Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những “siêu thị” lề đường

TPHCM hiện có hơn 250.000 công nhân (CN) hiện đang làm việc tại các KCX-KCN trên địa bàn TP. Với mức thu nhập trung bình, CN là đối tượng thích hợp để sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng. Thế nhưng, với sự nở rộ của những chiếu hàng lề đường quanh các KCX-KCN cùng nhiều mặt hàng trôi nổi, hàng nhập lậu đang chiếm ưu thế… 

Hàng hóa siêu rẻ 

Khoảng từ 4 giờ chiều, dọc những con đường nội bộ bao quanh KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức không còn một khoảng trống. Hàng chục “gian hàng” đã chiếm trọn lối đi bộ. Chỉ cần có một tấm ván mỏng, một tấm ni lông hay một tấm bạt là sẽ có ngay một gian hàng để trưng bày sản phẩm. Và những người bán hàng bắt đầu chào hàng bằng những lời rao hấp dẫn: “dép 15 ngàn đồng 2 đôi”, “quần jean 35 ngàn đồng/cái”, “kẹp tóc, 5 ngàn đồng 2 cái “…Thậm chí, có chị bán hàng vui tính còn ngân nga: “Bóp (ví - PV) đây bóp đây! Bóp cái… 5 ngàn, bóp trên 5 ngàn, bóp dưới cũng 5 ngàn, mại dzô mại dzô…”.

Theo lời rao, từng tốp CN tan ca nhanh chân ghé vào ngắm nghía, chọn lựa. Không chỉ có CN, những “siêu thị” kiểu này thu hút được khá đông người đi đường. Những mặt hàng được bày bán rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, đồ nội y, hàng mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm đến những món lặt vặt như kẹp tóc, khẩu trang, tăm, ví da hay những món có giá trị lớn như đồ điện gia dụng, radio, quạt máy, cassette… 

Hàng hóa được bày bán trên lề đường gần KCX Linh Trung 1. Ảnh: HOÀNG DUNG

Vừa rẽ vào KCN Tân Bình chưa đầy 20m, chúng tôi đã thấy dọc 2 bên đường cơ man là những xe đẩy, sạp gỗ, chiếu nhựa, chiếu ni lông bày bán đủ loại hàng hóa từ “thượng vàng đến hạ cám” với giá rẻ như “bèo”: sơ mi 10.000 đồng/cái, đồ thun 15.000 - 25.000 đồng/bộ. Vớ 10.000 đồng/4 đôi, kính mát Hàn Quốc 15.000 đồng/cái. Có rất nhiều thương hiệu cả trong nước và ngoài nước xuất hiện tại những “siêu thị” lề đường này: từ nước rửa chén Sunlight, Mỹ Hảo đến kem đánh răng P/S, nước tương Nam Dương, dầu gội Sunsilk.

Thậm chí, tại một “shop” mỹ phẩm bày trên chiếu ni lông, chúng tôi còn phát hiện chai nước hoa Channel Number 5 với giá… 25.000 đồng! Riêng tại những chiếu hàng bán đồ second hand, khách hàng có thể mua được những chiếc áo sơ mi với giá 5.000 đồng/cái. Dọc đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn ngang KCX Tân Thuận, vào giờ tan ca, nhiều chiếu hàng bán giỏ xách, quần áo, mắt kính, giày dép cũng được bày la liệt. Thấy một nhóm nữ CN Công ty Nidec Copal đang phân vân trước một chiếc túi xách, chị bán hàng đon đả: “Giỏ da hàng hiệu giá có 80 ngàn đồng. Không đủ tiền thì bỏ chứng minh thư hay thẻ CN lại đây, tới chừng lãnh lương thì ra chuộc lại”. Tương tự, nhiều chiếu hàng ở đây cũng có cách khuyến mãi, giữ khách khá đặc biệt: cho cầm giấy tờ, cầm đồ cũ để lấy đồ mới, mua trả góp… 

Chất lượng... “siêu dỏm”! 

Tò mò, chúng tôi ghé mắt vào một gian hàng tạp hóa lề đường và phát hiện nhiều nhãn hiệu na ná như những nhãn hiệu nổi tiếng: Băng vệ sinh Koter, Kotak, Rulek (có tên gần giống với sản phẩm Kotex), băng vệ sinh Dynina (tên na ná với Diana). Giá bán của các loại băng vệ sinh này chỉ 4.000 đồng/gói 8 miếng. Giấy vệ sinh có những nhãn hiệu lạ hoắc Niova, Carini, Asi, bao bì in nhập nhòe và giá bán chỉ… 1.000 đồng/cuộn. Riêng nhãn mác của quần áo thì vô kể, toàn những tên tiếng Anh vô thưởng vô phạt kiểu như New fashion, New model…

Bắt chuyện một người đàn ông đứng bán dầu gội Komachi với tấm bảng đề giá 10.000/chai, anh cho biết, số dầu gội này là do vợ anh mua lại của công ty trong đợt lễ 2-9 vừa rồi. Do là hàng tồn kho, gần tới “đát” nên công ty đã bán lại với giá rẻ từ 6.000 – 7.000 đồng/chai. Vợ chồng anh mua về bỏ mối với giá 7.000 – 8.000 đồng/chai, đem ra lề đường bán lẻ cho CN giá 10.000 đồng/chai. Lân la hỏi chuyện một chị bán quần áo về nguồn hàng lấy từ đâu mà giá bán khá rẻ, chị cho hay, phần lớn hàng bán ở đây đều lấy ở Chợ Lớn. Thỉnh thoáng cũng có nguồn hàng tồn kho, “đề mốt” của các công ty may mặc và các cửa hàng thời trang. Một nguồn hàng khác chiếm tỷ lệ lớn là hàng Trung Quốc nhập lậu. 

Dù là hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không có bảo hành nhưng những chiếu hàng kiểu này ngày nào cũng đắt khách. Bạn Trần Thị Minh Tâm, CN Công ty Yuki, KCX Tân Thuận kể: Có lần em mua đôi giày ở lề đường về đi chưa được 1 tuần đã bong keo, há miệng. Ra bắt đền người bán chẳng những không được gì mà còn bị chửi “mua đồ lề đường là chấp nhận hên xui”. Lê Thiện Tâm, CN KCN Tân Bình thì cho biết: “Thú thật là từ lúc vô Sài Gòn làm CN tới giờ, em chỉ mua đồ lề đường hay sang hơn là tại các tiệm tạp hóa bán lẻ gần KCN chứ không dám vô mấy cửa hàng lớn hay siêu thị vì ngại mắc”. Ngay trước KCN Tân Bình là siêu thị Co.op Mart nhưng hầu như rất ít CN trong KCN đến mua sắm

(Theo SGGP Online)

  • Điểm lại các cây cầu dây văng Việt Nam
  • Điện tư nhân: Đường còn xa
  • VN phát triển kinh tế theo mô hình nào?
  • Kiến nghị về cơ giới hóa nông nghiệp
  • Bàn về xây dựng Chiến lược Phát triển đất nước thời kỳ đến 2020
  • Đánh thuế tài nguyên: Khó đồng thuận thuế suất
  • Cải cách hoặc tụt hậu
  • Kịch bản kinh tế Việt Nam 2010: có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi