Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 2: Kỳ vọng Thâm Quyến

Thâm Quyến được trông đợi là nơi thí điểm cải cách chính trị toàn diện - Ảnh: Wikipedia

Nhiều chuyên gia đang lao vào phân tích nguyên do Thâm Quyến có thể là nơi thí điểm thực hiện cải cách chính trị tại Trung Quốc.

Theo Nhật báo phương Nam, ngay sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi cải cách chính trị trong chuyến thăm Thâm Quyến, một hội thảo nghiên cứu lý luận về “Đặc khu kinh tế với CNXH mang màu sắc Trung Quốc” đã được cấp tốc tổ chức vào ngày 23.8 tại thành phố này. Hơn 10 chuyên gia hàng đầu Trung Quốc đã được mời tới “bắt mạch tương lai” cho Thâm Quyến. Nhiều chuyên gia khác cũng hô hào Thâm Quyến nhất thiết phải lĩnh hội lời kêu gọi của ông Ôn Gia Bảo và đề ra không ít phương án cải cách cho đặc khu này.

Chọn mặt gửi vàng

Tổng sản lượng kinh tế của Thâm Quyến so với Hồng Kông chỉ đạt 0,36% vào năm 1979 nhưng đã lên tới 1/8 vào năm 2000, và 57% vào năm 2009. Trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thâm Quyến đạt 25,8%, tạo nên danh hiệu “Thâm Quyến siêu tốc”. Ông Trương Ninh - Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu văn hiến trung ương(*), nhận định: “Thành công thực tiễn của đặc khu kinh tế này trên thực tế đã bước ra ngoài mô hình Trung Quốc, tạo ra con đường mới. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa mang tầm thế giới của kinh nghiệm từ Thâm Quyến”.

Ông Lạc Chính - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thâm Quyến, cho rằng sau 30 năm, Thâm Quyến ngày nay không còn là Thâm Quyến của Trung Quốc nữa, mà đã trở thành “của thế giới”. Theo ông Lạc, với những chính sách ưu đãi đặc biệt, Thâm Quyến đã tạo nên một dạng mô hình phát triển kinh tế vượt bậc, có thể chế kinh tế hỗn hợp, kết cấu xã hội mở. Tuy nhiên, ông Lạc cũng cảnh báo sự phát triển và cải cách không cân bằng giữa kinh tế và chính trị của Thâm Quyến tuy đã thúc đẩy được phát triển vượt bậc trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng có thể tạo nên mâu thuẫn nội tại.

“Kê thuốc” cho Thâm Quyến

Trung tướng Lưu Á Châu - Chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc, đã mượn mô hình của Mỹ để bàn về tầm quan trọng của sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và cải cách chính trị toàn diện. Trong bài viết kêu gọi Bắc Kinh cải cách chính trị đăng trên tạp chí Phoenix của Hồng Kông hồi tháng trước, ông Lưu viết: “Bí quyết thành công của Mỹ không nằm ở phố Wall hay ở thung lũng Silicon mà ở hệ thống luật pháp lâu đời và hệ thống chính trị gắn liền với nó” .

Sau khi các chuyên gia đồng loạt đánh giá, phân tích những ưu khuyết của Thâm Quyến trong hiện tại và tương lai, không ít người đề ra các phương án nhằm giúp thành phố này phát triển tốt hơn nếu được chọn làm nơi thí điểm tiến hành cải cách chính trị ở Trung Quốc.

Ông Lạc Chính hy vọng Thâm Quyến tiếp tục thúc đẩy xây dựng xã hội công dân hiện đại, xây dựng chính quyền theo mô hình phục vụ công cộng. Chuyên gia Trương Thần Căn thuộc Ban Nghiên cứu Đảng góp ý, tương lai phát triển của đặc khu kinh tế này cần phải coi trọng những vấn đề lớn như: tính sáng tạo mới, khuynh hướng nội địa hóa, việc phát triển mới thiếu động lực và tinh thần khai phá... Ông Trình Hiển Dục - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thành Đô, lại khẳng định tương lai của Thâm Quyến phải “xây dựng toàn diện, phát triển toàn diện”, phải là “thành phố tiên phong trong việc xây dựng chính trị dân chủ ở Trung Quốc”.

Theo ông Trình, Thâm Quyến cần phải tiến hành hàng loạt cải cách trong phạm vi thể chế chính trị cụ thể, tiến hành điều chỉnh quan hệ Đảng ủy - chính quyền, tăng cường phát huy tác dụng của Quốc hội và Chính hiệp, đồng thời nhất định phải có sáng tạo mới trong việc xây dựng sự liêm chính cho cán bộ. “Nếu Thâm Quyến không chịu thử thì ai sẽ thử?... Chuyện này không thể chờ đợi được nữa. Nhất định trong giai đoạn đầu của 30 năm sau phải bắt đầu công việc này”, ông Trình nêu ý kiến.

Trong khi đó ông Từ Đông Bình - Bí thư Đảng ủy Hội Liên hiệp khoa học xã hội tỉnh An Huy, đánh giá kinh nghiệm thành công của Thâm Quyến căn bản do chính sách dẫn dắt, trọng điểm là sáng tạo mới về thể chế. Trong tương lai, Thâm Quyến cần đi từ phát triển kinh tế sang phát triển văn hóa, chuyển từ điển hình về kinh tế thành điển hình tổng hợp về nhiều mặt. Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa quốc gia Đại học Vũ Hán - Bác Tài Vũ khẳng định: kết cấu phát triển sau này của Thâm Quyến cần theo chiến lược phát triển văn hóa đậm bản sắc. Theo ông Bác, Thâm Quyến cần phải chiếm ưu thế trong việc cải cách thể chế văn hóa tương xứng với tiến trình xây dựng văn minh chính trị của cả nước, phải quy hoạch chiến lược, tích lũy kinh nghiệm, đóng góp vào việc xây dựng văn hóa tỉnh Quảng Đông nói riêng và văn hóa quốc gia nói chung. Ông này góp ý cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch phát triển “văn hóa Thâm Quyến” với độ dài ít nhất từ 20 - 30 năm.

Xem ra Thâm Quyến thực sự đang chịu nhiều áp lực bởi phải gánh những trách nhiệm quá nặng và được cả Trung Quốc trông ngóng như một mô hình thí điểm đầu tiên áp dụng cải cách chính trị toàn diện về nhiều mặt.

Trung Quốc lập website phản biện

Trong tuần qua, Trung Quốc đã lẳng lặng cho ra mắt một website để người dân bày tỏ quan điểm của mình tới các lãnh đạo cấp cao. Theo AFP hôm qua, hàng chục ngàn bình luận đã tới tấp được gửi đến webiste mang tên Trực tuyến Trung Nam Hải (nơi đặt trụ sở Đảng Cộng sản và Quốc Vụ viện Trung Quốc- NV), trong đó có nhiều lời than phiền về tự do ngôn luân, tình trạng tham nhũng, và chính sách nhà ở. Một cư dân mạng nhắn gửi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào: “Nếu ông quan tâm tới cuộc sống người dân thì lập tức tiêu diệt quan tham và cường hào ác bá địa phương”. Một người khác viết: “Chính phủ vẫn tiếp tục kiểm soát giá nhà, nhưng nó vẫn tăng chóng mặt”. Người này cho rằng giá nhà tăng là do sự thông đồng, tham nhũng và luật pháp không nghiêm.

Văn Khoa

(Theo Nguyễn Lệ Chi // Thanhnien Online)

(*): Đơn vị hành chính thuộc

T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc, có nhiệm vụ nghiên cứu Đảng và tư tưởng các vị lãnh đạo chủ chốt của quốc gia