Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công tác phòng chống tham nhũng và các giải pháp của chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020

Phòng chống tham nhũng (PCTN) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Vì thế ngay từ đầu năm 2009, Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác năm 2009 và đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua.     

Tuyên truyền về PCTN được đẩy mạnh

Công tác tuyên truyền, giáo dục tiếp tục được các cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện gắn với Bước 2 của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về chống tham ô, lãng phí, quan liêu, sửa đổi lối làm việc và cải cách hành chính.

Việc tuyên truyền, giáo dục về pháp luật PCTN được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức các cuộc thi, hội nghị tập huấn; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về PCTN; xây dựng các chuyên đề; phát hành các bản tin, tài liệu tuyên truyền về PCTN; biểu dương gương người tốt việc tốt trong PCTN. Điển hình như Bộ Tài chính tổ chức 2 lớp bồi dưỡng về kiến thức PCTN và thực hành tiết kiệm cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành; tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật PCTN với 92.000 bài dự thi. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tổ chức biểu dương 10 gương mặt điển hình trong PCTN khu vực phía Bắc và hiện đang chuẩn bị tổ chức cuộc gặp mặt với các cá nhân có thành tích PCTN tại TP Hồ Chí Minh. Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức thành công cuộc thi Ngày Sáng tạo Việt Nam 2009 về nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng và đã trao giải cho 25 đề án xuất sắc, có tính sáng tạo, khả thi và có khả năng nhân rộng để cấp kinh phí triển khai thực hiện.

Tổ chức đối thoại về PCTN với các đối tác phát triển quốc tế

Trong tháng 5 năm 2009, TTCP, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại với các đối tác phát triển quốc tế về PCTN với chủ đề “PCTN trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng”. Qua hai phiên họp, Việt Nam đã nhận được các ý kiến bình luận từ các đối tác phát triển quốc tế về các vấn đề mà Việt Nam đã làm được và các vấn đề còn bất cập trong công tác PCTN. Đồng thời qua đây, Việt Nam đã lĩnh hội được các kinh nghiệm quốc tế về PCTN trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và khuyến nghị ứng dụng kinh nghiệm đó để nâng cao hiệu quả PCTN trong đầu tư xây dựng như: Kinh nghiệm và khuyến nghị của Ngân hàng thế giới, Bộ phát triển quốc tế Vương quốc Anh về sáng kiến minh bạch trong ngành xây dựng; kinh nghiệm và khuyến nghị của Chương trình viện trợ phát triển úc về sử dụng cách tiếp cận chuỗi giá trị, xác định những điểm yếu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dễ xảy ra tham nhũng; kinh nghiệm và khuyến nghị của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về biện pháp CTN trong các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến vốn vay ODA...

Thể chế về PCTN tiếp tục hoàn thiện

Công tác hoàn thiện thể chế phục vụ PCTN tiếp tục được Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng quan tâm thực hiện. Ngày 12/5/2009, Chính phủ ra Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược. TTCP phối hợp cùng Văn phòng Ban Chỉ đạo ở Trung ương về PCTN và các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để trình Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về PCTN. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đang phối hợp với ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xây dựng Quy chế Phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng “Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình”. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong hoạt động. Nhiều Bộ, ngành đã tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm công khai giải quyết những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, bưu chính - viễn thông, khoa học công nghệ. Bộ Nội vụ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Tham nhũng có bước kiềm chế

Trong quý I/2009, TTCP ban hành 7 kết luận thanh tra; phát hiện giá trị sai phạm là 11.124 tỷ đồng, 149.889 USD; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 1.157 tỷ đồng, 149.889 USD; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 7.035 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 11 tập thể, 24 cá nhân và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 3 vụ việc. TTCP phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình kê khai tài sản, thu nhập, ban hành quy tắc ứng xử, thực hiện công khai, minh bạch trong các cơ quan, tổ chức và việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật PCTN tại 4 bộ, ngành Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng thời gian, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cả nước đã khởi tố 65 vụ án/135 bị can (giảm 5,79% số vụ và 15,6% số bị can so với cùng kỳ năm 2008); truy tố 84 vụ / 233 bị can (giảm 10,6% về số vụ và 11% về số bị can so với cùng kỳ năm 2008); xét xử 63 vụ/157 bị cáo (giảm 22% số vụ và 26,3% số bị cáo so với cùng kỳ năm 2008).

Các giải pháp về PCTN được thực hiện đồng bộ

Các giải pháp về PCTN đã được thực hiện như: Công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; xây dựng quy tắc ứng xử; công tác cải cách hành chính... đã được triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành và các điạ phương.

Có thể nói, những tháng đầu năm 2009, công tác PCTN đã có nhiều chuyển biến tích cực, tham nhũng có bước kiềm chế. Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn một số hạn chế như việc hoàn thiện và ban hành một số văn bản phục vụ công tác PCTN còn chậm so với kế hoạch đã đề ra; công tác triển khai thực hiện các quy định về PCTN ở một số Bộ ngành, địa phương chưa nghiêm túc, một số vụ án tham nhũng xử lý chậm...

