Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

10 bí ẩn đời thường khoa học chưa thể giải đáp cặn kẽ (3)

Giấc mơ

“Làm sáng tỏ giấc mơ là con đường ngắn nhất để am hiểu các hoạt động tiềm thức của trí não”. Chuyên gia tâm thần học người Áo Sigmund Freud – “cha đẻ” của thuyết phân tâm học – từng quan niệm như vậy. Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các nhà khoa học đều bác bỏ quan điểm của Sigmund cho rằng giấc mơ là biểu hiện của những ước muốn trong tiềm thức. Cho tới nay, câu hỏi “tại sao chúng ta nằm mơ?” cũng như ý nghĩa của giấc mơ vẫn còn là bí ẩn.

Ảnh: Rex Features 

Giấc mơ không vô nghĩa và cũng không hoàn toàn vô ích. Theo Patrick McNamara của Đại học Boston (Mỹ), giấc mơ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý và củng cố các cung bậc cảm xúc mà không có sự can thiệp của các nội tiết tố gây căng thẳng tinh thần vốn gắn liền với sự trải nghiệm thực tế. Giấc mơ cũng giúp ích cho trí nhớ cũng như quá trình giải quyết vấn đề. Nghiên cứu cho thấy sau giấc ngủ ban đêm, não bộ có khả năng nhớ lại danh sách các từ vựng có liên quan và mối liên hệ giữa chúng tốt hơn so với khi cơ thể thức cùng thời gian vào ban ngày.

Gần đây, giới nghiên cứu khám phá ra rằng không phải tất cả giấc mơ đều xảy ra trong giai đoạn ngủ sâu (hay giai đoạn ngủ mơ, khi đó cơ thể trải qua những thay đổi rõ rệt như mắt cử động nhanh, mất khả năng phản xạ, hoạt động não và mạch đập gia tăng). Nói cách khác, chúng ta có thể nằm mơ ở ngoài giai đoạn ngủ sâu. Có nhiều dấu hiệu cho thấy giấc mơ không thuộc giai đoạn ngủ sâu cũng có chức năng đặc biệt riêng.

Bằng cách đánh thức sinh viên trong giai đoạn ngủ sâu và ngủ không sâu, McNamara và đồng nghiệp phát hiện giấc mơ trong giai đoạn ngủ sâu mang màu sắc cốt truyện hơn với nhiều cảm xúc, gây hấn và nhiều nhân vật vô danh hơn so với giấc mơ ngoài giai đoạn ngủ sâu. Dạng giấc mơ thứ hai này thường liên quan tới những giao tiếp xã hội theo hướng thân thiện. Theo McNamara, giấc mơ xảy ra trong giai đoạn ngủ sâu giúp chúng ta đối phó với những tình huống gây hấn trong khi giấc mơ ngoài giai đoạn ngủ sâu hỗ trợ hành vi hợp tác, hòa nhã.

Nụ cười

Cho tới nay, “cái gì làm chúng ta cười” vẫn còn đang thách thức sự lý giải của các khoa học gia. Kết quả 10 năm nghiên cứu của nhà tâm lý học Robert R. Provine và cộng sự ở Đại học Maryland (Mỹ) chỉ ra rằng hầu hết chúng ta cảm thấy “mắc cười” trước những câu nói sáo rỗng, chẳng hạn như “Bạn có dây thun không?”, hơn là những câu đùa mua vui.

Ảnh: Getty

Provine cho rằng nụ cười có nguồn gốc từ tổ tiên thời tiền sử, là phản ứng sinh lý của cơ thể khi bị cù lét. Vượn người ngày nay cũng có kiểu cười tương tự khi chúng bị chọt lét trong lúc chơi giỡn và cách cười này tiến hóa thành tiếng cười “ha ha” ở người. Provine lập luận rằng khi bộ não của người phát triển lớn hơn, tiếng cười có ảnh hưởng lớn về mặt giao tiếp xã hội – đó là gắn kết tình cảm giữa người với người. Robin Dubar của Đại học Oxford (Anh) phát hiện tiếng cười làm gia tăng hàm lượng nội tiết tố endorphin trong não có tác dụng giảm đau và chi phối cảm xúc, giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn.

Theo các nhà khoa học, có sự khác biệt lớn giữa “cười hồn nhiên” và “cười chế nhạo” cũng như “cười tình cảm”, “cười xã giao”, “cười bối rối”, “cười gượng” và “cười đểu”. Ngoài ra, qua nghiên cứu Provine thấy rằng nam giới khôi hài hơn so với phái nữ, và nhìn chung giới quần thoa thích kết bạn với người hài hước trong khi nam nhân thích làm người khác nở nụ cười. Điều này cho thấy khả năng làm người khác cười ít nhất đã tiến hóa một phần thông qua quá trình chọn lọc giới tính.

(Theo Quốc Châu/CTO)

  • 10 bí ẩn đời thường khoa học chưa thể giải đáp cặn kẽ (3)
  • 10 bí ẩn đời thường khoa học chưa thể giải đáp cặn kẽ (4)
  • 10 bí ẩn đời thường khoa học chưa thể giải đáp cặn kẽ (5)
  • 10 bí ẩn đời thường khoa học chưa thể giải đáp cặn kẽ (6)
  • 10 bí ẩn đời thường khoa học chưa thể giải đáp cặn kẽ (7)
  • 10 bí ẩn đời thường khoa học chưa thể giải đáp cặn kẽ (8)