Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các kỹ năng tiếp thị hiệu quả (7): Kiểm soát việc thực hiện kế hoạch

 Ngay cả khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng với một kế hoạch chặt chẽ, nguồn lực đầy đủ, và tất cả các kỹ năng phù hợp, thì bạn vẫn phải đối mặt với những bất ngờ trong quá trình thực hiện kế hoạch marketing của mình. Sau đây là một vài ví dụ về những bất ngờ mà công ty bạn có thể trải qua:


* Nhu cầu của khách hàng thấp hơn kết quả nghiên cứu thị trường mà bạn lấy làm cơ sở để hoạch định mọi kế hoạch marketing hoặc sản xuất của mình.


* Khách hàng sử dụng sản phẩm hay dịch vụ là do tình cờ, ngẫu nhiên chứ không phải là sự chủ động.


* Một đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện và bất ngờ tấn công bằng một sản phẩm mới khiến mọi người kinh ngạc.


* Chi phí của chiến dịch quảng cáo cao hơn ước tính.


Việc kiểm tra và giám sát thường xuyên các hoạt động marketing có thể giúp công ty đáp ứng hiệu quả các sự cố ngoài mong đợi này. Bảng 2-1 trình bày bốn hình thức kiểm soát công tác marketing và giải thích rõ người chịu trách nhiệm, lý do lựa chọn từng hình thức kiểm soát cụ thể, và cách thực hiện các biện pháp kiểm soát này. Cần lưu ý rằng nhiều mục trong cột "Cách kiểm soát" mang tính định lượng, ví dụ như tỷ lệ chi phí marketing so với doanh thu, khả năng sinh lời của sản phẩm trong khu vực, v.v. Những dữ liệu này thể hiện những thông số chính của hiệu suất hoạt động.


Tóm tắt


* Một kế hoạch marketing trình bày chính xác những gì công ty sẽ làm khi tung các sản phẩm mới ra thị trường và hỗ trợ các sản phẩm đã sản xuất từ lâu. Nó tính toán thời gian cho các hoạt động bán hàng và quảng bá, các chiến lược về giá và nỗ lực phân phối. Kế hoạch này cũng đề cập đến cách thức kiểm soát kế hoạch và đánh giá kết quả.


* Một kế hoạch marketing dựa trên việc xác định khách hàng mục tiêu và các yếu tố của marketing hỗn hợp, hay còn gọi là quy tắc 4 P.


* Sản phẩm là những gì mà một công ty cung cấp cho khách hàng. Sản phẩm bao gồm cả các khía cạnh lý tính lẫn các yếu tố vô hình.


* Thiết lập kênh phân phối đề cập đến địa điểm bán hàng và phân phối sản phẩm hay dịch vụ. Kênh phân phối có thể là một cửa hàng bán lẻ, một mạng lưới phân phối toàn quốc,
một website thương mại điện tử, một catalog gửi trực tiếp đến khách hàng hay những hình thức phân phối khác.


* Giá là chi phí mà khách hàng phải bỏ ra để đổi lấy sản phẩm của nhà cung cấp. Trong các thị trường tự do và cạnh tranh, giá bán chính là công cụ điều chỉnh mức cầu của khách hàng. Nhìn chung, nhà cung cấp linh hoạt hơn trong việc định giá khi sản phẩm hay dịch vụ của họ có tính độc đáo, và ít linh hoạt hơn khi mặt hàng mà họ cung cấp là hàng hóa thông thường hoặc phổ biến.


* Quảng bá là các hoạt động truyền thông với mục đích làm cho khách hàng nhận biết và có ấn tượng tốt đẹp về sản phẩm hay dịch vụ của công ty, và thực hiện giao dịch mua bán thật sự.


 




(Nguồn: First News và NXB Tổng hợp TPHCM //maxreading)