Để công tác PCTN đạt kết quả cao hơn và tiến tới đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc trong đó cần tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cùng các giải pháp chủ yếu của chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020.

Một số nhiệm vụ

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, gắn với bước 2 của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, xây dựng và ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế về PCTN theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng trong PCTN; Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Hoàn thành các thủ tục, cần thiết, sớm trình Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và sửa đổi, bổ sung pháp luật theo yêu cầu của Công ước trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

 Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản đã được ban hành như: Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 theo kế hoạch đã đề ra; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Bộ Công an, TTCP, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong PCTN.

Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa tham nhũng trong thời gian qua, nhất là những quy định có nhiều vướng mắc khi thực hiện như: quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; quy định về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng để kịp thời tháo gỡ.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, tuy tố, xét xử và sự phối hợp của các cơ quan pháp lụât trong việc xét xử các vụ việc.

Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người có thành tích trong PCTN.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo về PCTN và các đơn vị chuyên trách về PCTN từ Trung ương đến địa phương.

Giải pháp của chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020

Chiến lược đề ra gồm có 5 nhóm giải pháp khá toàn diện và đồng bộ:

Thứ nhất, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật.

Trọng tâm của nhóm này là các hoạt động nhằm tiến tới minh bạch hoá quá trình soạn thảo, trình, ban hành chính sách, pháp luật cũng như qúa trình chuẩn bị, trình ban hành quyết định, văn bản hành chính; thực hiện các quy định của Luật PCTN về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức ở tất cả các ngành, các cấp...; xây dựng thể chế đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân; công khai minh bạch các quyết định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án...

 

Trong 5 tháng đầu năm 2009, có thêm 12 Bộ, ngành Trung ương và 6 địa phương báo cáo đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ; có 27 Bộ, ngành Trung ương và 15 địa phương báo cáo hoàn thành việc kê khai bổ sung tài sản, thu nhập năm 2008.

Đến nay, 19/38 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã ban hành và thực hiện quy định về danh mục các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tại các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, trong quý I/2009 có thêm 58 cơ quan, đơn vị thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 421 cán bộ, công chức.

Thứ hai, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ

Nhóm giải pháp này gồm các hoạt động nhằm làm rõ việc phân công, phân cấp, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý; hoàn thiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; tăng cường giáo dục liêm chính, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện cơ chế về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị, tổ chức do mình quản lý, phụ trách.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch

Các hoạt động của nhóm giải pháp này bao gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách về hải quan, tín dụng, xuất nhập khẩu để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; thực hiện các chính sách kinh tế đối với doanh nghiệp hạch toán chính xác, trung thực các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Nhóm giải pháp này cũng đưa ra các biện pháp nhằm tạo điều kiện để các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội làng nghề tham gia vào việc xây dựng chính sách, pháp luật...

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng

Nhóm giải pháp này gồm các hoạt động như nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thanh tra theo hướng làm rõ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra Nhà nước phân định rõ thanh tra theo cấp hành chính và thanh tra theo ngành, lĩnh vực; tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra; tăng cường hiệu lực thi hành các kết luận của cơ quan thanh tra; đồng thời cũng đặt ra hoạt động sửa đổi; bổ sung hệ thống pháp luật về kiểm toán nhằm phân định phạm vi hoạt động giữa kiểm toán Nhà nước với thanh tra tài chính. Đối với việc PCTN nhóm giải pháp này đề ra việc nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi pháp luật theo hướng tăng hình thức phạt tiền; miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt đối với những đối tượng đã thực hiện hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả; hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng; bổ sung quy định nhằm ngăn chặn việc tẩu tám, bảo đảm cho việc thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có; bên cạnh đó phải đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCTN...

Thứ năm, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong PCTN

Nhóm gải pháp đề cập tới việc đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về biểu hiện, tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN. Đặc biệt, phát huy vai trò của báo chí trong công tác PCTN; đảm bảo việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các vụ việc tham nhũng cho các cơ quan báo chí.../.

( Theo Huy Anh // Báo Kinh tế và Dự báo )

Bài thuộc chuyên đề: Việt Nam: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020

  • Khẳng định hiệu quả của gói giải pháp kích cầu
  • Điểm lại các cây cầu dây văng Việt Nam
  • Những “siêu thị” lề đường
  • Điện tư nhân: Đường còn xa
  • VN phát triển kinh tế theo mô hình nào?
  • Kiến nghị về cơ giới hóa nông nghiệp
  • Bàn về xây dựng Chiến lược Phát triển đất nước thời kỳ đến 2020
  • Đánh thuế tài nguyên: Khó đồng thuận thuế suất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi