Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và sẽ có những thay đổi quan trọng - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc khởi động cải cách đã 30 năm qua, từ dễ tới khó, từ kinh tế tới chính trị. Nhưng cải cách chính trị chỉ mới có những bước thăm dò.
Theo website Bầu cử Trung Quốc (Chinaelections.org) ngày 10.9, công cuộc cải cách chính trị ở nước này được đánh giá là còn hạn chế tuy cũng có những điểm sáng. Website này nhận định để đẩy mạnh cải cách, không có cách nào khác ngoài việc "ra tay" toàn diện trong nhiều lĩnh vực như cải cách thể chế, cải cách chế độ, dân chủ trong Đảng, kìm hãm hủ bại...
Bầu bí thư trực tiếp, công khai
Một trong những điểm sáng lớn nhất của tiến trình cải cách chính trị của Trung Quốc chính là gia tăng tiến trình dân chủ hóa trong Đảng Cộng sản, bao gồm 2 nội dung: chọn cán bộ lãnh đạo và mở rộng ngôn luận trong Đảng. Tại kỳ họp toàn thể lần thứ 4 khóa 17 của Ủy ban T.Ư Đảng, nội dung thảo luận trọng tâm là cải cách chế độ bầu cử trong Đảng, nghiên cứu mô hình phát triển dân chủ đậm màu sắc Trung Quốc. Sau kỳ họp này, T.Ư Đảng CSTQ đã lặng lẽ áp dụng hình thức "công khai ứng cử và trực tiếp chọn", trước mắt đã triển khai thí điểm tại các huyện thị. Chẳng hạn như cách đây không lâu, tỉnh Tứ Xuyên đã thông qua phương thức cạnh tranh bầu cử để chọn Bí thư Đảng ủy huyện. Tương tự, thành phố Nam Kinh cũng bầu chọn được Bí thư và Phó bí thư Đảng ủy cho một số cơ quan. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSTQ áp dụng hình thức bầu cử này. "Công khai ứng cử và trực tiếp chọn" chính là thông qua những phương thức tự giới thiệu, đề cử, giới thiệu... để đưa ra những ứng viên, rồi lại căn cứ vào số phiếu bầu tín nhiệm của quần chúng ngoài Đảng và phiếu bầu chọn của đảng viên để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy cách thức này không hoàn toàn giống với phương thức bầu quan chức dân cử ở các nước phương Tây, nhưng dù sao cũng khác với mô hình truyền thống là cấp trên trực tiếp giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Một cơ chế cạnh tranh trong việc bầu chọn cán bộ đã bắt đầu được hình thành.
Mở rộng ngôn luận trong Đảng
Việc mở rộng ngôn luận trong Đảng cũng đồng thời được T.Ư Đảng CSTQ nhắc tới lịch trình thực hiện. Ngay trong kỳ họp toàn thể lần thứ 4 khóa 16, phần "Quyết định" đã ghi rõ: "Tạo môi trường thảo luận bình đẳng nhiều luồng ý kiến, khích lệ và bảo vệ các đảng viên nói thẳng, nói thật". Điều này rõ ràng khác biệt rất lớn so với cách thức và cách dùng ngôn từ thông thường vẫn áp dụng trước đây là "cho phép đảng viên phát biểu những ý kiến khác nhau".
Trong làn sóng mở rộng ngôn luận trong Đảng đã xuất hiện bầu không khí trước đây chưa từng có, mức độ mở rộng ngôn luận cũng thoáng hơn, khiến giới quan sát bên ngoài phải kinh ngạc. Trong đó có không ít những bài phát biểu có tính chất tiêu biểu như "Dân chủ là thứ tốt" của ông Dục Khả Bình - Cục phó Cục Biên soạn và dịch thuật Trung ương; "Những sai lầm trong tư tưởng dân chủ của Mao Trạch Đông" của Quách Đức Hồng - Chủ nhiệm Bộ môn nghiên cứu Lịch sử Đảng thuộc trường Đảng Trung ương; "Hy vọng Đảng Cộng sản hình thành 2 phái, hy vọng quân đội quốc gia hóa" của ông Hạ Vệ Phương - Giáo sư khoa Luật thuộc Đại học Bắc Kinh; "Giải phóng những suy nghĩ mà Đảng cấm" của học giả Tứ Ninh.
Thậm chí đã xuất hiện một tiêu chí dân chủ khác trong Đảng là "trong Đảng có nhiều phái" - điều từng bị coi là cấm kỵ trước đây. Chính cố Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nêu: "Trong Đảng không có phe phái là chuyện kỳ quái". Trên thực tế, điều này đã khẳng định rằng sự tồn tại nhiều phái trong Đảng là chuyện khách quan. Nay ngôn luận trong Đảng tiếp tục được giải phóng, việc xuất hiện những trường phái tư tưởng khác nhau hoàn toàn là điều bình thường, là có lợi chứ không hề có hại cho việc "xây dựng Đảng". Thực tế hiện nay trong Đảng CSTQ có 2 trường phái tư tưởng khác nhau là "phái tả" và "phái tả mới".
Theo các chuyên gia, thử thách lớn nhất của việc dân chủ hóa trong Đảng CSTQ thực ra đến từ thể chế lãnh đạo trung ương. Với tình hình trước mắt thì trụ cột của thể chế lãnh đạo trung ương gồm: cơ chế trao quyền và cơ chế báo cáo. Tai hại của cơ chế trao quyền này là quyền lực đến từ cấp trên (tức cơ chế mệnh lệnh) và quyền lực không có tính ổn định, độ giám sát, thừa nhận của quần chúng không cao. Cơ chế báo cáo cũng xuất hiện những sai sót, cấp dưới luôn gắng làm vừa ý cấp trên và trong quá trình báo cáo khó có thể tránh khỏi sai lệch thông tin. Tuy nhiên những đổi mới quan trọng trong quá trình "xây dựng Đảng" ở Trung Quốc đã thực sự hứa hẹn thêm nhiều cải tiến mới, góp phần quan trọng trong việc cải cách chính trị.
(Theo Nguyễn Lệ Chi // Thanhnien Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com