thủ tướng bổ nhiệm kiểm soát viên.
Ngoài ra, Hội đồng thành viên các DN phải xây dựng lại điều lệ cho phù hợp với quy chế Công ty TNHH một thành viên
Phấn đấu đến 2020 có 30-50 doanh nghiệp tầm cỡ khu vực
Quá trình chuyển đổi DNNN đã được chuẩn bị và diễn ra từ 4 năm nay chứ không phải bây giờ mới làm, bởi việc thay đổi, khắc phục các yếu kém trong cách quản trị doanh nghiệp cần làm từng bước. Chúng ta không làm theo “kiểu bình mới rượu cũ". DNNN phải kinh doanh có hiệu quả thực sự và chịu trách nhiệm trước Nhà nước, phải có lợi nhuận đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Chúng ta phấn đấu đến năm 2015, Nhà nước chỉ nắm giữ khoảng 500-600 DN, tập trung vào các Tập đoàn, Tổng công ty lớn. Ta cần tập trung đầu tư phát triển để đến năm 2015, có khoảng từ 5 đến 10 DN và đến năm 2020 có khoảng 30-50 DN đạt tầm cỡ khu vực về quy mô, hiệu quả, trình độ công nghệ, thương hiệu, khả năng cạnh tranh.
Bài toán của cổ phần hóa : vừa tránh thất thoát tài sản nhà nước vừa thu hút được nhà đầu tư
Việc cổ phần hóa phải có lộ trình với ưu tiên là thận trọng, vững chắc, đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội, không chạy theo số lượng. Về vấn đề này, Chính phủ đã phê duyệt lộ trình đến năm 2010 và chúng tôi đang xây dựng lộ trình cho giai đoạn 2011- 2015.
Trong 10 năm vừa rồi, chúng ta đã cổ phần hóa được gần 4.000 DN trong tổng số 5.655 DN ở thời điểm năm 2001.
Như trên đã nói, sau 1/7, DN thuộc diện cổ phần hóa mà không cổ phần hóa kịp, thì sau khi chuyển đổi sang Công ty TNHH một thành viên sẽ vẫn tiếp tục cổ phần hóa theo lộ trình sắp xếp DN.
Mục tiêu trong năm nay theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ là phải thực hiện cổ phần hóa 100 DN. Đây là những DN thực hiện cổ phần hóa sẽ có quy mô rất lớn và phức tạp, ví dụ Tổng công ty Thép, Tổng công ty Xăng dầu, Ngân hàng Đầu tư và phát triển...
Những năm gần đây, việc cổ phần hóa bị chậm lại do một số lí do.
Thứ nhất, đó là do kinh tế thế giới suy giảm, thị trường đi xuống. Thứ hai, do một số quy định hiện không theo kịp thực tế.
Chẳng hạn, trong việc xác định giá trị DN, giá trị quyền sử dụng đất do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố ngày 1/1 đầu năm. Rõ ràng đã là giá thị trường thì phải theo thị trường, chứ không phải công bố như vậy. Tuy nhiên, nếu tính giá đất cao sẽ làm giảm tính hấp dẫn của cổ phần hóa. Ví dụ, Công ty Cổ phần xăng dầu hàng không Vinapco, nếu không tính giá trị quyền sử dụng đất thì giá trị cổ phần hóa chỉ khoảng 300 tỷ, nhưng nếu tính đất đai vào thì lên đến 3.000 tỷ.
Theo thị trường là đúng, nhưng phải làm sao để có một mức giá hợp lý, vừa tránh được thất thoát tài sản Nhà nước vừa hấp dẫn nhà đầu tư.
Bộ Tài chính sẽ phải trình sớm sửa đổi Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Trong đó, quan trọng nhất là phải giải quyết được những vướng mắc đang đặt ra: chủ yếu là vấn đề xác định giá trị DN, giá trị sử dụng đất, tìm được cổ đông chiến lược, làm sao động viên người lao động mua và nắm giữ cổ phần sau khi mua v.v…
(Theo Huy Thắng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com