Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu thủy sản năm 2009: Bao giờ hết “ta hại ta”?

Theo nhận định chung, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu. Vì thế, dù các doanh nghiệp thủy sản nổi tiếng là năng động, nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ khó có thể đạt như năm 2008 (4,509 tỷ USD) và dự kiến chỉ đạt khoảng 3,5 - 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) lại lạc quan cho rằng đây là thời cơ lớn để chấn chỉnh quy trình sản xuất nhằm đưa ra những sản phẩm tốt hơn, cũng như đầu tư thiết bị mới nhờ giá rẻ, tăng tính liên kết giữa vùng nguyên liệu và chế biến.
 

Nông dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thu
hoạch cá tra cung ứng xí nghiệp chế biến xuất
khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Lê Minh Quang, Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty cổ phần thủy hải sản Minh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2009 giảm ít nhất 30% so với năm 2008.

Vì vậy, trong năm 2009 này, mối liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp càng phải chặt chẽ nhằm tránh tình trạng vừa thiếu vừa thừa nguyên liệu (tôm kích cỡ lớn hoặc vừa) so với nhu cầu thị trường.

Ông Ngô Phước Hậu, TGĐ Công ty Agifish, Chủ tịch Ủy ban Cá Vasep cho biết, hiện có khoảng 50% diện tích ao chưa thả nuôi. Đó là hậu quả của tình trạng khủng hoảng thừa cá tra nguyên liệu năm 2008 kéo dài và lặp đi lặp lại. Cũng vì thế, nhiều khả năng 6 tháng đầu năm 2009 sẽ thiếu cá nguyên liệu.

Và việc xuất khẩu cá tra trong năm 2009 có thể chỉ ở mức 1 triệu tấn nguyên liệu và 1 tỷ USD kim ngạch. Ông Hậu cho rằng, năm 2009, ngoài những thị trường truyền thống, cần chú trọng và xúc tiến thương mại nhiều hơn ở các thị trường Trung Đông, Ai Cập, nhất là thị trường của cộng đồng Hồi giáo đầy tiềm năng với hơn 1,4 tỷ người.

Là người am tường về tình hình thị trường thế giới, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Vasep cho rằng, trong giai đoạn khó khăn này, cần giảm giá thành nhưng đồng thời phải nâng cao chất lượng thì mới có thể thu hút số đông khách hàng, qua đó cạnh tranh với mặt hàng cá da trơn khác của các nước.

Đây là bài toán khó, xem ra khá mâu thuẫn nhưng không thể không làm. Ông Dũng cho rằng, cần có chương trình nâng cao chất lượng thủy sản, trước hết là cá tra, vì đây là con cá mà chúng ta đang độc quyền trên thế giới và người nuôi đều là những chủ trại lớn, có tiềm lực về vốn liếng.

Với con cá tra cần tập trung 3 vấn đề: thứ nhất, mạ băng không được quá 30% (chỉ nên 10%). Về điều này, DN không thể nói là thị trường yêu cầu như vậy, bởi chúng ta bán phi lê cá tra chứ không phải bán nước đá, nhằm giữ uy tín con cá tra Việt Nam. Không có quốc gia nào cạnh tranh với VN về con cá tra, do đó, những diễn biến cạnh tranh (giảm giá bán, nâng cao tỷ lệ mạ băng) vừa qua đều do chúng ta tự hại nhau, làm hình ảnh con cá tra VN bị xấu đi trong cái nhìn của các khách hàng.

Ngay cả Ai Cập là thị trường mới cũng bị “nát bét” vì sự cạnh tranh này. Xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ chỉ có vài đại gia, nhưng cho đến nay những DN này vẫn chưa chịu ngồi lại để cùng bảo vệ lẫn nhau và bảo vệ hình ảnh con cá tra VN. Vì sao chúng ta đang độc quyền mặt hàng cá tra nhưng lại bán như với tư cách của người không phải độc quyền?

Đó là điều mâu thuẫn đầy bức xúc. Vì vậy phải tổ chức lại thị trường. Không thể tiếp tục để xảy ra việc giá cá tra “bèo” đến mức không tưởng tượng được. Đã đến lúc vấn đề chất lượng con cá phải được tập trung giải quyết để giữ uy tín cho thương hiệu cá tra VN. Thứ hai là vấn đề sử dụng hóa chất.

Với con cá tra, không có người nghèo nuôi mà là đại gia, có hiểu biết, vì vậy phải làm cho được chuyện nuôi cho tử tế rồi mới nói đến việc chế biến có chất lượng. Thứ ba là giá trị cộng thêm đối với những sản phẩm cá tra khi xuất khẩu phải được nâng lên hơn nữa. Ông Dũng nhấn mạnh, đây là lúc chúng ta phải chỉ ra những điểm yếu và phải khắc phục cho được tình trạng này. Vì có như vậy thì chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn từ cơn suy thoái này và qua đó, tạo ra hình ảnh tốt về con cá tra VN.

TGĐ Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) bức xúc với chuyện các doanh nghiệp tự hạ giá bán để giành khách hàng thay vì cùng ngồi lại để thống nhất về giá bán. Trong số mấy trăm công ty xuất khẩu cá tra, chỉ có vài chục DN là có vùng nguyên liệu, hợp tác với bà con nuôi cá, còn lại là mua đứt bán đoạn, gây ra tình trạng lộn xộn trên thị trường.

Ông Minh đặt vấn đề, mới đây 5 nhà nhập khẩu hàng đầu của Nga ngồi lại và đã thống nhất giá mua, nhưng với DNVN, đặc biệt là những DN hàng đầu về con cá này lại không thể ngồi lại để thống nhất về giá bán, chỉ vì quyền lợi riêng tư hơn vì lợi ích chung cộng đồng DN và vì hình ảnh con cá tra VN.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị về xuất khẩu thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, năm 2009, bộ tập trung kiểm tra và xử lý quyết liệt về vấn đề chất lượng thủy sản, trong đó chú trọng nhiều đến thức ăn chế biến; ngoài ra, giải quyết cho được tình trạng bà con nông dân thiếu thông tin thị trường, trong khi DN lại thiếu thông tin về vùng nguyên liệu…

Năm 2008, xuất khẩu thủy sản đạt trên 4,5 tỷ USD, trong đó, con tôm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 7,7% so cùng kỳ, với tốc độ này so với năm 2000 thì con tôm có chiều hướng đi xuống. Cá tra, ba sa năm 2008 là mặt hàng tăng mạnh nhất, trên 48%, đạt trên 1,4 tỷ USD. Mực và bạch tuộc tăng trưởng 12,7% do thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bị chững lại nên chỉ đạt 318 triệu USD.

(Theo báo Sài Gòn online)

  • Thị trường Thủy Sản Thế Giới năm 2008 Và Triển Vọng 2009
  • Xuất khẩu thủy sản năm 2009: Bao giờ hết “ta hại ta”?
  • Xuất khẩu thủy sản năm 2009: Dự kiến chỉ đạt 3,5 - 4 tỷ USD
  • 10 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN thủy sản