Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển kinh tế các tỉnh dải ven biển miền trung BÀI 2:Nhiều khó khăn, thách thức

ND- Với đặc điểm địa hình là một dải đất hẹp, dải ven biển miền trung (DVBMT) phần lớn diện tích nằm ở sườn phía đông dốc đứng của dãy Trường Sơn, còn khu vực đồng bằng ven biển thì bị chia cắt thành nhiều đoạn bởi những dãy núi ngang nhô ra sát biển.

Hội An -điểm thu hút kháchdu lịch trong nước và quốc tế.

Ðịa hình như vậy, cộng với tác động của biến đổi khí hậu, miền trung thường xuyên là nơi "tâm bão đi qua". Một trận bão, lũ nhỏ cũng ảnh hưởng  hai đến ba tỉnh, còn với cường độ lớn có thể xảy ra trên toàn vùng. Vì vậy trong quá trình phát triển của mình DVBMT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

 Bất cập trong quá trình đô thị hóa

Tốc độ đô thị hóa ở các tỉnh miền trung diễn ra nhanh và mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), chỉ tính riêng các dự án khu đô thị mới có quy mô 20 ha trở lên, vùng duyên hải miền trung có gần 50 dự án. Ðây có thể coi là một tất yếu trong quá trình thực hiện CNH, HÐH. Những năm qua nhiều đô thị DVBMT được nâng cấp, từ loại 2 lên loại 1, thị trấn trở thành thị xã và thị xã lên thành phố... Không gian đô thị được mở rộng, quy mô hơn. Nhưng trong quá trình phát triển ấy, những dấu hiệu đáng lo ngại thể hiện tính thiếu bền vững cả về phương diện kinh tế lẫn xã hội đang dần  bộc lộ. Phần lớn các đô thị này đều hình thành từ một trung tâm hành chính hoặc ra đời từ việc chia tách đơn vị hành chính mà ở đó đầu tư của Nhà nước chiếm một tỷ trọng khá lớn. Vì thế, quá trình đô thị hóa không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái". Ðể giảm gánh nặng đầu tư xây dựng hạ tầng lên ngân sách Nhà nước và vốn ODA, một trong những cơ chế đã được áp dụng từ khi có Luật Ðất đai 2003 là "đổi đất lấy hạ tầng" dựa trên nguyên tắc đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để tạo vốn ngân sách, đầu tư hạ tầng. Ðây cũng là cách làm phổ biến của các đô thị miền trung. Từ năm 2003, số thu từ giao quyền sử dụng đất của các tỉnh miền trung đều chiếm hơn 14% số thu nội địa, nhiều địa phương chiếm từ 25 đến 50%. Tuy nhiên, cách làm này ngày càng bộc lộ những bất cập, trước hết vì đã làm chi phí đất đai trở nên đắt đỏ hơn, chi tiêu của khu vực tư vào bất động sản lớn hơn, làm giảm cầu tiêu dùng những hàng hóa khác và quan trọng hơn là giảm tích lũy của khu vực dân cư. Trong khi đó, số người giàu lên nhờ đất chỉ tập trung vào một số ít bộ phận dân cư đô thị. Lợi ích của đô thị hóa được phân chia không đồng đều cũng bắt đầu từ đây. Nhưng quan trọng hơn khi quỹ đất cạn thì nguồn thu nội địa sẽ giảm đáng kể, ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác.

 Một hệ quả khác của phát triển nóng đô thị ở khu vực này là tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động đô thị còn khá lớn. Tính riêng thành phố Ðà Nẵng, nơi đô thị hóa được đánh giá là đã có bước tiến vượt bậc nhưng tỷ lệ thất nghiệp năm 2007 vẫn là 5,02%, giảm không nhiều so với năm 2000 là 5,95%. Còn tại Phú Yên, tỷ lệ dân thành thị thất nghiệp cũng là 5,15%. Nguyên nhân là do sự phát triển khu vực công nghiệp, dịch vụ chưa tương xứng với nhịp độ đô thị hóa. Nhịp độ tạo việc làm mới từ khu vực công nghiệp và dịch vụ cũng chưa cao. Nhất là những khu đô thị mới được mở rộng từ vùng nông thôn trước đây thì tỷ lệ thất nghiệp càng cao vì công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho nông dân chưa đạt được yêu cầu. Nếu không có những giải pháp căn cơ, thì những đối tượng này có nguy cơ chỉ đứng bên lề sự phát triển đô thị...

Ngoài ra, ở tầm vĩ mô, quá trình đô thị hóa tại các tỉnh miền trung vẫn còn bất cập về quy hoạch. Các phân khu chức năng trong các khu kinh tế chưa phù hợp tốc độ, điều kiện CNH, HÐH. Như tại Phú Yên số lượng quy hoạch chi tiết xây dựng tuy đã có sự tập trung đầu tư, nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp (khoảng hơn 10%) so với đồ án quy hoạch chung xây dựng các đô thị trong tỉnh; chất lượng một số đồ án tính khả thi chưa cao; việc thực hiện quy hoạch sau phê duyệt còn bất cập giữa các ngành, các cấp; vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật không tập trung, phân tán theo từng ngành, từng cấp quản lý dẫn tới việc đầu tư không đồng bộ của hầu hết các đô thị. Theo Sở Xây dựng Phú Yên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa có quy định khung giới hạn quy mô đầu tư của dự án (về diện tích tối đa, suất đầu tư trên đơn vị diện tích đất...) áp dụng cho từng vùng nên có những dự án đầu tư diện tích quá lớn hàng nghìn ha, dẫn đến khó khăn trong quản lý quy hoạch xây dựng, phân vùng dự án. Việc quản lý đầu tư xây dựng, thiết kế kiến trúc công trình của một số dự án vốn ngân sách thuộc ngành dọc còn bất cập, chưa thống nhất, đồng bộ với quy hoạch xây dựng của địa phương... Ðặc biệt việc quy hoạch sắp xếp bố trí hệ thống dân cư nông thôn hiện nay của DVBMT chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp lồng ghép với chương trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và tình hình lũ bão xảy ra thường xuyên. Rất nhiều các khu dân cư hình thành từ lâu đời nằm dọc theo lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Gianh, sông Thu Bồn, sông Trà Bồng, sông Trà Khúc...; một số khu dân cư tập trung tại các đồng bằng ven biển và các cửa sông. Ngoài ra còn có một số lượng dân cư nằm ở ven hoặc trên các triền núi và trên núi. Việc lấn sông, biển để xây dựng các công trình công nghiệp, dịch vụ - du lịch ở nơi có nguy cơ cao về lũ, lụt triều cường và sạt lở làm cho công trình luôn bị đe dọa, vừa tốn nhiều tiền của, công sức cho việc duy trì, bảo vệ. Một trong những nguyên nhân khiến việc đối phó với bão lũ khó khăn hơn là các địa phương tiến hành xây dựng nhiều tuyến giao thông, san lấp các ao hồ, vùng trũng xây dựng các khu đô thị, nhà ở cắt ngang đường thoát lũ khiến việc thoát nước khó khăn, mức độ ngập lụt khi mưa bão ngày càng trầm trọng.

Hợp tác du lịch, chủ yếu vẫn còn trên giấy

Ðược coi là một thị trường du lịch đầy tiềm năng, nhưng du lịch miền trung hoạt động mang nặng tính manh mún, nhỏ lẻ. Việc khai thác mới chỉ là một dấu chấm nhỏ so với lợi thế to lớn. Ðơn cử như "Con đường di sản miền trung", đây là mô hình liên kết du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp nhưng đến nay, mô hình này vẫn chưa phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch dù vẫn khai thác các điểm đến nhưng chỉ giới hạn trong việc đi theo "tour" riêng lẻ, doanh nghiệp nào biết doanh nghiệp đó, địa phương nào biết địa phương đó mà không hề có một quy chuẩn cho thương hiệu này. "Con đường di sản miền trung" vì thế đến giờ vẫn gập ghềnh đường đi và điểm đến. Nói về lĩnh vực này, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Lê Văn Giảng chia sẻ: Chưa nói đến con đường di sản miền trung, mà ngay như tam giác du lịch Huế - Hội An - Mỹ Sơn dù đã được các địa phương bàn thảo và ghi nhớ nhưng hiệu quả vẫn chưa nhìn thấy, một quy chế ràng buộc chắc chắn vẫn chưa có. Huế vẫn làm theo kiểu của Huế, Hội An làm theo kiểu Hội An, và Mỹ Sơn cũng vậy. Một đơn vị điều hành có thể đứng ra bao quát sự phối hợp giữa các địa phương cũng chưa có. Cho nên phải nhìn nhận thực tế là những tour du lịch hiện nay vẫn còn đơn điệu và nghèo nàn, sản phẩm du lịch cũng trùng lắp khá nhiều giữa các địa phương. Bản thân du khách cũng không có được những cảm nhận tách biệt về từng vùng đất mình đến cho nên thiếu sức cuốn hút bền lâu. Không ít cuộc hội thảo đã được tổ chức để chính quyền các địa phương bàn với nhau về sự hợp tác nhưng dường như tất cả các ký kết, thỏa thuận chỉ mới là trên giấy. Chính vì vậy, mục tiêu của ngành du lịch là năm 2010 sẽ thu hút 2,5 triệu khách du lịch quốc tế và 12 triệu khách du lịch nội địa đến với khu vực miền trung vẫn khó khả thi. Ðấy là chưa kể nếu mục tiêu này có thành hiện thực thì theo đánh giá, vẫn là chưa tương xứng với những tiềm năng của vùng.

Thiếu liên kết trong phát triển các KKT

Cũng như du lịch, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở miền trung với nhiều kỳ vọng đánh thức một vùng đất mưa, nắng khắc nghiệt đang gặp phải những hạn chế. Dung Quất tuy đạt được những thành quả nhất định, nhưng diện mạo về một KKT đa chức năng vẫn chưa rõ nét để trở thành động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Ðặc biệt, với lực lượng lao động trực tiếp chỉ 12.000 người tại các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất, tương đương 1% số dân tỉnh Quảng Ngãi thì nhiệm vụ tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là nông dân mất đất sản xuất vẫn chưa đạt yêu cầu. Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất Nguyễn Xuân Thủy trăn trở: Hiện cả nước đã có 15 KKT được thành lập với những cơ chế, chính sách đầu tư tương tự Dung Quất  cho nên sự cạnh tranh trở nên gay gắt, nhất là ngành nghề và nguồn vốn đầu tư. Nếu không có những bước đi mạnh mẽ, cơ chế chính sách ổn định và phù hợp tùy từng thời điểm thì Dung Quất sẽ mất dần vai trò tiên phong vốn có của mình.

Ngoài KKT Dung Quất, Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai cũng đang đi những bước chậm chạp và thiếu tính đột phá. Với tổng diện tích hơn 32.000 km2, trải dài hơn 30 km từ thành phố Tam Kỳ đến hết huyện Núi Thành (giáp Dung Quất của Quảng Ngãi) nhưng hiện KKT này mới chỉ được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng (chủ yếu là các trục giao thông trong KKT) cho nên chưa đáp ứng được những yêu cầu của nhà đầu tư. Ðến nay, chỉ có doanh nghiệp lắp ráp ô-tô Trường Hải là thành công nhất tại KKT này. Những kỳ vọng của người dân trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập đang dần phai nhạt trước cảnh tượng ngổn ngang của những dự án dở dang tại KKTM Chu Lai.

Dù những bất cập không hoàn toàn giống nhau, nhưng sự phát triển chậm, thiếu đồng bộ của các KKT tại DVBMT có thể nhìn thấy từ ba nguyên nhân.

Một là, các địa phương đồng loạt đề xuất thành lập quá nhiều KKT, KCN, khu chế xuất. Ngoài các KKT động lực của DVBMT là Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội, Vân Phong, Chân Mây - Lăng Cô, Nghi Sơn, Vũng Áng... trong giai đoạn 2006-2010 có tới 21 KCN, Khu chế xuất đã và đang được triển khai, ngoài ra còn có một số cụm công nghiệp vừa và nhỏ được hình thành. Trong khi khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng phát triển chậm và không có tính đột phá.

Hai là, mô hình, cơ chế, chính sách phát triển của các KKT còn lúng túng và chưa đồng bộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ðinh Văn Thu cho rằng: Trong quá trình phát triển, những cơ chế chính sách hy vọng sẽ được áp dụng tại Chu Lai đã không có điều kiện thực thi. Một "đặc khu kinh tế" là "phòng thí nghiệm cho những cải cách thể chế và thực nghiệm các chính sách mới" vẫn chưa thực hiện được. KKTM Chu Lai chỉ được áp dụng những chính sách ưu đãi cao nhất của cơ chế áp dụng cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chứ chưa có những cơ chế ưu đãi thật sự thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính vì vậy Chu Lai không thu hút được đầu tư như mong muốn. Ðặc biệt, đã thiếu hẳn những dự án động lực như kiểu Nhà máy lọc dầu tại KKT Dung Quất. Chính vì vậy KKTM Chu Lai chưa làm tròn sứ mệnh của mình, chưa thật sự mở để thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ.

Ba là, sự liên kết lỏng lẻo và thiếu khoa học giữa các KKT nói riêng và giữa các địa phương nói chung. Ðiều đó đã dẫn đến sự chồng chéo trong phát triển các ngành công nghiệp, xé lẻ lực lượng lao động, phân tán đầu tư. Ðồng thời là sự lãng phí khi các khu công nghiệp không được lấp đầy, hoặc lấp đầy không đúng dự kiến ngành nghề và nguồn vốn; các cảng biển không phát huy hết công suất; số lao động được giải quyết việc làm sau thu hồi đất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến kỳ vọng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn vùng...

  • Phát triển kinh tế các tỉnh dải ven biển miền Trung Bài 3 : Giải pháp nào cho miền trung "cất cánh"?
  • Kinh tế 6 tháng đầu năm: Dấu hiệu khởi sắc
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • CPI tháng 7 được dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 0,2-0,3% so với tháng 6
  • Nông nghiệp đô thị: Cần một quy hoạch bền vững
  • Ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp: Vẫn là bài toán khó
  • Việt Nam nhiều cơ hội cho nhà đầu tư
  • Rắc rối …tạm trữ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi