Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Sửa luật doanh nghiệp phải ngăn được lợi ích nhóm

“Thiếu một đại diện chủ sở hữu tập trung, duy nhất, chuyên nghiệp thì các DNNN không chỉ lâm vào cảnh oái oăm “lắm cha con khó lấy chồng” mà còn tiếp tục phải đối mặt với thực trạng đã kéo dài và gần như mạn tính là “cha chung không ai khóc””.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc Điều 172 quy định “Nguyên tắc tổ chức thực hiện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN” bị rút khỏi dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới nhất.

Sửa luật doanh nghiệp phải ngăn được lợi ích nhóm

Luật sư ông Trần Hữu Huỳnh. Ảnh: Internet.

Ông Trần Hữu Huỳnh nói: Điều 172 dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi đã đưa ra một quy định có tính bước ngoặt, mang tính cải cách thể chế: Tách chức năng của Nhà nước với tư cách là một nhà quản lý khỏi vai trò của một nhà đầu tư.

Nếu quy định này được thiết kế tốt, vai trò của Nhà nước sẽ được minh bạch hóa, bảo đảm đất nước có được một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng. Từ đó có thể động viên được sức dân, chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa chức năng quản lý của Nhà nước, đồng thời minh bạch hóa nhiệm vụ đầu tư công của Nhà nước, hạn chế được tham nhũng.

Tiếng còi quản lý không dứt khoát

. Có ý kiến lo ngại khi chuyển điều này qua luật khác sẽ lại quy định chung chung, nhất là vấn đề tách bạch chức năng chủ sở hữu và vai trò quản lý của các bộ, ngành có xu hướng trở lại tình trạng như hiện nay là các bộ, ngành “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

+ Tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã được cảnh báo từ lâu, thậm chí đã được phân tích, rút kinh nghiệm tổng kết nhiều lần, trải qua một thời gian rất dài nhưng đã không cải thiện được là bao. Giao các bộ, ngành vừa thực hiện quản lý ngành, vừa đại diện chủ sở hữu sẽ khiến tiếng còi quản lý nhiều khi không dứt khoát, minh bạch mà đá bóng trên sân nhiều khi lại thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm cụ thể.

Chúng ta đang ở trong thời đại hội nhập sâu rộng, cạnh tranh quyết liệt đến mức không chuyên nghiệp không tồn tại được. Quản lý đất nước một cách hiệu quả cũng phải chuyên nghiệp. Đầu tư kinh doanh, kể cả đầu tư công càng cần phải chuyên nghiệp. Nếu không quy định một cách rạch ròi, minh bạch các chức năng này, không phân vai một cách chuyên nghiệp, chắc chắn là khó thành công, nếu không nói là dễ thất bại.

Sửa luật doanh nghiệp phải ngăn được lợi ích nhóm

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, nếu tách chức năng của Nhà nước với tư cách là một nhà quản lý khỏi vai trò của một nhà đầu tư thì môi trường kinh doanh sẽ đảm bảo bình đẳng, công bằng hơn. Trong ảnh: Thi công một đường dây cáp ngầm tại TP.HCM. Ảnh: HTD

. Liệu việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thực sự đạt hiệu quả khi mà hành lang pháp lý để thực hiện vừa được nhen nhóm đã vụt tắt, thưa ông?

+ Nếu không sớm tách bạch hai chức năng này thì ngay cả DNNN cũng sẽ không hoạt động hiệu quả được. Chúng ta đã từng nhiều lần “kê đơn bốc thuốc” nhưng do chẩn đoán sai nên bệnh không thuyên giảm, càng nặng nề hơn. Trong đó cần nhấn mạnh bài học cơ bản nhất là phải quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và vì vậy, phải minh định chức năng của từng chủ thể.

Cần làm rõ ai tác động rút Điều 172?

. Theo ông, cần có hành động gì (ban soạn thảo, các tổ chức xã hội, Quốc hội…) để tinh thần của Điều 172 trong dự thảo Luật DN sửa đổi lần đầu không bị mất đi?

+ Kinh nghiệm làm luật cho thấy nếu không thực sự minh bạch, dân chủ và công khai thì dù một dự thảo luật có đi hết các công đoạn của quy trình làm luật thì luật đó cũng sẽ không khả thi, không có hiệu quả cao khi áp dụng.

Kinh nghiệm thứ hai là để một đạo luật có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải thảo luận thật kỹ chính sách trước khi diễn giải thành ngôn ngữ pháp lý.

Đối với chúng ta hiện nay, một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của DNNN trong điều kiện đổi mới đất nước, cải cách thể chế, tham gia các hiệp định thương mại quốc tế là tổ chức lại DNNN như thế nào trên cả hai phương diện: Thứ nhất là thành lập, tổ chức và hoạt động của bản thân DNNN và thứ hai là vai trò, nhiệm vụ, tổ chức của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân, chủ sở hữu DNNN.

Theo tôi biết, Dự thảo 3 Luật DN sửa đổi (đăng trên vibonline.com.vn) có cả một mục về “Những vấn đề chung” với năm điều rất quan trọng sau đây: Điều 170 - Vai trò và chức năng của DNNN; Điều 171 - Bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của Nhà nước; Điều 172 - Nguyên tắc tổ chức thực hiện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; Điều 173 - Quyền và trách nhiệm của Chính phủ và Điều 174 - Quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ sở hữu.

Theo tôi, về các điều luật nêu trên, kể cả Điều 172 tự dưng biến mất một cách khó hiểu trong dự thảo mới nhất, cần được tổ chức thành diễn đàn thảo luận công khai, cần lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng: người dân, DN, nhà khoa học, nhà quản lý. Cần đăng công khai quá trình thay đổi chính sách trong các dự thảo luật này, ai tác động vào sự thay đổi chính sách so với trước đó và lý do, ai tiếp tục bảo vệ và lập luận để bảo vệ, và cuối cùng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sáng kiến chính sách đó…

. Xin cảm ơn ông.

THU HẰNG thực hiện (Theo Pháp luật TP.HCM)

 

400 loại giấy phép con trong đầu tư, kinh doanh

Tại tọa đàm giải pháp tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển và tháo gỡ khó khăn cho DN vào sáng 1-8, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho biết hiện nay có quá nhiều giấy phép con.

Theo đó, số giấy phép con lên đến 400 loại. Trong đó 121 loại giấy phép kinh doanh, 81 loại chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 34 chứng chỉ hành nghề, 12 loại xác nhận vốn pháp định, 133 loại chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và 17 yêu cầu khác.

Ngoài ra, ông Hoàng còn cho biết hiện vẫn còn 368 ngành nghề đầu tư có điều kiện. “Ngoài nút thắt về giấy phép con, nhà đầu tư và doanh nghiệp còn gặp phải nhiều rào cản khác như cơ sở hạ tầng quá tải, thủ tục hành chính phức tạp, hệ thống pháp luật, chính sách chồng chéo… Đáng chú ý là khoảng cách lớn giữa các quy định pháp luật và việc thực thi chính sách ở các địa phương gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Để tháo gỡ những rào cản này, ông Hoàng cho rằng việc sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và các quy định liên quan khác vào cuối năm nay sẽ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp hơn. Theo ông Hoàng, hiện nay Bộ đang rà soát và hệ thống lại các danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để loại bỏ những giấy phép con không cần thiết và giảm số lượng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo ông Hoàng trong thời gian tới, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sẽ theo hướng chọn lọc dự án có chất lượng, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ thông tin, phục vụ nông nghiệp, kết nối hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Ngoài ra, bộ cũng có nhiều chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

T.HẰNG

Một cái xúc xích 7 bộ quản lý!

“Một cái xúc xích của chúng tôi nhưng có đến bảy bộ quản lí, đó là các Bộ Y tế, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bộ Công thương, bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Tài chính (cùng với Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan), bộ Khoa học Công nghệ và cả bộ Công an nữa”.

Ông T, Chủ tịch của một DN thực phẩm đã bức xúc chia sẻ như trên tại Hội thảo Dự báo tác động của Luật doanh nghiệp (DN) sửa đổi do VCCI tổ chức sáng 29 – 7.

Ông T dành trọn phần phát biểu của mình để chia sẻ những câu chuyện hết sức thực tế về câu chuyện quản lí doanh nghiệp hiện nay.  

Moi móc, hành là chính

Theo ông T, công ty ông đã đầu tư rất nhiều tiền vào hệ thống hệ thống xử lí nước thải môi trường nên chất lượng rất tốt. Ông kể, gần đây cảnh sát môi trường đến kiểm tra công ty của ông, qua kiểm tra, các chỉ số đều tốt nhưng cuối cùng có một đồng chí công an phát hiện khu vực dự trữ chất thải của công ty có một thùng màu xanh tập kết rác thải mà không phải chứa trong thùng màu đỏ, đồng chí này mở ra và ghi vào trong văn bản là thùng chứa không đúng màu. “Sự moi móc, hành là chính của các cơ quan quản lí là vậy, bảy bộ quản lí một cái xúc xích là quá đáng! Ở các nước họ chỉ có một Cục quản lí thực phẩm mà thôi”, ông T bức xúc nói.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ tác động nhiều hơn đối với sự ra đời của các DN mới, nhưng cũng nên quan tâm đến nửa triệu DN đang hoạt động thì thở như thế nào: “Một trong những tác động của luật DN lần này là tạo sự thông thoáng dễ thở hơn cho DN nhưng theo tôi ngoài việc sửa luật DN còn phải sửa nhiều thứ khác liên quan đến môi trường kinh doanh thì DN mới thở được”, ông T nhấn mạnh.

“Chúng tôi là DN hàng ngày phải đối phó với rất nhiều vấn đề đau đầu và gần như nhiệt huyết để đầu tư phát triển của chúng tôi suy giảm nhiều. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển như thế nào nếu trong lòng người ta không còn nhiệt huyết đầu tư. Vì vậy nhà nước phải nghĩ đấy là cốt lõi của dân tộc, phát triển doanh nhân lành mạnh. Một khi đội ngũ doanh nhân không còn nhiệt huyết nữa thì nền kinh tế có còn tương lai không!”, ông T bức xúc.

Ngoài ra ông T nêu lên một bất cập liên quan đến ngành nghề kinh doanh. Công ty thứ hai của ông là tư vấn việc mua và chế biến cá tra bằng công nghệ Đức. “Khi tư vấn chúng tôi phát hiện có những cơ hội từ nguồn tài chính nước ngoài cho ngành cá tra Việt Nam nhưng tôi không thể tư vấn vì làm vậy là vi phạm pháp luật vì trong đăng kí kinh doanh tôi không được quyền tư vấn tài chính. Rất  nhiều cơ hội chúng tôi nhìn thấy nhưng không dám làm vì luôn luôn bị đe dọa là kinh trái pháp luật, kinh doanh trái phép”, ông nói.

THU HẰNG

  • Bước lùi của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi
  • Góp ý dự thảo Luật DN sửa đổi: DNNN thành “sân sau” của các bộ?
  • Nói chuyện TPP với ông Trương Đình Tuyển - cố vấn của đoàn đàm phán các hiệp định TPP và EU
  • Kinh tế Việt Nam: một góc nhìn qua những con số
  • Giàn khoan Hải Dương 981 và kịch bản kinh tế Việt - Trung
  • “Việt Nam khó tăng trưởng tốt giữa một châu Á suy giảm”
  • Tội phạm ngân hàng gây thiệt hại bao nhiêu?
  • “Điều hành cần ưu tiên hơn nữa cho tăng trưởng”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi