Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiêu khê quy trình hợp quy

Một gian hàng đồ chơi trẻ em tại thương xá Tax, quận 1. Ảnh: Lê Toàn.

Theo quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ, từ ngày 15-4-2010, đồ chơi trẻ em khi lưu hành trên thị trường phải được dán tem hợp quy (CR). Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện quy định này tại các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất đồ chơi trẻ em vẫn chưa có sự chuyển biến nào đáng kể. Các doanh nghiệp cho rằng quy trình này quá rắc rối và phức tạp.

Rắc rối và phức tạp

Ngay sau khi quy định về việc dán tem hợp quy trên đồ chơi trẻ em chính thức áp dụng, Công ty cổ phần Nam Hoa, chuyên sản xuất đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em, đã phải lập ra “phòng hợp quy”, cắt cử bốn người để giải quyết những vấn đề liên quan đến quy định trên cho doanh nghiệp. Nhưng sau hơn một tháng, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc kinh doanh của Nam Hoa, cho biết công ty đã nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng hơn một tháng nay để họ cử người đến lấy mẫu kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai đến dù đã có lịch hẹn trong tuần rồi.

Trong khi đó, một số siêu thị, nhà phân phối sản phẩm của công ty ra thị trường đòi phải có dấu hợp quy mới nhận hàng. Dự kiến trong năm 2010 Nam Hoa sẽ tăng tỷ lệ sản phẩm tại thị trường trong nước từ 5% lên 7%, nhưng quy định mới này đang khiến doanh nghiệp chùn bước.

Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh và nhập khẩu đồ chơi cũng gặp sự chậm trễ tương tự. Một số doanh nghiệp cho rằng phòng đăng ký cấp giấy chứng nhận hợp quy của Trung tâm Kỹ thuật-Tiêu chuẩn Đo lường-Chất lượng 3 (Quatest 3) cũng như Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường -Chất lượng TPHCM không có đủ nhân sự để giải quyết vấn đề này.

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nga, chuyên nhập khẩu và phân phối đồ chơi trẻ em, cho hay công ty đã triển khai việc thực hiện quy định trên đối với hai lô hàng nhập khẩu ngay khi quy định có hiệu lực, nhưng để hoàn tất thủ tục cũng mất hơn hai tuần. Đó là chưa tính thời gian công ty phải tự đem mẫu tem CR đã được cấp đi in và dán vào sản phẩm.

Bà Bùi Thị Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Măng, chuyên nhập khẩu đồ chơi trẻ em, cũng cho rằng theo quy định, doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm ra thị trường buộc phải dán tem CR trên mỗi sản phẩm. Nhưng rắc rối ở chỗ quy trình để có được con tem CR không hề đơn giản, chưa kể mẫu mã đồ chơi quá nhiều, lên đến hàng trăm mặt hàng khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận hợp quy cho đồ chơi trẻ em mỗi lần chỉ thực hiện cho từng loại sản phẩm chứ không cho cả lô hàng. Và mỗi lần nhập hàng về, dù là mẫu cũ doanh nghiệp lại phải xin cấp giấy chứng nhận mới.

Tương tự, ông Nguyễn Trương Thanh Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăm sóc Mẹ và Em bé, cho biết với quy định hiện tại, hàng hóa nhập về doanh nghiệp phải thực hiện dán tem phụ hàng nhập khẩu, sau đó phải đợi Quatest 3 xuống lấy mẫu kiểm định. Sau khi kiểm định xong, với giấy chứng nhận hợp quy của Quatest 3 cấp, hồ sơ lại được chuyển cho Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường-Chất lượng xem xét, nếu hợp lệ chi cục mới cấp hồ sơ và mẫu tem CR. Doanh nghiệp lại tự đem mẫu tem được cấp đi in, dán vào sản phẩm.

Với quy trình trên, nếu thực hiện đúng doanh nghiệp phải mất từ một đến một tháng rưỡi. Điều đó cũng đồng nghĩa chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Hàng hóa lưu kho lâu sẽ khiến doanh nghiệp bị đọng vốn. Do vậy, khoảng một tháng nay công ty đã hạn chế nhập hàng để xem quy trình cụ thể như thế nào, ông Nguyên cho hay.

Cần giải pháp tháo gỡ

Bà Lê Hải Liễu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em và các sản phẩm bằng gỗ, cho rằng quy định về dán tem hợp quy đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học - Công nghệ là hết sức đúng đắn, góp phần đem lại sự an toàn cho trẻ em trước đồ chơi nhập lậu, hàng giả kém chất lượng có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát nghiêm nguồn hàng nhập lậu thì e rằng mục tiêu này khó đạt được.

Một số doanh nghiệp cho rằng quy trình để có được tem CR hiện nay thiếu tính thực tế. Nếu trên thị trường xuất hiện các loại tem CR giả dán trên các sản phẩm nhập lậu chưa qua kiểm tra và được cấp giấy chứng nhận hợp quy, nhất là các loại đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ra sự cố thì ai là người chịu trách nhiệm?

Bên cạnh đó, chi phí kiểm định từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng cho một mẫu sản phẩm. Có nhiều mẫu đồ chơi nhà nhập khẩu chỉ nhập về vài ba sản phẩm cùng mẫu, điều đó cũng đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ chịu thêm gánh nặng về giá.

Ông Nguyễn Thanh Vũ cho rằng sản phẩm của Nam Hoa đã có các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn đồ chơi cho trẻ em như ASTM-F963 của Mỹ, ST2009 của Nhật, EN71 của châu Âu, KPS của Hàn Quốc... nhưng vẫn phải áp dụng theo quy chuẩn của Việt Nam. Công ty có vài trăm mẫu sản phẩm khác nhau, theo quy định buộc phải đem đi kiểm nghiệm để lấy giấy chứng nhận hợp quy cho từng ấy sản phẩm, điều này đang gây khó cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trương Thanh Nguyên ở Công ty Mẹ và Bé cũng cho rằng, trên thực tế bản thân các cơ quan chức năng cũng chưa thống nhất với nhau về quy trình triển khai cũng như chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Do vậy, giữa Quatest 3 và doanh nghiệp cũng “du di với nhau” như mẫu nào trùng lặp thì bớt kiểm nghiệm. Mẫu nào đã kiểm định hoặc giống nhau thì cũng có thể cho qua.

Với những khó khăn nêu trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ chơi trẻ em cho rằng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có một quy trình đơn giản, hợp lý và dễ dàng hơn cho doanh nghiệp.

Gia hạn kinh doanh cho đồ chơi chưa có tem CR

Ngày 17-5-2010, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng có công văn hướng dẫn thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (tem CR) đối với đồ chơi trẻ em.

Theo công văn hướng dẫn, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em phải thống kê số lượng đồ chơi trẻ em đã được sản xuất trước ngày 15-4-2010 và còn tồn đọng.

Đối với hàng nhập khẩu và tồn kho trước đó, doanh nghiệp vẫn được tiếp tục kinh doanh cho đến ngày 15-9-2010. Sau ngày 15-9, số đồ chơi sản xuất trước ngày 15-4 mà không có chứng nhận hợp quy, gắn tem CR sẽ không được mua bán trên thị trường.

(Theo Khôi Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Phát triển kinh tế các tỉnh dải ven biển miền trung - Bài 1: Tăng tốc phát triển kinh tế
  • Phát triển kinh tế các tỉnh dải ven biển miền trung BÀI 2:Nhiều khó khăn, thách thức
  • Phát triển kinh tế các tỉnh dải ven biển miền Trung Bài 3 : Giải pháp nào cho miền trung "cất cánh"?
  • Kinh tế 6 tháng đầu năm: Dấu hiệu khởi sắc
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • CPI tháng 7 được dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 0,2-0,3% so với tháng 6
  • Nông nghiệp đô thị: Cần một quy hoạch bền vững
  • Ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp: Vẫn là bài toán khó
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com